SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Tiền mã hoá sẽ giúp Trung Quốc soán ngôi thống trị của USD?

Triều Tống của Trung Quốc là nhà nước đầu tiên phát minh ra tiền giấy, song USD mới là đồng tiền thành công vươn lên làm trung tâm hệ thống tiền tệ toàn cầu. CBDC đang được kỳ vọng là chìa khoá giúp Trung Quốc lật ngược thế cờ.
Avatar
uyntran.web3
Published Feb 05 2023
Updated Feb 08 2023
10 min read
thumbnail

Trên khắp thế giới, đồng USD được coi như phương tiện trao đổi và lưu trữ tài sản giá trị. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), USD chiếm gần 60% dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, gần 90% giao dịch trên thị trường ngoại hối (khoảng 6.6 nghìn tỷ USD/ngày) có liên quan đến USD.

Sức ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc khá khiêm tốn so với USD khi nhân dân tệ chỉ chiếm 2% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trung Quốc những năm qua luôn nỗ lực quốc tế hóa nhân dân tệ và đưa thương mại đất nước khỏi phụ thuộc vào USD. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy dự trữ ngoại hối nhân dân tệ tăng nhanh hơn các loại tiền tệ khác đáng kể. 

coin98
Dự trữ ngoại hối nhân dân tệ có tốc độ tăng nhanh. Nguồn: Bloomberg. 

Điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ đồng tiền dự trữ nào là có nền kinh tế lớn hỗ trợ, khối lượng thương mại cao và vị thế chủ nợ ròng (khoản đầu tư quốc tế lớn hơn nợ nước ngoài). Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về GDP và khối lượng thương mại, đồng thời có giá trị đầu tư quốc tế lớn hơn nợ 15%. Mặt khác, tháng 10/2022, nợ công của Mỹ lần đầu vượt mốc 30,000 tỷ USD sau hơn hai năm dịch COVID-19. 

Anders Faergemann, Giám đốc Đầu tư về thu nhập toàn cầu tại PineBridge Investments, nhận định Trung Quốc có đủ sức mạnh kinh tế để sánh ngang với quyền lực của Mỹ nhưng chưa có đủ cơ sở hạ tầng để trở thành một cường quốc tài chính. Lúc này, xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain dường như trở thành đáp án cho bài toán khó của Trung Quốc.

Lợi thế tiên phong

Tương tự tiền giấy, Trung Quốc đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng blockchain và là một trong những nước đi đầu về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). ​​​​​​Trong khi một số nước chỉ mới quan tâm đến CBDC gần đây, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển CBDC từ năm 2014. 

Năm 2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) xây dựng thành công nguyên mẫu nhân dân tệ kỹ thuật số hay còn gọi là e-CNY. Cuối năm 2017, PBOC bắt đầu dự án nghiên cứu và phát triển e-CNY với sự tham gia của các công ty thương mại lớn, ngân hàng, công ty Internet và tập đoàn viễn thông. 

Tháng 12/2019, Trung Quốc trở thành quốc gia lớn đầu tiên công bố kế hoạch thí điểm CBDC quy mô lớn tại 4 thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An. Khi Trung Quốc sắp hoàn thành chương trình thí điểm quy mô lớn, các ngân hàng trung ương lớn ở Anh và Ấn Độ vẫn chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu.

coin98
Tiến trình phát triển của e-CNY. Nguồn: Deutsche Bank Research.

Chỉ sau hai năm thử nghiệm, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được áp dụng trong nhiều trường hợp như thanh toán tiện ích, trả phí giao thông, thanh toán dịch vụ chính phủ, mua sắm…​​ Tính đến tháng 10/2022, khoảng 5.6 triệu cửa hàng Trung Quốc đã chấp nhận thanh toán bằng e-CNY. Khối lượng giao dịch CBDC ước tính đạt 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD).

Không chỉ trong nước, Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng giới thiệu e-CNY ra quốc tế. Tại thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022, Trung Quốc khuyến khích du khách tải ứng dụng e-CNY và chuyển đổi tiền giấy nước ngoài thành e-CNY tại các máy tự phục vụ. 

Một trong những chi nhánh của Bank of China trong làng Olympic Bắc Kinh cũng liên tục phát video giới thiệu về e-CNY trên màn hình lớn. Do chính sách phòng COVID-19 nghiêm ngặt, không nhiều khách nước ngoài đến tham dự. Dù vậy, khoảng 300,000 USD e-CNY đã được giao dịch hàng ngày trong suốt sự kiện.

coin98
Nhân viên Bank of China hướng dẫn khách nước ngoài sử dụng e-CNY ở Olympic Bắc Kinh. Nguồn: SHINE.

Ngoài ra, PBOC đang nỗ lực thiết lập tiêu chuẩn cho CBDC bằng cách tham gia thảo luận với các cơ quan quản lý ở nhiều khu vực pháp lý, tổ chức tài chính đa quốc gia và trường đại học. Ngân hàng cũng hợp tác xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế thông qua các tổ chức quốc tế về tiền tệ kỹ thuật số. Hiện Trung Quốc đang cùng Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tham gia dự án Inthanon-LionRock Project để thử nghiệm thanh toán CBDC xuyên biên giới qua công nghệ blockchain. 

