Airdrop đã mang lại gì cho blockchain?
Đồng thời đây cũng là cách marketing để các dự án blockchain tiếp cận được nhiều người dùng hơn, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái.
Với những ai từng tham gia săn airdrop hoặc chí ít biết đến airdrop crypto cũng dễ nhận ra được sức ảnh hưởng lớn của hoạt động này đối với blockchain. Xét về những gì chúng mang lại, có lẽ phải kể đến cả tác động tích cực và một số mặt trái của hình thức marketing này.
Khoản tiền từ trên trời rơi xuống, có thể giúp nhà đầu tư tăng số vốn ban đầu dường như là lý do khiến số lượng thợ săn airdrop ngày càng tăng. Nói cách khác, đây là cơ hội kiếm tiền rủi ro thấp - lợi nhuận cao. Tuy nhiên, những gì airdrop mang lại liệu có hấp dẫn như lời đồn?
Dù trong bối cảnh uptrend hay downtrend, airdrop vẫn luôn thu hút sự chú ý của cộng đồng. Kể từ 2022, thị trường crypto lâm vào suy thoái, không ít công ty trong ngành đã phá sản. Song airdrop không vì thế mà biến mất khi nhiều dự án vẫn sẵn sàng chi tiền cho hoạt động này.
Chiến dịch vàng của mọi dự án
Bước đệm để tăng trưởng nóng
Trên thực tế, sau khi tung ra đợt airdrop cho cộng đồng, hoạt động của các dự án đều tăng trưởng tốt kể từ đó và thu hút được lượng người dùng lớn tham gia vào hệ sinh thái. Nhờ chiến dịch này, các nền tảng đã tạo được tiếng vang cho chính mình và đóng góp vào sự phát triển của toàn ngành tiền mã hoá.
Nhìn lại những đợt airdrop từng diễn ra trong quá khứ, nhiều dự án dường như đã nhận lại được giá trị xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Đơn cử là Uniswap, nền tảng được coi là có chiến dịch airdrop thành công nhất trong lịch sử crypto.
Vào tháng 9/2020, Uniswap đã phân phối khoảng 88 triệu token, tương đương kinh phí 264 triệu USD. Hoạt động này đã giúp dự án thu về 1.2 tỷ USD từ phí giao dịch thời điểm đó. Cụ thể, người dùng tham gia airdrop tạo ra khoảng 17% phí giao dịch tích lũy, mang về 208 triệu USD sau gần 2 năm.
Ngoài ra, TVL của sàn DEX cũng tăng đột biến sau một tháng tung ra airdrop cho cộng đồng. Vào trước thời điểm airdrop, TVL của Uniswap duy trì ở mức 915 triệu USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng vọt hơn gấp 3 lần lên gần 3 tỷ USD sau khi sự kiện diễn ra. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của sàn cũng leo lên mức 3.8 tỷ USD (tính đến tháng 3/2021).
Ngoài trường hợp của Uniswap, một dự án NFT marketplace khác cũng tăng trưởng bất ngờ sau airdrop, đó là Blur. Nhắc tới Blur, cộng đồng sẽ nghĩ ngay đến sàn giao dịch NFT đối thủ, từng vượt mặt OpenSea để dành vị trí ngôi vương vào hồi tháng 2 năm nay.
Tương tự nhiều nền tảng NFT marketplace muốn cạnh tranh với OpenSea, Blur sử dụng chiến lược airdrop token để thu hút người dùng NFT. Ngay từ ngày đầu ra mắt, dự án đã công bố airdrop token cho người dùng, trader NFT với 3 đợt cụ thể.
Nhờ sức ảnh hưởng của airdrop, hoạt động trên Blur tăng cao đột biến, thậm chí đạt đỉnh cách đó không lâu. Thời điểm đó, nền tảng NFT marketplace sở hữu hơn 146,000 người dùng với khối lượng giao dịch cán mốc 1.2 tỷ USD. Đáng chú ý, sức tăng trưởng nóng đã giúp Blur có thời điểm vượt qua OpenSea - dự án NFT marketplace gạo cội đã ra mắt từ lâu.
