Itmeans: Hành trình đưa người dùng đến Web3
Mass adoption là điều mà tất cả nhà phát triển trong ngành công nghiệp blockchain muốn hướng đến. Để có thể đạt được mục tiêu này là cả quá trình giải quyết nhiều vấn đề không chỉ của công nghệ blockchain mà còn thị trường crypto. Ứng dụng trong crypto cần phải dễ dàng sử dụng cũng như có nhiều ứng dụng hơn ngoài việc đầu tư.
Trong đó, social login và NFT (non-fungible token) có thể là 2 phương tiện giúp đưa crypto đến mass adoption.
Social login mài giũa chìa khóa vào Web3
Social login là phương thức cho phép người dùng sử dụng tài khoản mạng xã hội như Facebook, Google, Apple ID để đăng nhập vào ví điện tử. Mục tiêu của tính năng này giúp công nghệ Web3 có thể dễ dàng tiếp cận đến các tệp người dùng khác nhau.
Ví điện tử từ lâu theo phương châm “Not your key, not your coin”, cho phép người dùng có thể lưu ký tài sản mà không phải phụ thuộc vào bên thứ 3. Tuy nhiên, điều này yêu cầu người dùng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc quản lý thông tin tài khoản như private key, passphrase. Đồng nghĩa, người dùng sẽ không thể khôi phục tài khoản và mất tất cả tài sản nếu lạc mất thông tin trên.
Dù vậy, không phải tất cả người dùng đều cần nhiều quyền quản lý đến vậy. Một số người muốn kiểm soát hoàn toàn quá trình lưu trữ tài sản của mình sẽ hài lòng chọn ví non-custodial như Coin98 Super Wallet, MetaMask, SafePal... Phần còn lại chỉ muốn trải nghiệm ứng dụng dựa trên blockchain và không quan tâm quá nhiều về khía cạnh công nghệ. Đa phần ví điện tử vẫn “quá sức” đối với họ. Ứng dụng cần thay đổi để phù hợp đến nhu cầu của người dùng.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều đội ngũ đã cung cấp ví MPC (multi-party computation) như Binance, Coinbase hay Ninety Eight. Sau khi người dùng khởi tạo ví, private key sẽ được phân tách, mã hóa và gửi cho các bên thứ 3 như Google Cloud, AWS... giữ hộ. Với tính năng này, người dùng không còn phải quan tâm đến vấn đề quản lý thông tin về tài khoản.
Trong đó, social login là hướng phát triển của MPC Wallet, cho phép người dùng có thể tạo và đăng nhập ví Web3 bằng tài khoản Web2 như Google, Facebook, Apple ID… Điều này không chỉ đơn giản hóa quá trình tạo tài khoản mà còn giải quyết nỗi lo mất private key.
Đối với phương pháp này, người dùng không còn phải cực khổ ghi nhớ chuỗi private key dài tới 24 ký tự. Thay vào đó, các bên thứ 3 uy tín sẽ gánh phần trách nhiệm này. Người dùng sẽ đăng nhập vào ví điện tử tương tự như những ứng dụng thân thuộc trong Web2 như PayPal, GooglePay thông qua tài khoản email, mạng xã hội…
Social login còn giúp kết nối trải nghiệm người dùng từ Web2 đến Web3. Theo khảo sát từ Hosting Buzz, 86% người dùng khó chịu khi tạo tài khoản mới. Họ thường quên tên và mật khẩu khi phải tạo tài khoản ở quá nhiều trang web và ứng dụng. Do đó, social login giúp giảm thiểu số lượng thông tin mà người dùng phải quản lý khi đăng nhập. Đặc biệt đối với Web3, người dùng sử dụng rất nhiều địa chỉ ví với nhiều mạng lưới khác nhau.
Bên cạnh đó, social login sử dụng thông tin của những mạng xã hội như Google, Facebook… với hàng tỷ người dùng. Đó là thứ mà họ sử dụng hằng ngày. Rõ ràng, người dùng sẽ tin tưởng hơn khi sử dụng những sản phẩm quen thuộc, trong đó có công nghệ.
NFT giữ chân người dùng trong Web3
Nếu nói social login giúp người dùng dễ dàng bước qua ngưỡng cửa đến với Web3 thì NFT sẽ là phương tiện giúp người dùng ở lại không gian này. NFT được xem là cánh cửa đơn giản để người dùng có thể tiếp cận khái niệm tài sản kỹ thuật số.
Trong những năm gần đây, NFT trở nên thân thuộc hơn đối với mọi người. NFT là cầu nối mà nhiều thương hiệu lớn áp dụng để đưa ứng dụng blockchain đến với người dùng. Coca-Cola phát hành bộ sưu tập “Friendship Box”, ASIC ra mắt bộ giày kỹ thuật số “Sunrise Red” hay Ronaldo Cristiano ra mắt bộ sưu tập NFT dành cho fan token là case study cho thấy NFT đang ngày càng hòa nhập vào cuộc sống hằng ngày của mọi người thông qua nhiều khía cạnh khác nhau.
