Độc quyền: Vitalik tiết lộ sứ mệnh của Ethereum
Xuất hiện tại sự kiện Ethereum Singapore 2023 (ES2023) với trang phục quần đùi và áo thun, kèm chiếc nón tai bèo, Vitalik Buterin đã chia sẻ về các vấn đề mà mạng lưới Ethereum đang phải đối mặt và một số giải pháp tiềm năng để xử lý trong thời gian tới.
Khoảng 15-16h ngày 11/8, sau bài chia sẻ, Vitalik bước xuống khán đài trò chuyện thân thiện, vui vẻ và trả lời câu hỏi của những người tham gia sự kiện. Một số người xúc động và bật khóc khi gặp mặt Vitalik.
Vitalik Buterin: “Make the world more friendly”
Khi được phóng viên Interlock hỏi Ethereum có ý nghĩa như thế nào với bản thân, Vitalik cho rằng “make the world more friendly” là sứ mệnh quan trọng nhất của hệ sinh thái này.
Theo đó, Vitalik cho biết vai trò của Ethereum là làm cho thế giới trở nên sát lại với nhau hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Vitalik chia sẻ về sứ mệnh của Ethereum, bên cạnh những buổi trao đổi thuần kỹ thuật.
Trước đó, trả lời Harvard International Review (HIR) vào cuối tháng 9/2021, Vitalik cho rằng tiền mã hoá có thể cải thiện khả năng của người dân ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới để trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu.
Vitalik hình dung Ethereum không chỉ có những đổi mới về công nghệ mà nó còn là công cụ để thay đổi xã hội. Một trong những nguyện vọng của ông là xây dựng nền tảng để tạo điều kiện thuận lợi cho các thử nghiệm chính trị xã hội..
Vitalik tin rằng công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo ra các hệ thống bỏ phiếu minh bạch và công bằng hơn. Hơn nữa, ông còn bày tỏ sự quan tâm đến việc khám phá cách Ethereum có thể hỗ trợ các sáng kiến như thu nhập cơ bản phổ quát, từ đó góp phần vào sự bình đẳng kinh tế.
Mọi máy tính đều có thể stake Ethereum
Trở lại bài phát biểu tại sự kiện ES2023, theo ghi nhận của phóng viên Interlock, Vitalik đề cập đến việc lưu trữ dữ liệu trong blockchain Ethereum. Ông khẳng định giao dịch là một trong những yếu tố cốt lõi của blockchain.
Tuy nhiên, đến nay quá trình này đang gặp phải vấn đề về lưu trữ. Vitalik cho rằng mạng lưới Ethereum đang chứa khối lượng dữ liệu quá lớn bao gồm các địa chỉ ví, mã giao dịch,...
Bên cạnh lưu trữ dữ liệu, nhà sáng lập Ethereum đề cập đến Merkle Tree trong buổi thảo luận tại sự kiện lần này. Merkle Tree (hay Cây Merkle) là cấu trúc dữ liệu được sử dụng trong các ứng dụng khoa học máy tính.
Về cơ bản, Merkle Tree được sử dụng trên nhiều nền tảng trong hệ sinh thái Ethereum. Tuy nhiên, chúng không phải là giải pháp hoàn hảo nhất, giúp giải quyết mọi vấn đề của blockchain lớn thứ 2 thị trường tiền mã hoá.
Ngoài vấn đề tồn đọng của Ethereum, cha đẻ ETH cũng đề cập đến tính năng staking trên mạng lưới này. Cụ thể, Vitalik khẳng định một ngày nào đó, mọi máy tính đều có thể staking Ethereum. Đồng thời, quá trình chạy node cũng sẽ được đơn giản hoá về mặt kỹ thuật. Điều này sẽ giúp người dùng toàn cầu ngày càng dễ tiếp cận và tương tác với blockchain Ethereum.