Phần thưởng giá trị cho “người có công"
Không chỉ dự án, cộng đồng là những người được hưởng lợi sớm nhất từ airdrop. Cụ thể, với những ai trúng airdrop, họ sẽ có cơ hội đổi vị thế với số vốn ít ỏi ban đầu. Cộng đồng tiền mã hoá đã không còn xa lạ với một số dự án từng airdrop khủng trong quá khứ như Uniswap, 1inch, Arbitrum,...
Vào tháng 9/2020, Uniswap đã phân phối token UNI cho hơn 250,000 người dùng sớm của sàn giao dịch. Cụ thể, mỗi người dùng đủ điều kiện nhận 400 UNI với tương đương 1,200 USD. Ngoài ra, dự án tên miền Ethereum Name Service cũng từng airdrop 200 triệu USD token ENS cho cộng đồng vào tháng 9/021. Thời điểm đó, phần lớn mọi người đều nhận được từ 100 ENS (tương đương 8,000 USD).
Đến tháng 3 năm nay, Arbitrum tiếp tục gây được tiếng vang trong thị trường tiền mã hoá sau khi tung ra đợt airdrop trị giá hơn 2 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Dune Analytics, có 11.62% tổng cung ARB được lưu thông. Tính trung bình, mỗi ví ARB nhận được 1,859 ARB. Lúc đó, số token này trị giá trên dưới 2,500 USD.
Bên cạnh khoản tiền nhận được lên đến hàng nghìn hay chục nghìn USD, token airdrop sẽ giúp người dùng được tham gia vào hoạt động quản trị và hưởng một số đặc quyền khác. Điển hình là việc bỏ phiếu vào các tổ chức DAO.
Airdrop trở thành văn hoá cộng đồng
Không chỉ là tiền, thứ airdrop mang lại cho cộng đồng còn là văn hoá cùng chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhiều nền tảng trong hệ sinh thái DeFi rộng lớn. Dễ thấy trên các ứng dụng được người dùng tiền mã hoá ưa thích, hàng loạt hội nhóm liên quan đến airdrop xuất hiện. Bên cạnh những kẻ lừa đảo, nhiều group hoạt động với mục đích giúp người mới tham gia vào thị trường săn kèo và hướng dẫn họ từng bước tương tác với dự án.
Nhìn chung, ngoài giá trị vật chất, cộng đồng xem airdrop như hoạt động mang tính đại diện cho khả năng hấp thụ blockchain của cộng đồng. Điều này góp phần tạo nên văn hoá tích cực cho người dùng tiền mã hoá.
Trên thực tế, những thợ săn airdrop chính là những người dùng sớm, hiểu rõ và nắm bắt nhiều thông tin về sản phẩm của dự án. Do đó, việc săn airdrop sẽ giúp họ tích luỹ được kiến thức bổ ích về DeFi cũng như trau dồi thêm kỹ năng skin in the game. Đây là những thuận lợi để cộng đồng bắt kịp với nhịp phát triển của các dự án trong ngành tiền mã hoá.
Mặt trái của “cơn mưa” tiền số
Loạt drama về airdrop
Hiệu quả marketing của dự án từ airdrop nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng là không thể phủ nhận, song chiến lược này cũng gây ra một số tác động tiêu cực. Trong quá khứ, cộng đồng tiền mã hoá từng chứng kiến nhiều drama liên quan đến airdrop, khiến các nền tảng không ít lần đánh mất uy tín của mình. Gần nhất là đợt phân phối phần thưởng token của 2 dự án lớn CyberConnect và Sei.
Cùng làm airdrop nhưng cả 2 nền tảng này nhận về nhiều chỉ trích vì đi ngược kỳ vọng, giá trị phần thưởng dành cho người dùng cũng bị cho là quá thấp. Điều này khác biệt so với các sự kiện airdrop trị giá vài trăm triệu cho đến hàng tỷ USD của các dự án trước đây.
Đáng chú ý, ngày 16/8, SEI đã vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Hàng loạt người dùng lên tiếng tố cáo Sei là dự án lừa đảo vì bê bối airdrop, hashtag #Seiscam nhanh chóng lên top trending trên mạng xã hội X (Twitter).