NFT không còn là “lan đột biến” như giai đoạn 2019-2020. Vô vàn ứng dụng mới đã được tích hợp vào NFT. Giờ đây NFT có thể đóng vai trò như thẻ thành viên để vào câu lạc bộ, định danh kỹ thuật số hay đại diện sở hữu một tài sản trong thực tế như bất động sản. Bên cạnh đó, NFT chính là nhân tố cốt lõi sau khi xu hướng blockchain game bùng nổ vào cuối năm 2023.
Bên cạnh ứng dụng, văn hóa là giá trị mà NFT có thể đem lại cho Web3. Theo anh Long, CTO của Aura Network, NFT cho crypto một ý nghĩa mới. Thông qua đó, người dùng sẽ chơi game, sưu tập… Những hoạt động mang lại sự sống cho blockchain. Nếu một người đã gắn với mạng lưới, họ sẽ hỗ trợ hết mình cho những dự án, xây dựng cộng đồng trên đó.
NFT chính là chất xúc tác giúp tạo nên nền văn hóa được thúc đẩy bởi công nghệ và sáng tạo. Văn hóa hình thành khi mọi người cùng chia sẻ sở thích và trải nghiệm cùng nhau. Không gian Web3 không thiếu những cộng đồng được tạo dựa trên các bộ sưu tập NFT như Azuki, Bored Ape Yacht Club, Kitaro, Wassies, Pyra Research… Đây được xem như ngôi nhà cho những người đã tham gia vào Web3.
Từ đó, tài sản kỹ thuật số đóng vai trò giúp mọi người tìm hiểu, khám phá công nghệ blockchain và thúc đẩy crypto đến mass adoption.
“Chén thánh” cho những người làm cộng đồng Web2
Một câu hỏi luôn tồn tại trong cộng đồng Web2 chính là tại sao phải có Web3. Câu hỏi trên đến từ việc cả hai nền công nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi người dùng Web2 đang tận hưởng sự thú vị mà công nghệ mang lại thì ở phía Web3, mọi thứ đều cần kiến thức tương đối chuyên sâu.
Nhưng với social login, sản phẩm trong Web3 trở nên gần gũi với người dùng Web3 hơn bao giờ hết. Thử tưởng tượng, những năm tháng tham gia cộng đồng Facebook của bạn được lưu trữ trên blockchain thì chuyện gì xảy ra?
Người dùng chỉ mất một chạm để tạo tài khoản Web3 bằng thông tin email dùng cho Facebook hoặc Google. Vì cùng liên kết một email, ứng dụng social login sẽ dễ dàng ghi nhận và truy xuất thông tin tài khoản mạng xã hội Web2 của người dùng. Dĩ nhiên điều này cần sự chấp thuận của chủ tài khoản. Đến bước này, người dùng Web2 đã bước một chân vào không gian Web3. Suốt quá trình này, họ không cần biết định nghĩa blockchain hay phí gas là gì.
Có thể nói, social login có thể sử dụng như công cụ để quản lý và bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong cộng đồng.
Điển hình là cộng đồng gaming. Năm 2010 là năm mà nhiều người đắm chìm vào các tựa game VNG như Võ Lâm. Vật phẩm trong game lúc đó không kém gì so với NFT hiện nay. Cây đao 3 triệu, bộ giáp chục triệu. Đến khi tựa game đó biết mất, người dùng chỉ có thể nhìn lại những vật phẩm từng mua qua ảnh. Đó là lúc mà ứng dụng Web3 có thể với tới cộng đồng này. Một game thủ Web2 có thể hòa mình vào ứng dụng Web3 không vì lợi nhuận từ thị trường.
Một cây đao cũng của người dùng. Tương tự, những bài viết, nỗ lực đóng góp là điểm thành tích được tích lũy lại. Tất cả đều là tài sản người dùng. Blockchain hoàn toàn có thể cho phép cộng đồng Web2 có thể lưu trữ tất cả giá trị của cộng đồng mãi mãi. Và social login sẽ giúp cộng đồng Web2 có thể giao lưu với Web3 một cách quen thuộc nhất.
Đơn cử, Community Points được triển khai từ năm 2020 nhằm thưởng cho người dùng dựa trên các đóng góp của họ trong các cộng đồng Reddit. Người dùng sẽ nhận được điểm thưởng dưới dạng token ERC-20 trong ví điện tử Reddit Vault. Token này có thể được dùng trong các cộng đồng như đăng ký gói biểu tượng, huy hiệu… Điều này chứng tỏ Web3 vẫn có sức hút nhất định đối với cộng đồng truyền thống. Tuy nhiên, để làm có thể thành công như Reddit, social login và NFT là những yếu tố không thể thiếu.