Blockchain Messaging: Con đường dẫn đến thị trường đại chúng
Theo nghiên cứu của Grand View Research, quy mô thị trường của ứng dụng nhắn tin blockchain (blockchain messaging) toàn cầu dự kiến đạt 536.5 triệu USD vào năm 2030. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong giai đoạn 2022-2030 được đánh giá là 43.6%.
Chỉ riêng ở Mỹ, CAGR của thị trường blockchain messaging dự kiến đạt 42.3% trong cùng khoảng thời gian. Nếu các nhà nghiên cứu dự đoán chính xác, thị trường này sẽ chứng kiến mức tăng khổng lồ 1,706.39% trong vòng 8 năm.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của mạng xã hội blockchain. Báo cáo chỉ ra ứng dụng nhắn tin phi tập trung sẽ được thúc đẩy bởi sự phổ biến của tiền mã hóa và những bước tiến của công nghệ Web3 cũng như 5G/6G trên toàn cầu. Trong khi đó, ứng dụng tập trung tồn đọng một số vấn đề chưa thể giải quyết như quyền riêng tư, lỗi mạng và kiểm duyệt nội dung.
Rào cản của mạng xã hội tập trung
Quyền riêng tư
Messenger (Facebook) hiện là ứng dụng nhắn tin tập trung phổ biến hàng đầu thế giới. Các công ty tư nhân, ở đây là Meta, kiểm soát và lưu trữ tin nhắn của người dùng. Dù có cơ sở khách hàng lên đến gần 1 tỷ người, quyền riêng tư lại là khuyết điểm lớn nhất của Messenger.
Người dùng không thể kiểm soát chuyện gì xảy ra với dữ liệu của họ và ai có quyền truy cập dữ liệu đó. Mặt khác, nạn hack tiếp tục là mối nguy cố hữu. Nếu hacker xâm nhập vào hệ thống thành công, tất cả dữ liệu được lưu trữ sẽ gặp nguy hiểm. Ngoài ra, nếu ứng dụng lưu lại lịch sử tin nhắn như Messenger, kẻ tấn công có thể nắm giữ tất cả thông tin cá nhân của người dùng.
Ngay cả Meta cũng không biết dữ liệu người dùng của mình sẽ đi đâu hay được sử dụng làm gì. Trong tài liệu nội bộ của nhóm Sản phẩm Kinh doanh và Quảng cáo năm 2022, các kỹ sư tiết lộ đã xây dựng các hệ thống theo dõi, phân tích dữ liệu người dùng để tạo kết nối giữa người dùng với doanh nghiệp.
“Dữ liệu được tập hợp một cách lộn xộn từ người dùng bên thứ nhất với bên thứ 3. Tất cả trộn lẫn giống như đổ những lọ mực nhiều màu vào một hồ nước vậy", các kỹ sư viết.
Vấn đề của Messenger còn là tin nhắn không được mã hóa. Năm 2017, khi giới thiệu tính năng trò chuyện bí mật, Facebook từng cảnh báo người dùng về những rủi ro khi dữ liệu không được mã hoá đầu cuối. Công ty thừa nhận biện pháp này sẽ giảm thiểu nguy cơ khi cơ sở hạ tầng và máy chủ Messenger bị tấn công.
Trong cuộc trò chuyện bí mật, chỉ hai người dùng mới có thể đọc được tin nhắn. Không một ai, kể cả Facebook được biết được nội dung cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng đều có thể bật tính năng này. Meta thừa nhận thông thường tài khoản của doanh nghiệp hay người nổi tiếng sẽ được hỗ trợ mã hóa đầu cuối.
Sự cố mạng
Bản chất tập trung của các ứng dụng nhắn tin chính thống có thể tạo ra nhiều sự cố kỹ thuật tiềm ẩn. Lý do chính khiến các ứng dụng như WhatsApp và Messenger dễ gặp lỗi là chúng có cơ chế hoạt động rộng lớn. Khi mạng nhận quá nhiều yêu cầu của người dùng, lưu lượng được xử lý tập trung quá tải có thể gây mất kiểm soát.
Facebook, WhatsApp, and Instagram all going down at the same time sure seems like an easily-understandable and publicly-popular example of why breaking up a certain monopoly into at least three pieces might not be a bad idea.