Bên cạnh đó, mạng lưới Blockchain Services Network (BSN) của Trung Quốc có quan hệ đối tác với China Mobile, công ty viễn thông quốc gia lớn nhất Trung Quốc và China UnionPay, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu thế giới. Việc tiếp cận mạng lưới rộng lớn của China Mobile và UnionPay có thể đóng vai trò quan trọng trong phổ biến CBDC.

Mỹ khởi động muộn màng

PBOC từng thừa nhận thử nghiệm CBDC của Trung Quốc không thành công như mong đợi. Dù vậy, chặng đường e-CNY đạt được vẫn vượt trội hơn nhiều so với các đồng CBDC khác và dường như bỏ quá xa e-dollar của Mỹ. 

Ý tưởng về đồng USD kỹ thuật số từng được Quốc hội Mỹ thảo luận năm 2020 và được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhắc đến năm 2021. Song đến tháng 3/2022, Tổng thống Joe Biden mới ban hành lệnh nghiên cứu CBDC. Mỹ đã bỏ lỡ gần một thập kỷ để nghiên cứu và thử nghiệm CBDC như Trung Quốc. 

coin98
Việc áp dụng đồng USD kỹ thuật số vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nguồn: Getty Images.

Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Cornell University thừa nhận tính tất yếu của thanh toán số. “Thực tế là tiền mặt đang trên đà biến mất trong nền kinh tế ở một số quốc gia….Việc sử dụng tiền mặt đã giảm mạnh và tôi e rằng sẽ có ngày người ta không còn dùng đến tiền mặt ngay cả ở Mỹ”, Prasad nhận định. 

Phiên bản đầu tiên của USD kỹ thuật số do ngân hàng trung ương Mỹ phát triển cùng với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). CBDC của Mỹ đã được chứng minh là tinh vi hơn so với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, có thể xử lý số giao dịch trên 5 lần mỗi giây. Tuy nhiên, công nghệ này phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được giao dịch xuyên biên giới. 

Cuộc chiến công nghệ không hồi kết

Dù Trung Quốc đang dẫn trước, hiện vẫn còn quá sớm để xác định ai sẽ là quốc gia chiến thắng sau cùng. Đến tận bây giờ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn luôn không ngừng cạnh tranh công nghệ gay gắt.

Trên thực tế, Mỹ đã thua Trung Quốc trên “mặt trận 5G”. Thương mại hoá 5G từ cuối năm 2019, Trung Quốc hiện là quốc gia có mạng lưới 5G lớn nhất thế giới. Đến 2020, Trung Quốc đã xây xong gần 1.3 triệu trạm gốc 5G và đặt mục tiêu phủ sóng cho 560 triệu người dùng vào năm 2023.

Mặt khác, Mỹ dần tụt lại trong cuộc đua 5G. Các hãng viễn thông lớn hứa hẹn phủ sóng 5G trên toàn quốc. Tuy nhiên, tốc độ 5G của Mỹ bị cho là không mấy nhanh hơn 4G LTE. Theo dữ liệu Speedtest, tốc độ tải 5G của Mỹ là 93.73 Mb/giây, thấp hơn 3 lần so với mức 299 Mb/giây của Trung Quốc.

Tháng 5/2019, Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen về thương mại với lý do vi phạm lệnh cấm vận Iran. Thời điểm đó, công ty này ra mắt nhiều giải pháp 5G trên toàn thế giới. Một năm sau, Mỹ tiếp tục cắt đứt nguồn cung chip cho Huawei, vốn dựa vào nguồn chip lớn từ Mỹ để sản xuất điện thoại thông minh.

coin98
Mỹ cùng Australia, Nhật và một số nước khác cấm cửa Huawei. Nguồn: Statista.

Đến đây, Trung Quốc quyết tâm đầu tư mạnh vào chất bán dẫn để thoát khỏi lệ thuộc vào Mỹ. Dữ liệu của Boston Consulting Group cho thấy thị phần của Trung Quốc trong thị trường chất bán dẫn đã tăng từ xấp xỉ 0% lên 15% sau 30 năm. Trong khi đó, thị phần của Mỹ giảm từ 37% xuống còn 12%. 

Cuộc chiến chip bán dẫn vẫn chưa kết thúc, Mỹ và Trung Quốc lại đụng độ trên một chiến trường mới: trí tuệ nhân tạo (AI). Eric Schmidt, cựu CEO Google từng cảnh báo Mỹ sẽ gặp nguy nếu tụt lại sau Trung Quốc về AI. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy cạnh tranh để giành chiến thắng.

Trung Quốc từ 2017 đánh giá công nghệ AI là trọng tâm trong cạnh tranh quốc tế và đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Theo ước tính từ Trung tâm An ninh và Công nghệ mới (CSET) của Mỹ, quân đội Trung Quốc đầu tư khoảng 1.6-2.7 tỷ USD mỗi năm. Bộ Quốc phòng Mỹ có mức đầu tư khiêm tốn hơn, khoảng 1.3 tỷ USD trong năm 2020. 

Một lần nữa, Trung Quốc dường như lại đi trước Mỹ một bước về vốn đầu tư và thời gian nghiên cứu. Song Mỹ luôn chứng minh mình là bức tường lớn trong mọi lĩnh vực và tham vọng của Trung Quốc chắc chắn không dễ dàng thực hiện.

Đọc thêm: Hồng bao có giúp blockchain mass adoption ở Trung Quốc?

RELEVANT SERIES