“Bộ não” thiên tài của đế chế Ethereum
Đầu năm 2011, Vitalik bắt đầu trở thành “cây bút” cho một ấn phẩm có tên là Bitcoin Weekly sau khi gặp một người trên diễn đàn Bitcoin để kiếm BTC. Chủ sở hữu ấn phẩm đã đề nghị 5 BTC tương đương 3.50 USD vào thời điểm đó như tiền nhuận bút. Vitalik đã viết bài cho trang ấn phẩm này cho đến khi nó đóng cửa do không có đủ doanh thu để duy trì.
Đến tháng 9/2011, một người tên Mihai Alise, cũng là thành viên trong đội ngũ cốt lõi thành lập nên Ethereum sau này, đã liên hệ với Vitalik về việc bắt đầu với ấn phẩm in mới có tên là Bitcoin Magazine. Bitcoin Magazine đã bắt đầu xuất bản một ấn phẩm nghiêm túc đầu tiên vào năm 2012.
Cuối năm 2013, Vitalik đã viết whitepaper cho Ethereum và gửi cho một vài người bạn. Sau đó, khoảng 30 người đã liên hệ với Vitalik để thảo luận về khái niệm này. Ban đầu, ý tưởng đằng sau Ethereum vẫn chỉ đơn giản là về tiền kỹ thuật số.
Theo thời gian, tầm nhìn của nhóm phát triển đã thay đổi. Cuối tháng 1/2014, họ đã nhận ra rằng không khó để tạo ra một bộ lưu trữ các tệp dữ liệu phi tập trung và tạo ra một nền tảng blockchain có thể trở thành hiện thực chỉ với một vài dòng mã.
Dự án được công bố rộng rãi vào tháng 1/2014, Vitalik cũng trình bày Ethereum trên sân khấu tại một hội nghị Bitcoin ở Miami. Vài tháng sau, vòng gọi vốn ICO cho ETH diễn ra thành công. Nhóm đã huy động được hơn 31,000 BTC từ việc bán ETH, tương đương khoảng 18 triệu USD vào thời điểm đó.
Trong buổi phỏng vấn với Business Insider xuất bản vào ngày 28/6, Vitalik đã chia sẻ về hành trình xây dựng Ethereum và những khó khăn đội ngũ đã trải qua trong quá trình đưa Ethereum trở thành blockchain phổ biến nhất hiện nay.
Khi được hỏi vấn đề lớn nhất của Bitcoin mà ông đang cố gắng khắc phục bằng Ethereum là gì, Vitalik cho rằng chức năng của Bitcoin còn nhiều hạn chế. Ông còn minh họa thêm điều này bằng cách so sánh Bitcoin với máy tính bỏ túi và Ethereum với điện thoại thông minh.
Cuối cùng, Vitalik kết luận rằng Ethereum được tạo ra bằng cách “lấy ý tưởng tương tự để tăng sức mạnh của hệ thống để biến nó thành mục đích chung hơn và áp dụng nó vào blockchain".
Trong thời gian qua, Ethereum không ngừng phát triển với nhiều bản cập nhật thu hút sự chú ý của cộng đồng crypto. Một trong những nâng cấp Ethereum sớm nhất là hard fork Byzantium vào tháng 10/2017. Điều này đã giảm phần thưởng cho việc khai thác Ethereum từ 5 ETH mỗi block xuống còn 3 ETH.
Năm 2019 có các bản nâng cấp Instanbul và Constantinople. Instanbul đã giúp tối ưu hóa phí giao dịch đồng thời làm cho mạng lưới trở nên linh hoạt hơn trước các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS).
Sau đó, đội ngũ Ethereum đã triển khai các bản nâng cấp Ethereum 2.0 gồm: Beacon Chain, The Merge, The Surge, The Verge, The Purge và The Splurge. Sau khi tất cả các bản nâng cấp hoàn thành, blockchain Ethereum mới dự kiến sẽ có khả năng mở rộng, an toàn và bền vững hơn, trong khi vẫn giữ được tính phi tập trung.
Dù hiệu quả từ những lần nâng cấp chưa thể hiện rõ, Ethereum đã và đang nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng crypto. Trong giai đoạn downtrend, ETH đã giảm hơn 65% từ ATH. Tuy vậy, niềm tin của người dùng vào Vitalik cũng như Ethereum khá lớn.