SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Cuộc săn crypto của chính quyền Mỹ

Sự sụp đổ của các dự án lớn như LUNA, Three Arrows Capital, FTX cùng khủng hoảng ngân hàng đã khiến các chính sách của Mỹ càng trở nên nghiêm ngặt hơn.
Avatar
uyntran.web3
Published Mar 26 2023
8 min read
thumbnail

Ngày 8/3, Silvergate Bank bất ngờ thông báo ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý tài sản. Ngân hàng đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi FTX, khách hàng lớn nhất nộp đơn xin phá sản hồi tháng 11/2022. Theo báo cáo quý IV của Silvergate, ngân hàng đã lỗ ròng 1 tỷ USD và bị nhà đầu tư rút hơn 8 tỷ USD.

Như vậy, có khả năng việc công ty có mức độ tiếp xúc cao với FTX đã phần nào ảnh hưởng niềm tin của người dùng và gây ra vụ bank run. Tuy nhiên, không ít người chỉ ra vấn đề lớn nhất của Silvergate là không đa dạng hóa danh mục đầu tư và không có đủ tiền mặt. Trong khi nắm giữ 13.3 tỷ USD, lượng tiền mặt trong dự trữ của Silvergate chỉ vỏn vẹn 1.4 tỷ USD.

Những nhà lập pháp có “ác cảm” với crypto như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren dường như không nghĩ vậy. “Là ngân hàng cung cấp dịch vụ cho crypto, sự sụp đổ của Silvergate đáng thất vọng nhưng có thể đoán trước được”, bà viết trên trang Twitter cá nhân, đồng thời kêu gọi cơ quan quản lý tăng cường ngăn chặn rủi ro của tiền mã hoá. 

Vài ngày sau, chính quyền Mỹ tiếp tục đóng cửa Signature Bank. Điều này khiến các nhà quản lý càng bị nghi ngờ lợi dụng khủng hoảng ngân hàng để siết chặt ngành. Signature có danh mục tiền gửi đa dạng, không có khoản vay thế chấp bằng crypto và được Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đánh giá an toàn với xếp loại Well Capitalized (hiệu quả vốn tốt). 

Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) khẳng định việc đóng cửa Signature không liên quan đến tiền mã hoá. Họ khẳng định “khủng hoảng niềm tin” vào ban lãnh đạo đã khiến NYDFS đưa ra quyết định trên để bảo toàn tiền của nhà đầu tư. Cựu Hạ nghị sĩ Barney Frank, hiện là thành viên hội đồng quản trị Signature chỉ trích các nhà quản lý đã gửi thông điệp “chống crypto” thông qua ngân hàng. 

Sau đó, Reuters đưa tin FDIC yêu cầu bất kỳ doanh nghiệp nào mua lại Signature cũng phải từ bỏ hoạt động kinh doanh tiền mã hoá. Cơ quan này sau đó đã bác bỏ bài báo. Tuy nhiên, khi ngân hàng Flagstar Bank mua lại Signature, họ chỉ được tiếp quản các khoản tiền gửi không liên quan đến crypto (khoảng 38.4 tỷ USD) và một số khoản vay trị giá 12.9 tỷ USD. Chỉ những khách hàng đã mở tài khoản ngân hàng kỹ thuật số mới được FDIC chuyển lại số tài sản này.

SEC - trở ngại lớn nhất của crypto?

Trong khi ồn ào giữa FDIC với Signature vẫn còn đó, cộng đồng tiền mã hoá không còn xa lạ với những đợt “truy quét” crypto của giới chức Mỹ. Nổi cộm nhất có lẽ là vụ kiện giữa Ripple, nhà phát hành XRP và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vào cuối năm 2020. Kể từ đó, SEC liên tục cáo buộc hàng loạt đồng crypto là chứng khoán chưa đăng ký. 

coin98
Gary Gensler, Chủ tịch SEC. Nguồn: Fortune.

Thậm chí, Chủ tịch SEC Gary Gensler từng tuyên bố tất cả tiền mã hoá trừ Bitcoin đều là chứng khoán. Phát ngôn của chủ tịch SEC không chỉ vấp phải sự phản đối từ cộng đồng crypto mà còn từ một cơ quan quản lý khác - Ủy ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai (CFTC). Suốt nhiều năm, cả 2 đều tin rằng họ có quyền trở thành cơ quan quản lý chính của thị trường crypto và không ngừng đấu tranh trước Quốc hội Mỹ.

