SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Bài học đắt giá sau crypto 2022

Năm 2022 với nhiều người có thể là khoảng thời gian đáng quên nhưng chứa đựng những bài học quý giá cho nhà đầu tư
Avatar
uyntran.web3
Published Jan 21 2023
Updated Jan 21 2023
16 min read
thumbnail

Một năm nữa lại trôi qua. Chúng ta đã trải qua mùa đông crypto dai dẳng, những vụ hack lịch sử cho đến những cú sập kinh hoàng. Từ hoang mang, sợ hãi, tức giận cho đến hy vọng, đó đều là những cảm xúc của nhà đầu tư trong năm 2022. 

Nếu bạn từng thất bại và cảm thấy thất vọng, đó là chuyện rất đỗi bình thường. Điều quan trọng là chúng ta phải rút ra bài học từ những sai lầm và áp dụng chúng trong năm 2023.

Not your keys, not your coins

Đây không phải là câu nói quá mới mẻ nhưng lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết sau khi FTX sụp đổ. Ở sàn phi tập trung (DEX), người dùng tự nắm giữ private key và quản lý tài sản. Ngược lại, các sàn tập trung (CEX) kiểm soát private key của ví chứa tất cả tài sản của người dùng, tương tự các hệ thống ngân hàng truyền thống.

coin98
Thảm họa FTX khiến người dùng hoài nghi về sàn CEX. Nguồn: Forbes.

Khi giao phó tài sản cho CEX, người dùng không cần quan tâm đến chuyện bảo mật hay quản lý tài sản. Trách nhiệm bảo đảm tiền không bị mất cắp hay sử dụng cho mục đích bất hợp pháp thuộc về sàn. Tuy nhiên, họ cũng phải chấp nhận việc CEX gần như có toàn quyền nắm giữ tài sản của mình. 

Khách hàng không thể chủ động bảo vệ tài khoản khỏi nạn hack, rò rỉ thông tin, bank run hay rủi ro từ bên thứ 3. Bên cạnh đó, người dùng cũng khó lòng biết được nếu chủ sàn giao dịch có ý định “động chạm” vào số tiền đó. 

FTX chắc chắn là minh chứng rõ ràng nhất. Theo tiết lộ của John Ray III, CEO mới của FTX, sàn giao dịch không hề mã hóa private key của ví chung trên sàn. Điều này một mặt giống như vẽ đường cho hacker chạy, mặt khác lại giúp Sam Bankman-Fried dễ dàng bòn rút tiền của người dùng.

Không kể đến động cơ xấu của dự án, tài sản của người dùng hoàn toàn có nguy cơ mất trắng khi sàn giao dịch sụp đổ hay bị tấn công mạng.  Ngày 12/11, sau khi FTX nộp đơn phá sản, hàng trăm triệu USD bất ngờ bị chuyển ra khỏi sàn. Đến nay, danh tính thủ phạm vẫn chưa được làm rõ còn số tiền trên cũng không cánh mà bay. 

Sam Bankman-Fried cho rằng kẻ cắp thuộc chính nội bộ sàn hoặc một ai đó đã lấy private key thông qua hack hệ thống máy tính nhân viên. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn trên sàn CEX.

coin98
Ví không lưu ký có thể được sử dụng nhiều hơn trong 2023. Nguồn: Business Insider.

Năm 2014, Mt. Gox, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất lúc bấy giờ cũng từng bị hacker đánh cắp 480 triệu USD. Vụ việc khiến sàn lâm vào khó khăn đến mức phải nộp đơn phá sản. Tiền gửi của người dùng sau bao nhiêu năm cũng chưa thể về lại với khổ chủ. 

Tương tự, hacker đã tấn công private key của sàn Bitfinex và lấy đi 65 triệu USD năm 2016. Coincheck, một sàn giao dịch Nhật Bản bị hack 500 triệu USD với cùng thủ đoạn.

Tuy nhiên, chuyển sang dùng ví lạnh không phải là không kèm theo rủi ro. Người dùng cần chú ý bảo quản private key, không sơ ý làm “lạc mất” private key hoặc để lộ mật mã cho người khác.

Không gì quá lớn để sụp đổ

Chúng ta hãy cùng điểm danh lại một số ông lớn trong năm 2022.

  • Three Arrows Capital - Quỹ đầu cơ tiền mã hóa 10 tỷ USD: đã phá sản.
  • LUNA - Vốn hóa 40 tỷ USD: đã sụp đổ.
  • Celsius Network - Quỹ cho vay quản lý 25 tỷ USD: đã phá sản.
  • FTX - Đế chế trị giá 32 tỷ USD: đã phá sản.

