Hành trình của Binance ở Mỹ
Khi Binance tiến vào giai đoạn quan trọng của cuộc đua, Mỹ trở thành thị trường quan trọng bậc nhất. Trong vòng 5 tháng từ khi ra mắt, 1/3 số người dùng Binance, tương đương 1 triệu người, đến từ Mỹ. Tuy nhiên, Binance lúc bấy giờ chưa đăng ký lên Bộ Tài chính Mỹ theo quy định của Đạo luật Bảo mật Ngân hàng.
Tháng 9/2018, Văn phòng Biện lý New York báo cáo trường hợp của Binance lên cơ quan quản lý nhà nước sau khi điều tra liệu công ty có cung cấp dịch vụ cho người dân Mỹ hay không. Ngay sau đó, nhà sáng lập CZ giao nhiệm vụ cho các giám đốc tìm cách duy trì hoạt động của Binance ở thị trường Mỹ.
Giữa năm 2019, Binance thông báo ngừng cho phép người dùng Mỹ truy cập sàn giao dịch. Mãi đến tháng 11 cùng năm, công ty chính thức vô hiệu hoá quyền truy cập trang web Binance.com của công dân Mỹ. Tất nhiên, Binance không chấp nhận từ bỏ mảnh đất màu mỡ này.
Sự ra đời của Binance US
Để tiếp tục dịch vụ ở Mỹ, Binance hợp tác với BAM Trading Services ra mắt Binance US. Nền tảng mới hoạt động độc lập với Binance và chỉ dành riêng cho người dùng Mỹ với số cặp giao dịch ít hơn đáng kể. Ngoài ra, Binance US không cung cấp nền tảng phái sinh để tránh bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) để mắt.
Trên thực tế, nhà sáng lập CZ đã lên kế hoạch thoát ly Binance khỏi vòng vây của chính quyền Mỹ từ 2018. Theo đề xuất, sàn giao dịch mới sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Các giám đốc Binance đã từng bước xúc tiến kế hoạch và Binance US cuối cùng đã được ra mắt vào năm 2019.
Tuy nhiên, khởi đầu của Binance US cũng không mấy suôn sẻ. Sau 3 tháng giữ ghế CEO Binance US, Brian Brooks, cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ, đã từ chức do những khác biệt về chiến lược. Brian Shroder, từng làm việc cho Ant Group và Uber, được bổ nhiệm làm CEO vào tháng 9.
Đáng chú ý, quan hệ giữa Catherine Coley, CEO đầu tiên của Binance US và ông chủ Binance cũng bị cho là “cơm không lành, canh không ngọt”. Dưới thời Catherine Coley, Binance.US dùng phí giao dịch thấp để thu hút người dùng Mỹ. Tuy nhiên, quy trình đăng ký của Binance US chậm hơn đáng kể do tất cả khách hàng Mỹ phải gửi tài liệu nhận dạng để mở tài khoản. Trong khi đó, từ tháng 8/2021, sàn Binance toàn cầu đã đơn giản hoá quy trình này bằng cách cho phép người dùng mở tài khoản và giao dịch tiền mã hoá chỉ thông qua địa chỉ mail.
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes tháng 4/2020, Coley tuyên bố không có ý định nới lỏng chính sách đăng ký để thu hút thêm người dùng mới. Cảm thấy thất vọng với tốc độ phát triển chậm chạp của sàn giao dịch, CZ thúc giục Coley tiếp cận khách hàng nhanh hơn để giành thị phần từ đối thủ Coinbase. 4 tháng sau, Coley đột ngột rời đi nhưng không công khai nguyên nhân. Theo Reuters, một số nhân viên cho hay Coley và CZ đã gặp không ít xung đột về quan điểm hoạt động.
Năm 2022, vấn đề nhân sự vẫn chưa thôi làm Binance US đau đầu. Theo 4 người làm việc tại Binance US, gần một nửa nhân viên phụ trách vấn đề quy định đã nghỉ việc vào giữa năm 2022 sau khi CZ bổ nhiệm giám đốc mới. Những người này cho biết các nhân viên đã rời đi do giám đốc buộc họ phải đẩy nhanh quá trình đăng ký người dùng mới, khiến họ không thể kiểm tra hành vi rửa tiền đúng cách.
Rắc rối với chính quyền Mỹ
Bỏ qua vấn đề nội bộ, kế hoạch chuyển hướng chú ý của cơ quan quản lý sang Binance US dường như không mấy hiệu quả. Năm 2023 mở đầu với tin tức Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) ra lệnh ngừng phát hành BUSD do nghi ngờ vi phạm luật chứng khoán.
Trong khi CZ nỗ lực đính chính Binance không phải đơn vị phát hành đồng stablecoin, Binance vẫn đang đối mặt với cuộc điều tra khác từ Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Bộ Tư pháp và Sở Thuế vụ. Sàn giao dịch buộc phải nộp phạt để dàn xếp với cơ quan điều tra.
Dù vậy, nhập nhằng giữa Binance và các nhà quản lý vẫn chưa thể chấm dứt. Ngày 17/2, Bloomberg đưa tin Binance đang cân nhắc cắt đứt quan hệ với các đối tác Mỹ và huỷ niêm yết những dự án đặt trụ sở ở Mỹ. Ngay sau đó, Binance cho hay việc huỷ niêm yết chỉ là tin đồn vô căn cứ và sàn đã rút tiền đầu tư khỏi một số công ty Mỹ.
Gần đây, Binance cùng một số sàn như Huobi, KuCoin và Bybit bị nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Như Interlock đưa tin, Binance bị tố tạo điều kiện cho người dùng Nga mua bán tiền mã hoá trên nền tảng ngang hàng (P2P). Mỹ và các nước phương Tây đưa Nga vào danh sách đen ở nhiều lĩnh vực sau khi nước này tấn công Ukraine. Tháng 4/2022, Binance xác nhận sẽ chặn người dùng Nga giao dịch trên nền tảng.
Cuối năm 2022, Binance cũng bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Năm 2018, Binance thông báo ngừng cung cấp dịch vụ tại Iran sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt lệnh cấm vận lên Iran. Binance bị cáo buộc âm thầm “mở cửa” cho người Iran sử dụng sàn đến tận tháng 6/2022. Theo Reuters, công tố viên đã thu thập đủ bằng chứng và nộp đơn tố cáo 12 lãnh đạo Binance, trong đó có CZ.
Tương tự những đợt FUD trước, CZ tuyên bố thông tin trên sai sự thật. Đến nay, phía cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục giữ im lặng mặc cho nỗi lo về số phận của Binance vẫn còn bị bỏ ngỏ. Và trong lúc đó, ông chủ Binance vẫn giữ vững châm ngôn "mặc kệ FUD" cùng lời hứa hẹn "Binance chỉ mới vừa bắt đầu".