Bên cạnh 2 dự án Binance Launchpad thứ 36 và 37, Sui Network cũng là cái tên bị cộng đồng tiền mã hoá nhắc nhiều về vấn đề phân phối token cho người dùng. Vào hồi tháng 4, nhiều người có động thái chống lại Sui và cáo buộc nền tảng này đã lừa đảo người dùng khi bán token dành cho cộng đồng mà không có sự chấp thuận của họ. Đặc biệt, cuộc tranh cãi nảy lửa bắt nguồn từ thông tin tokenomics do Sui Foundation phát hành.
Thời điểm đó, dự án cho biết sẽ phân bổ token đến những thành viên đã tham gia thử nghiệm Sui devnet và testnet. Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra từ khi Sui Network thông báo mở bán token trong thời gian ra mắt mainnet.
Đến ngày 16/4, cộng đồng tiền mã hóa xôn xao về việc #suiScam - cụm từ chỉ trích dự án blockchain layer 1 Sui Network bất ngờ trở thành top từ khóa thịnh hành trên Twitter. Điều này diễn ra chỉ một ngày sau khi dự án thông báo mở bán SUI token trên thị trường.
Điều gì xảy ra với token sau airdrop?
Không chỉ là drama airdrop, phần lớn giá token đều có xu hướng giảm mạnh sau sự kiện này do áp lực xả lớn từ những người dùng được nhận tiền thưởng của dự án. Hơn nữa, việc nhiều giao thức tung ra đợt airdrop trong bối cảnh downtrend khiến chúng chịu tác động tiêu cực từ thị trường suy thoái. Không ít các token sau airdrop đều được giao dịch dưới mức giá niêm yết trên sàn.
Điển hình là ARB, sau ngày đầu airdrop, giá token đã giảm từ 1.4 - 1.5 USD xuống khoảng 1.2 USD. Thời điểm đó, tổng số lượng holder tăng dần, số dư ARB của các ví smart money cũng tăng lên. Điều này cho thấy cộng đồng mong muốn giá token của Arbitrum giảm để mua vào ở mức 1.15 - 1.2 USD.
Áp lực xả token khiến giá của chúng lao dốc sau airdrop là điều dễ thấy ở các dự án tương tự Arbitrum như Optimism hay Blur. Ngày 15/2, Blur công bố airdrop cho người dùng giao dịch trên NFT maketplace này với khoảng 369 triệu BLUR. Con số này chiếm 12% trong tổng cung là 3 tỷ token.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, sau khi mở bán trên sàn với mức giá 5 USD, token BLUR đã nhanh chóng bị cộng đồng nhận airdrop xả mạnh. Thời điểm đó, giá token lao dốc xuống vùng 0.5 - 0.7 USD với khối lượng giao dịch hơn 500 triệu USD trong vòng vài giờ.
Hiệu quả “ăn liền” liệu có bền lâu?
Ngoài ra, hiệu quả ăn liền của airdrop đối với sự tăng trưởng của dự án nhanh chóng kết thúc sau khi người dùng nhận được token. Thực tế cho thấy phần lớn chỉ số phát triển của nhiều giao thức DeFi đã giảm sút rõ rệt hoặc quay trở lại như trước thời điểm airdrop diễn ra. Điển hình là TVL, khối lượng giao dịch, số địa chỉ ví hoạt động hàng ngày hàng tháng,...
Cụ thể, sau 3 tháng airdrop, tỷ lệ giao dịch từ các ví nhận airdrop Arbitrum so với số còn lại đã giảm dần, ổn định ở mức khoảng 5%. Nhìn chung, tác động lâu dài của airdrop đối với việc giữ chân người dùng vẫn chưa chắc chắn. Tính đến cuối tháng 8, số lượng địa chỉ ví hoạt động và giao dịch hàng ngày của Arbitrum vẫn duy trì ổn định tương tự thời điểm trước airdrop.
Ví dụ điển hình khác cho điều này là Aptos. Trước khi tung ra đợt airdrop, cộng đồng tiền mã hoá đua nhau chạy node hay trải nghiệm nhiều dự án trên hệ sinh thái với bản testnet với kỳ vọng nhận được phần thưởng token. Tuy nhiên, sau khi dự án thông báo chiến dịch này, nhiều người dùng dường như không còn mặn mà với dự án dẫn đến số lượng giao dịch trên blockchain layer 1 này đã giảm mạnh.