Những công ty trên không chỉ nắm giữ khối tài sản khổng lồ mà còn đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái tiền mã hóa. Trước khi sự việc vỡ lở, có lẽ không mấy ai ngờ những dự án này có thể sụp đổ với tốc độ và quy mô khủng khiếp đến vậy. 

LUNA từng được nhắc đến như khoản đầu tư tiềm năng, luôn nằm trong top 20 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. LUNA được giao dịch phổ biến trên nhiều sàn giao dịch lớn như Binance trong khi UST là stablecoin phi tập trung lớn nhất thị trường. 

Kết cục là LUNA chia 12 triệu lần so với mức ATH trong vòng 4 ngày. Đồng UST cũng mất peg vĩnh viễn.

coin98
Đồng UST mất hoàn toàn giá trị. Nguồn: TradingView.

Sau thảm họa FTX, nhà đầu tư càng thấm thía triết lý “không gì là quá lớn để sụp đổ”. Nhìn lại giới tài chính, Lehman Brothers từng là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 tại Mỹ với 25,000 nhân viên trên khắp thế giới. Hùng mạnh là thế, năm 2008, Lehman Brothers lại bất ngờ tuyên bố phá sản do gánh nợ lên tới hơn 600 tỷ USD. 

Đến 2022, FTX lại được nhắc đến như cuộc khủng hoảng Lehman Brothers của crypto. Đế chế 32 tỷ USD đổ vỡ hoàn toàn trong vỏn vẹn 6 ngày. Theo sau đó là một loạt hệ lụy: hệ sinh thái Solana lao đao, BlockFi phá sản, Genesis Trading và công ty mẹ ngấp nghé bờ vực phá sản…

Bản thân FTX cũng là sàn giao dịch hàng đầu trong thị trường tiền mã hóa. Xét về cơ sở người dùng, FTX chỉ đứng sau Binance. Tính theo khối lượng giao dịch, FTX lớn thứ 3 sau Binance và Coinbase. Song kết cục thì như chúng ta đã biết, cú sập của FTX diễn ra một cách chớp nhoáng khiến cả cộng đồng ngỡ ngàng.

Mỉa mai thay, cả Do Kwon, Su Zhu và Sam Bankman-Fried đều đăng đàn mình vẫn ổn. Để rồi khi sự việc vỡ lở, họ lại lẳng lặng xóa đi những dòng tweet đó mà quên mất thứ họ không thể xóa đi chính là sự thật.

coin98
Sam Bankman-Fried tuyên bố FTX vẫn ổn và tài sản người dùng vẫn an toàn. Dòng tweet này đã bị xóa đi sau đó. 

Việc nhận thức và chấp nhận mọi công ty đều có thể sụp đổ giúp chúng ta dừng lại đúng lúc. Sau thảm họa kinh hoàng, thông tin về các vụ tự tử đã xuất hiện trên cộng đồng đầu tư Terra. Cuối tháng 5, nhà đầu tư họ Wu đã kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 29 sau khi mất trắng tài sản vào LUNA. 

Tại Việt Nam chưa ghi nhận hành động cực đoan nào liên quan đến LUNA. Dù vậy, câu chuyện trắng tay do trót “bắt dao” đồng coin này lại ngập tràn các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Trên các nhóm đầu tư trên Facebook, một số tài khoản đăng bài khoe kiếm được hàng tỷ đồng sau mấy chục phút đầu tư vào đồng tiền này. 

VTC đưa tin, anh V. (Hòa Bình) đã bị cuốn theo cơn sóng FOMO và bỏ 200 triệu đồng mua LUNA ở giá 1.8 USD. Đến khi giá LUNA tụt xuống còn 0.0002 USD, anh mới nhận ra đã mất 200 triệu đồng. Mặt khác, anh H (Hà Nội) vẫn tin rằng LUNA có thể hồi sinh ngay cả khi giá đồng coin chạm mốc 0.00045 USD. Anh hạ quyết tâm bán cây vàng của gia đình để mua thêm 6.75 triệu LUNA. Một tuần sau, tài khoản của anh bốc hơi hai phần ba giá trị. 

Cẩn trọng với những khoản lợi nhuận “trên trời”

Nếu bạn cảm thấy mức lợi nhuận dự án hứa hẹn cao đến phi thực tế, có lẽ bạn đã có câu trả lời cho riêng mình. Thông thường dự án đó sẽ rơi vào hai trường hợp: một là ôm tiền của nhà đầu tư chạy, hai là dễ sập. 