— Edward Snowden (@Snowden) October 4, 2021
Somebody should tell Elizabeth Warren.
Tháng 10/2021, toàn bộ mạng lưới dịch vụ của Facebook, bao gồm Messenger, WhatsApp và Instagram từng bị mất kết nối suốt 6h. ThousandEyes, dịch vụ theo dõi mạng của Cisco cho biết nguyên nhân sự cố là máy chủ DNS gặp lỗi.
Đây là sự cố tồi tệ nhất của Facebook nhưng không phải lần đầu tiên. Ngày 13/3/2019, các nền tảng cũng đồng loạt “sập mạng”. Facebook từng gặp sự cố vào năm 2008, khiến nhiều người dùng bị ảnh hưởng. Vụ việc kéo dài khoảng 24h.
Động lực của blockchain messaging
Cấu trúc phi tập trung giúp các trình nhắn tin blockchain ổn định hơn. Vì nhiều node cùng xử lý hoạt động, mạng giảm nguy cơ bị quá tải và các ứng dụng cũng có khả năng bảo mật tốt hơn. Mạng sẽ không ngừng hoạt động dù một vài node bị hack.
Ưu điểm quan trọng nhất của các mạng xã hội dựa trên blockchain là khả năng chống kiểm duyệt. Người dùng không thể đơn phương bị hạn chế hoặc xóa khỏi nền tảng. Tính phi tập trung giúp các mạng xã hội loạt bỏ các bên trung gian, do đó người sáng tạo nội dung có thể trực tiếp nội dung của họ và tương tác trực tiếp với người theo dõi. Tất cả tương tác được tạo thông qua hợp đồng thông minh.
Đây cũng là điểm khiến nhiều người tìm đến Telegram và Signal. Nhìn chung, chúng vẫn là ứng dụng tập trung song lại có lưới kiểm duyệt “dễ thở” hơn. Năm 2021, các thay đổi liên quan đến quyền riêng tư của WhatsApp đã khiến người dùng tìm kiếm các ứng dụng đảm bảo bảo mật và không kiểm duyệt nội dung. Bên cạnh đó, bối cảnh chính trị phức tạp ở Mỹ lúc bấy giờ thúc đẩy nhu cầu chống kiểm duyệt tăng cao hơn.
Cơ sở người dùng của Telegram tăng với tốc độ hơn 40% mỗi năm. Tính đến cuối năm 2022, nền tảng có 700 triệu người dùng hàng tháng. Đặc biệt, Telegram tiết lộ ứng dụng đã có thêm 70 triệu người dùng khi Facebook sập mạng năm 2021. Với cơ sở người dùng ngày càng lớn, Telegram có thể giới thiệu blockchain với nhiều người dùng truyền thống hơn.
Các ứng dụng tập trung, điển hình là Telegram, đã có một số bước tiến vào không gian blockchain. Tháng 4/2022, nền tảng thêm Bitcoin và Toncoin vào marketplace. Thời điểm đó, hai đồng coin này đã tích hợp sẵn để giao dịch trong các cuộc trò chuyện ngay trên ứng dụng. 7 tháng sau, Telegram úp mở kế hoạch xây dựng sàn giao dịch tiền mã hóa và ví không lưu ký để khắc phục tính tập trung của các dự án crypto.
Nhận thấy tiềm năng của blockchain, Meta cũng đang phát triển mạng lưới xã hội phi tập trung với tính năng chia sẻ cập nhật bằng văn bản. Công ty hi vọng nền tảng sẽ trở thành đối trọng với Twitter. Trước đó, Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter đã ra mắt bản thử nghiệm của mạng xã hội phi tập trung Bluesky trên App Store. Cuối tháng 1, Dorsey từng chia sẻ về Damus, ứng dụng mạng xã hội chống kiểm duyệt được ông ủng hộ từ năm 2022. Điều này cho thấy áp dụng blockchain vào mạng xã hội nói chung và ứng dụng nhắn tin nói riêng đang trở thành xu hướng tất yếu.
Đọc thêm: Mạng xã hội phi tập trung của Jack Dorsey ra mắt App Store.