CafeinDaily: Holesky ETH triển khai thất bại; Optimism thông báo đợt airdrop mới
Trong số 100 đồng coin/token hàng đầu, ba altcoin tăng giá trong ngày là eCash (XEC) ở mức 16.6%, Chainlink (LINK) ở mức 7.2% và Cosmos Hub (ATOM) ở mức 6.6%.
Song song đó, ba altcoin giảm giá nhiều nhất trong ngày là Rollbit Coin (RLB) ở mức -9.1%, Flow (FLOW) ở mức -1.1% và ApeCoin (APE) ở mức -0.7%.
Trong 24h qua, chỉ số sợ hãi và tham lam ở mức 46 (sợ hãi), không đổi trong ngày.
Mạng lưới Holesky Ethereum triển khai thất bại
Các nhà phát triển Ethereum cho biết đã phát hiện lỗi trong tệp gốc của mạng lưới testnet và dự định thử lại sau 2 tuần.
Các nhà phát triển Ethereum đã thất bại trong việc triển khai mạng lưới testnet mới vào thứ sáu (15/9), nhằm kỷ niệm một năm sau sự kiện "The Merge" lịch sử vào năm 2022. Mặc dù một số validator có thể khởi động mạng lưới thủ công, một số lỗi đã được phát hiện trong tiệp gốc của mạng lưới.
Theo đó, các nhà phát triển Ethereum quyết định dừng sự kiện này 2 tuần và tiếp tục chuẩn bị.
Đây là trục trặc hiếm hoi đối với Ethereum, khi đã hoạt động suôn sẻ trong 2 năm qua các bản nâng cấp The Merge (tháng 9/2022) và Shapella (tháng 4/2023). Các bản nâng cấp nhằm tăng cường tính mở rộng của Ethereum với mạng lưới Layer 2.
Sàn giao dịch JPEX bị điều tra ở Hong Kong
Sàn giao dịch tiền mã hoá có trụ sở tại Nhật Bản JPEX đã đóng băng một số hoạt động và tăng phí rút tiền sau cuộc khủng hoảng thanh khoản trên nền tảng này.
Cụ thể, sàn JPEX đã tăng phí rút tiền và tạm dừng hoạt động của chương trình Earn trong bối cảnh khủng hoảng thanh khoản đang diễn ra. Trong bài đăng trên blog ngày 17/9, JPEX đã chỉ trích động thái của một số tổ chức ở Hong Kong. Kèm với đó là những tin tức tiêu cực khiến các nhà tạo lập thị trường bên thứ 3 đóng băng quỹ đột ngột.
Ngoài ra, nhiều người dùng cho biết nền tảng này đang tính phí 999 USDT cho một lần rút tiền, với số tiền rút tối đa là 1,000 USDT. Trước những phản hồi từ cộng đồng, JPEX đã tuyên bố về việc phục hồi thanh khoản nhằm đảm bảo quá trình giao dịch trên sàn.
Thông báo mới của Optimism về airdrop
Optimism, một trong những mạng layer 2 hàng đầu trên Ethereum, sẽ phân phối số tiền còn lại từ đợt airdrop đầu tiên đến các địa chỉ ví đủ điều kiện chưa nhận được phần thưởng.
Theo dữ liệu Dune Analytics, đợt airdrop của Optimism bắt đầu ngày 1/6/2022 và phân phối khoảng 166 triệu OP trong tổng số gần 215 triệu OP. Tuy nhiên, thời điểm đó, khoảng một phần tư ví người dùng đủ điều kiện chưa yêu cầu nhận airdrop. Theo thông báo từ Optimism Governance, những người này sẽ được phân phối token trực tiếp vào ngày 16/9.
Trước đó, Optimism đã cam kết phân phối 19% nguồn cung ban đầu của OP cho kế hoạch airdrop. Dự án cho biết sau 2 đợt airdrop, hiện vẫn còn khoảng 13.73% nguồn cung OP chưa được phân phối tới người dùng. Song, Optimism chưa tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào khác về đợt airdrop tiếp theo trong tương lai.
Wintermute lại “đá xéo” DWF Lab
Trong mảng tạo lập thị trường của crypto, Wintermute và DWF Labs đều là 2 cái tên hàng đầu. Mới đây, Yoann Turpin, nhà sáng lập Wintermute đã tiếp tục nhận xét tiêu cực về DWF Labs.
Tại sự kiện Token2049, khi trang BlockBeats đề cập đến DWF, nhà sáng lập Wintermute cho rằng DWF không nên được coi là nhà tạo lập thị trường (MM) theo định nghĩa của Wintermute. Ông cho rằng DWF đã khiến cộng đồng nhầm lẫn khi tuyên bố giao dịch OTC của họ là hoạt động đầu tư.
Turpin cho hay cộng đồng crypto có định kiến về MM vì nhiều dự án chỉ thao túng thị trường thay vì cung cấp thanh khoản để dẫn dắt thị trường phát triển lành mạnh. Vì vậy, Wintermute thích định vị mình là nhà cung cấp thanh khoản hơn là nhà tạo lập thị trường và tự quản lý thông qua các quy định của công ty.
Wintermute làm MM cho Optimism, Blur và Arbitrum. Trong khi đó, DWF Labs hậu thuẫn Conflux, Mask Network và Alchemy Pay. Từ tháng 3, hai MM hàng đầu thị trường đã xảy ra mâu thuẫn. Lúc bấy giờ, trang The Block đã đặt nghi vấn rằng Andrei Grachev, đối tác của DWF Labs, đã “đầu tư” sớm vào những dự án do DWF Labs làm MM để hỗ trợ công ty “tạo lập thị trường”.
Blockchain Capital huy động 580 triệu USD cho 2 quỹ mới
Hầu hết đối tác của Blockchain Capital là nhà đầu tư tổ chức truyền thống, bao gồm quỹ của trường đại học, quỹ tư nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí của Mỹ.
Theo CoinDesk, ở giai đoạn đầu, 380 triệu USD sẽ được dùng để hỗ trợ các dự án mới trong vòng đầu tư hạt giống Series A. 200 triệu USD còn lại sẽ tập trung đầu tư ở các giai đoạn từ Series B trở về sau. Trong số các vòng tài trợ gần đây Blockchain Capital đã dẫn đầu có vòng Series C trị giá 115 triệu USD vào Worldcoin và vòng Series A trị giá 40 triệu USD vào nhà cung cấp cơ sở hạ tầng tiền mã hóa RISC Zero.
Jason Di Piazza, Trưởng Bộ phận Gọi vốn của Blockchain Capital tiết lộ công ty có các nhà đầu tư chiến lược lớn trong lĩnh vực truyền thống. Hai trong số đó bao gồm gã khổng lồ thanh toán Visa và PayPal. Năm 2021, hai công ty này đã đầu tư 300 triệu USD vào giai đoạn huy động vốn thứ 5 Blockchain Capital. Blockchain Capital cho biết họ vẫn chưa cam kết với một trong hai quỹ mới.
Khoản tiền lớn cho thấy nhu cầu đầu tư của các quỹ vẫn còn cao, bất chấp tình trạng downtrend của phần lớn thị trường crypto suốt năm qua.
Đọc thêm: optimism công bố airdrop đợt 3