Những lỗ hổng trong thiết kế và mức lãi suất 20%/năm của Anchor Protocol đã khiến dự án trở thành một mô hình ponzi khổng lồ. Các nhân viên Terra thậm chí đã nhìn thấy sự sụp đổ của dự án từ trước khi lập trình và cố ngăn cản Do Kwon nhưng bị gạt đi.

coin98
Anchor Protocol và mức lợi nhuận hàng năm tối đa 20%. Nguồn: Anchor Protocol.

Một nhà phát triển đề nghị trả lãi suất 3.6%/năm cho người gửi UST để duy trì tính ổn định cho Anchor Protocol. Tuy nhiên, Do Kwon quyết định tăng con số này lên gấp 5.5 lần để thu hút nhà đầu tư. Và kết cục thì ai cũng rõ. Hai tháng trước khi cú sập xảy ra, quỹ dự trữ Terra đã hoàn toàn cạn kiệt và không còn khả năng trả lãi.

Giới chuyên gia cho rằng có một số bài học mà nhà đầu tư có thể rút ra trong vụ phá sản của FTX. “Vụ FTX sụp đổ là lời nhắc nhở rằng ‘chẳng có bữa trưa nào miễn phí’ đối với những ai muốn kiếm tiền nhanh trên một thị trường còn tương đối mới mẻ”, chuyên gia kế hoạch tài chính Jon Ulin, CEO của Ulin & Co. Wealth Management, nhận định. 

Do đó, trước khi mờ mắt bởi những lời hứa hẹn có cánh, nhà đầu tư cần suy xét và tìm hiểu dự án cẩn thận.

Không bỏ trứng vào một giỏ

Thật ra, đây là bài học cơ bản bất kỳ ai cũng thuộc nằm lòng khi bước vào đầu tư nhưng không phải ai cũng làm được. Lý do có thể là chưa quản lý vốn hợp lý, thiếu chiến lược đầu tư hay đơn giản là lòng tham nhất thời. 

Sự sụp đổ của LUNA hay FTX một lần nữa trở thành bài học đắt giá cho nhà đầu tư. Dù bạn là trader chuyên nghiệp và dày dặn kinh nghiệm đến đâu cũng không nên chủ quan và đặt lòng tin quá lớn vào một khoản đầu tư.
  
Chẳng hạn, nếu bạn tất tay vào LUNA năm 2021, bạn sẽ mất trắng số tiền đó khi LUNA sụp đổ tháng 5/2022. Trường hợp bạn chỉ bỏ 20% vốn mua LUNA, bạn vẫn còn 80% cho những khoản đầu tư khác.

George Gagliardi, chuyên gia tư vấn của Coromandel Wealth Management, đã chia sẻ tầm quan trọng của phân bổ vốn. “Đối với các nhà đầu tư phân bổ tài sản cao vào tiền mã hóa, dù có liên quan đến FTX hay không, sự lao dốc của thị trường năm nay là bài học xương máu về đa dạng hóa danh mục đầu tư”, ông nhận xét.  

Trong khi đó, Kevin Brady, Phó chủ tịch Wealthspire Advisors, khuyên nhà đầu tư chỉ nên phân bổ vốn đầu tư cho các loại tài sản theo tỷ trọng thật nhỏ. Ông cho rằng tỷ trọng 5% cho một tài sản đã “là hơi nhiều” và 10% là “rất nhiều”. Tất nhiên, không có công thức nào áp dụng cho tất cả nhà đầu tư và mỗi người nên tự quy ước con số phù hợp cho mình.

Bảo mật và minh bạch

Khi CeFi gặp họa, nhiều người bắt đầu hướng về DeFi. Một mặt, người dùng mong muốn có quyền tự quản lý tài sản cá nhân. Mặt khác, các công ty sau khi sụp đổ thường thanh toán các khoản nợ DeFi trước. 

Nguyên nhân là trong hoạt động cho vay DeFi, người dùng sẽ chỉ tương tác với các hợp đồng thông minh. Hợp đồng sẽ tự động thanh lý tài sản thế chấp nếu không trả được nợ. Xét bối cảnh hiện tại, DeFi có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, ta không thể quên những vụ hack - vấn nạn âm ỉ suốt bao năm qua của các dự án DeFi.

coin98
DeFi chiếm phần lớn số vụ hack trong 2020-2022. Nguồn: SlowMist.

Theo SlowMist, ước tính 301 vụ hack liên quan đến blockchain xảy ra vào năm 2022, gây thiệt hại 3.77 tỷ USD. Hơn 60% cuộc tấn công nhằm vào các giao thức DeFi hoặc cầu nối cross-chain. Dự án DeFi và người dùng chính là những con mồi béo bở đối với giới tội phạm.