Trong lúc đó, SEC lần lượt kiện gần như mọi dự án crypto trong tầm mắt. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, cơ quan đã nhắm vào dịch vụ staking của Kraken, stablecoin BUSD, nền tảng giao dịch của Coinbase và tổ chức tự trị phi tập trung Sushi DAO. Dù cung cấp các loại dịch vụ khác nhau, những tổ chức này đều bị SEC đưa ra lý do quen thuộc: cung cấp sản phẩm chứng khoán chưa đăng ký.

Vậy những lập luận của SEC có thực sự chính xác hay không? Theo Gensler, tiền mã hoá và hoạt động staking thỏa mãn những điều kiện của Howey test. Đạo luật Chứng khoán năm 1933 quy định tài sản được coi là chứng khoán nếu đáp ứng 4 yếu tố sau: 

  • Là khoản đầu tư bằng tiền hoặc tài sản liên quan.
  • Tiền được đầu tư vào một doanh nghiệp.
  • Nhà đầu tư kỳ vọng nhận được lợi nhuận. 
  • Thu lợi thông qua công sức của người khác.

Khi SEC buộc tội Ripple, họ tuyên bố công ty đã huy động vốn thông qua việc bán XRP. Đáp lại, luật sư Ripple khẳng định XRP không phải hợp đồng đầu tư vì phần lớn giao dịch token diễn ra trên thị trường thứ cấp, hoàn toàn độc lập với Ripple. 

Ngoài ra, người nắm giữ XRP không đầu tư vào một doanh nghiệp chung (Ripple) do lợi nhuận được tạo bởi nhiều nhà giao dịch khác nhau. Xét điều kiện cuối cùng, người nắm giữ XRP không thu lợi từ Ripple và “công ty chưa bao giờ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho người dùng”, theo thư trả lời SEC của Ripple.

Về ETH, trong mô hình Proof-of-Stake (PoS), validator khóa một lượng coin để củng cố tính bảo mật cho mạng lưới. Đổi lại, họ có thể thu được phần thưởng staking. Một số nhà quản lý tin rằng mô hình đó đáp ứng Howey test do người dùng đầu tư tiền vào một doanh nghiệp chung với mục đích thu lợi nhuận. 

coin98
Joseph Lubin, đồng sáng lập Ethereum tuyên bố ETH là hàng hóa. Nguồn: CoinDesk.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 23/3, đồng sáng lập Ethereum Joseph Lubin cho rằng điều đó chưa đủ để kết luận ETH là chứng khoán. Lubin cho rằng đồng coin nên được xem như một loại hàng hóa vì “nhiều người cũng tích trữ dầu với hy vọng thu được lợi nhuận” và dầu không được xem là chứng khoán. Ngoài ra, cộng đồng crypto lập luận hoạt động staking không chỉ nhằm kiếm phần thưởng mà cốt lõi là đóng góp cho tính bảo mật của mạng lưới.

Họ cũng chỉ ra không có tổ chức tập trung nào trên Ethereum kiểm soát toàn bộ số tiền được stake. Chẳng hạn, các validator có thể cùng stake 40 ETH vào một hợp đồng thông minh nhưng số tiền của mỗi người được lưu trữ riêng biệt và không bị ảnh hưởng bất kể các validator khác xác thực giao dịch sai hay chính xác. Phần thưởng họ nhận được do đó không đến từ nỗ lực của bất kỳ tổ chức phát hành nào. 

Nói chung, Ethereum và nhiều loại tiền mã hoá không phải là chứng khoán dựa trên Howey test, phép kiểm chứng do chính SEC đề xuất. Trong phiên tòa ngày 20/3, Ripple cũng tự tin phần thắng sẽ nghiêng về phía mình. Nếu điều đó thực sự xảy ra, đây là chiến thắng của Ripple và toàn thị trường crypto trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Song khó khăn chắc chắn vẫn còn đó bởi chính quyền Mỹ còn có nhiều nhà quản lý “khắt khe” với tiền mã hoá khác ngoài SEC.

Đọc thêm: Nhà Trắng cho rằng crypto không mang lại giá trị.

RELEVANT SERIES