Giao dịch tự đẩy giá sẽ châm ngòi khủng hoảng thị trường tiền mã hoá?
Gần đây, Mark Cuban, nhà đầu tư crypto nổi tiếng, đã chia sẻ rằng giao dịch tự đẩy giá trên các sàn giao dịch tập trung sẽ là nguyên nhân gây ra vụ nổ crypto tiếp theo.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Street vào ngày 5/1, tỷ phú Mark Cuban, ông chủ đội NBA Dallas Mavericks, đã không ngần ngại nói rằng năm 2023 sẽ là năm của những vụ bê bối và lừa đảo tàn phá thị trường tiền mã hoá.
Giao dịch tự đẩy giá (wash trading) có thể hiểu đơn giản như một quy trình bơm và xả (pump and dump), liên quan đến việc tạo ra “lãi suất giả” cho một loại tiền mã hoá. Trong quá trình này, một nhà giao dịch sẽ khiến công chúng tin rằng một token nào đó có nhu cầu mua cao. Họ thực hiện điều này bằng cách sử dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội sau khi cố tình mua và bán một số lượng lớn token đó.
Quá trình giao dịch tự đẩy giá gây ra sự fomo và đu đỉnh cho những nhà giao dịch chưa có kinh nghiệm, đồng thời che đậy tính thanh khoản kém của đồng mã hoá đó. Các nhà giao dịch thực hiện wash trading cũng khiến việc đo lường chính xác khối lượng giao dịch trở nên khó khăn, gây hiểu lầm cho người khác về giá cả.
Trên thực tế, vị tỷ phú cho biết vấn đề không còn là có xảy ra hay không mà là khi nào thì một sự kiện làm tê liệt thị trường sẽ diễn ra. Khoảng thời gian này, các sàn giao dịch tập trung (CEX) sẽ không may trở thành tâm điểm chú ý vì giao dịch tự đẩy giá.
Mark Cuban tin rằng hành vi này sẽ kích hoạt cuộc khủng hoảng tiếp theo lên thị trường tiền mã hoá. Tuy nhiên, vị tỷ phú này thừa nhận rằng tại thời điểm hiện tại, ông không có bằng chứng để chứng minh cho dự đoán của mình.
Chủ sở hữu đội NBA Dallas Mavericks cho rằng khả năng ngăn chặn vụ nổ tiếp theo lên thị trường crypto là việc phát hiện và loại bỏ các giao dịch tự đẩy giá trên các sàn giao dịch tập trung.
Theo báo cáo tháng 12 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), có tới 70% khối lượng giao dịch trên các sàn CEX không được kiểm soát là giao dịch tự đẩy giá. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mẫu thống kê và hành vi để xác định giao dịch nào là hợp pháp và giao dịch nào là giả. Hơn nữa, trong nghiên cứu năm 2022 của Forbes trên 157 sàn giao dịch tập trung cho thấy 51% khối lượng giao dịch Bitcoin là giả.
Tuy nhiên, giao dịch tự đẩy giá không chỉ giới hạn ở các sàn giao dịch tập trung. Vào ngày 5/1, Giám đốc điều hành của Quantum Economics và cựu nhà phân tích thị trường cấp cao của eToro, Mati Greenspan, cho biết 42% tổng khối lượng giao dịch NFT là giao dịch tự đẩy giá.
Những công ty nghiên cứu uy tín nhất cũng không có cùng dữ liệu khối lượng giao dịch Bitcoin và những loại tiền mã hoá hàng đầu. Tại thời điểm viết bài, khối lượng giao dịch bitcoin trong 24 giờ trên CoinMarketCap là 15.8 tỷ USD, CoinGecko là 22.08 tỷ USD, Nomics là 31.45 tỷ USD và Messari là 3.97 tỷ.
Với các loại tiền mã hoá ít phổ biến hơn thì dữ liệu về khối lượng giao dịch càng mờ đục. Điều này dấy lên câu hỏi về khả năng thanh khoản của những đồng mã hoá này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) nghiêm cấm các giao dịch tự đẩy giá như một chiến thuật thao túng. Các sàn giao dịch tiền mã hoá buộc phải áp dụng các hệ thống công nghệ giúp cho order book (sổ đặt lệnh) của sàn tuân thủ kiểm toán. Các sàn cũng sẽ phải đối mặt với những quy tắc nghiêm ngặt về việc thực hiện lệnh để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường.
Trước đây, nhiều sàn giao dịch đã chọn cách tránh quy định của Mỹ bằng việc đặt trụ sở ở nước ngoài và từ chối khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, nhiều sàn đã chấp nhận tuân thủ và coi đây là chi phí tiếp cận thị trường béo bở này. Một số sàn giao dịch tiền mã hoá, chẳng hạn như Coinbase đã tìm cách tuân thủ các quy tắc của SEC bằng cách mua lại các đại lý môi giới đã đăng ký tại Mỹ.