Phần lớn chỉ số on-chain của các dự án này đều duy trì ổn định trước thời điểm airdrop trong khi giá token có xu hướng giảm mạnh. Điều này cho thấy không ít người dùng đã rời bỏ dự án sau khi nhận được airdrop.
Trên thực tế, đa số mọi người tham gia airdrop là để kiếm tiền miễn phí với mục đích chính. Xét về trường hợp của Uniswap, được cho là đợt airdrop lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử crypto, cũng không ngoại lệ.
Song, sàn DEX này dường như không thực sự giữ chân được người dùng mới trong khoảng thời gian dài. Theo dữ liệu Dune Analytics, năm 2022, khoảng 7% người tham gia airdrop vẫn còn nắm giữ UNI. Trong số 7% người dùng đó, chỉ khoảng 1% tăng lượng token UNI trong ví.
Vào năm 2020, những người tham gia airdrop UNI chiếm khoảng 40% khối lượng hàng tuần và 60% số nhà giao dịch tích cực trên Uniswap. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, nền tảng chỉ có 4,000 người giao dịch hàng tuần trên Uniswap, giảm mạnh so với mức 62,000 nhà giao dịch trong thời gian airdrop. Bên cạnh đó, chỉ khoảng 2% tham gia vào các hoạt động liên quan đến quản trị của Uniswap.
Bên cạnh Uniswap, nền tảng layer 2 Optimism cũng chứng kiến những điều tương tự. Trong tháng đầu tiên, 140,590 địa chỉ đã nhận được airdrop OP với trung bình 1,087 OP (1,728 USD). Ngày 26/7, tổng số người nắm giữ token giảm xuống còn 95,790 người. Điều đó đồng nghĩa hơn 40,000 ví đã bán tháo OP sau khi claim airdrop.
Airdrop ngày càng khắc nghiệt
Dù là hiệu quả hay tác động mang lại cho hệ sinh thái DeFi và blockchain, số lượng thợ săn airdrop trên thị trường tiền mã hoá vẫn có xu hướng tăng cao. Để giảm bớt người “cày” airdrop và lọc ra người dùng thật của nền tảng, một số dự án đã thắt chặt điều kiện nhận được phần thưởng token.
Vào hồi tháng 3, Arbitrum Foundation đã đưa ra tổng cộng 18 tiêu chí khác nhau. Trong đó có nhiều tiêu chí tập trung về khối lượng giao dịch, tần suất sử dụng, mức độ trải nghiệm sản phẩm… Dự án cho biết người dùng phải đạt ít nhất 3 trong số các điều kiện này mới có thể claim airdrop.
Bên cạnh đó, nền tảng layer 2 cũng áp dụng một số tiêu chí chống sybil (giả mạo danh tính). Cụ thể, nếu ví có số dư ít hơn 0.005 ETH và chỉ tương tác với một smart contract sẽ bị trừ một điểm. Ngoài ra, đối với trường hợp nhiều địa chỉ có hoạt động giống nhau, chuyển tiền đi nhiều hơn 20 ví khác, cũng sẽ bị coi là ví sybil.
Điều này khác với cách Uniswap hay Perpetual airdrop cho người dùng. Thời điểm đó, điều kiện để nhận hàng chục nghìn USD từ dự án này rất đơn giản, chẳng hạn như giao dịch trên sàn với mức phí vài chục USD hay thậm chí chỉ cần tham gia cuộc thi giao dịch trên testnet.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề của việc phân phối token trong một đợt airdrop lớn là nhiều người dùng sẽ không bao giờ tương tác với nền tảng nếu không có thêm ưu đãi nào. Điều đó thúc đẩy dự án cần thay đổi cách phân phối phần thưởng token cho người dùng.
Hơn nữa, các trường hợp airdrop gây ra làn sóng chỉ trích trong cộng đồng tiền mã hoá như Sei Network hay CyberConnect khiến không ít người nghĩ rằng điều kiện để nhận thưởng từ dự án sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đây cũng được cho là điều thiết yếu để các giao thức có thể giữ chân người dùng thật và phát triển những sản phẩm có giá trị bền vững sau thời gian airdrop.
Đọc thêm: Thống đốc California phê duyệt khung pháp lý crypto