Tấm gương điển hình cho tầm quan trọng của bảo mật là cầu nối Ronin của Axie Infinity. Nhóm tội phạm đã chiếm quyền kiểm soát 5 trong số 9 validator. Qua đó, họ dễ dàng đánh cắp 173,600 ETH và 25.5 triệu USDC, tương đương 625 triệu USD từ cầu nối. 

Vụ việc gây không ít khó khăn cho Axie Infinity, thậm chí buộc tựa game phải từ bỏ cơ chế Play-to-Earn để thu hút giới game thủ truyền thống. Từ tháng 8/2022, Axie Infinity bắt đầu bổ sung thêm validator để tăng tính bảo mật cho Ronin.

Một ví dụ nổi bật khác là cầu nối cross-chain Wormhole. Tháng 2/2022, cộng đồng tiền mã hóa xôn xao trước thông tin Wormhole bị hacker viếng thăm. Wormhole là dự án cross-chain kết nối Solana với Ethereum, BNB Chain, Polygon, Avalanche, Oasis, và Terra. Thiệt hại vào thời điểm đó vào khoảng 302 triệu USD, đánh dấu vụ hack DeFi lớn thứ hai trong năm. Một lần nữa, nguyên nhân là lỗ hổng trong hợp đồng thông minh.

SlowMist cho hay hơn 40% vụ hack năm 2022 là do lỗi thiết kế của chính dự án hoặc do hợp đồng thông minh bị tấn công. Dù vậy, các dự án dường như không thực sự để tâm đúng mức đến vấn đề bảo mật. Một số dự án thậm chí thà bị hack còn hơn chi tiền trước để thưởng cho người phát hiện lỗ hổng.

Chẳng hạn, lập trình viên @kklas cho hay đã phát hiện ra lỗ hổng trong một hợp đồng thông minh có nguy cơ tổn thất đến 30 triệu USD. Sau khi báo lỗi và khắc phục, @kklas yêu cầu các dự án trả tiền thưởng nhưng không bên nào phản hồi. Nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, các dự án đang tự đặt mình vào rủi ro thiệt hại vô cùng lớn, thậm chí là khủng hoảng tài chính và đánh mất lòng tin của người dùng.

Nhắc đến vấn đề niềm tin, minh bạch là điều tiếp theo dự án cần tuyệt đối tuân thủ. FTX sụp đổ là chuyện sớm muộn cũng xảy ra vì ngay từ đầu sàn đã không đảm bảo thanh khoản cho quỹ dự trữ của mình. Ngoài ra, việc phải liên tục bù đắp cho các khoản lỗ của Alameda Research càng bóp chặt ngân quỹ của sàn hơn. 

Nhưng đâu là nguyên nhân khiến đế chế 32 tỷ USD tan vỡ trong vỏn vẹn 6 ngày? Câu trả lời là niềm tin của người dùng.

Khi CoinDesk vừa tung bản cân đối kế toán, không ít người vẫn vững tâm vào vị anh hùng Sam Bankman-Fried. Đến ngày 6/11, tuyên bố của Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance, khiến cộng đồng đầu tư hoảng sợ. Ông cho biết Binance sẽ bán toàn bộ số FTT đang nắm giữ do những thông tin xấu của FTX và Alameda Research. 

Hai ngày sau, giá FTT rơi khỏi mốc 20 USD và bị xả mạnh. FTT liên tục tụt dốc không phanh, giảm 98% so với mức cao nhất mọi thời đại. Trong lúc đó, hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi FTX. Và thế là thảm họa bank run nổ ra. Đến lúc này, Sam Bankman-Fried mới thừa nhận với các đầu tư đang thiếu hụt khoảng 8 tỷ USD.

Tổng kết

Mọi người thường nói giai đoạn downtrend 2022 là thời gian để build - xây dựng. Với mình, xây dựng ở đây có thể là thu nhặt thêm kiến thức, củng cố tâm thế sẵn sàng bước vào giai đoạn tươi sáng, bùng nổ hơn. Kể cả khi mắc sai lầm, hãy nhớ điều quan trọng là bạn đã học được gì sau những lần vấp ngã. Nếu sau tất cả những biến cố vừa qua, bạn vẫn quyết định ở lại thị trường, niềm tin của bạn vào thị trường crypto ắt hẳn không hề nhỏ. Trong cuộc hành trình phía trước, đừng quên đem theo những bài học của quá khứ để xây dựng bức tranh crypto rực rỡ và tươi sáng hơn.

Đọc thêm: Founder Coin98 tiết lộ kế hoạch cho năm 2023.

RELEVANT SERIES