Circle là khách hàng lớn nhất trên Silicon Valley Bank
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã cung cấp tài liệu cho thấy Circle, Sequoia và những công ty khác đã gửi hàng tỷ USD trên nền tảng. Tháng 3, sau khi SVB bị nhà chức trách California đóng cửa, Cục Dự trữ Liên bang (FED) tuyên bố sẽ phối hợp với FDIC để bảo vệ toàn bộ người gửi tiền được bảo hiểm và không được bảo hiểm.
Theo quy tắc, FDIC chỉ bảo hiểm tối đa 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền. Chỉ tính riêng top 10 tài khoản tiền gửi lớn nhất của SVB, hơn 13.3 tỷ USD đang “kẹt” lại trên nền tảng. Dựa trên báo cáo SVB gửi tới FDIC cuối năm 2022, 89% trên tổng số tiền gửi 175 tỷ USD nằm ngoài hạn mức bảo hiểm.
Circle ước tính ký gửi khoảng 3.3 tỷ USD tiền gửi trong khi Sequoia có khoảng 1 tỷ USD trên sàn SVB. Những người gửi tiền lớn khác bao gồm chính Silicon Valley Bank, SVB Financial Group, công ty nghiên cứu công nghệ sinh học Altos Labs và Kanzhun Limited, công ty có trụ sở tại Trung Quốc đứng sau một nền tảng tuyển dụng trực tuyến lớn.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã khiến các cơ quan quản lý phải xem xét lại cách xử lý bảo hiểm tiền gửi hiện tại. Khi SVB sụp đổ, những người gửi tiền, đặc biệt là giới startup rơi vào tình trạng bất an với hàng chục triệu USD hay thậm chí hàng tỷ USD bị kẹt tại ngân hàng này.
Không chỉ giới startup Mỹ, hàng loạt doanh nghiệp ở Canada, Ấn Độ và Trung Quốc hoảng loạn vì không thể rút tiền trả lương cho nhân viên. Trước tình huống đó, FED, FDIC và Bộ Tài chính Mỹ đang cân nhắc nâng hạn mức bảo hiểm song chưa công bố thay đổi nào cho đến nay.
Về phía Circle, công ty đã ngay lập tức chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi SVB đóng cửa. Ngày 11/3, hàng loạt người dùng đã bán tháo USDC sang các stablecoin khác khiến đồng stablecoin bị depeg xuống mức thấp nhất là 0.87 USD. Circle cam kết sẽ bù đắp mọi khoản thiếu hụt trong tài sản hỗ trợ cho stablecoin USDC bằng mọi nguồn lực của công ty, kể cả phải huy động vốn bên ngoài. USDC sau đó đã lấy lại mốc giá 1 USD vào ngày 12/3.