InteReview: Trải nghiệm sàn NFT Blur - Kẻ thách thức OpenSea
Năm 2023, Blur chính thức trở thành sàn giao dịch NFT lớn nhất trên Ethereum. Chỉ mới 6 tháng ra mắt, tổng khối lượng giao dịch trên Blur vượt 1 triệu ETH, tương đương 1.75 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều người vẫn hoài nghi thành quả này đến từ chương trình incentive cho người dùng.
Vốn là người sử dụng OpenSea làm marketplace chính trong suốt 2 năm, tôi rất bất ngờ khi Blur đã soán ngôi OpenSea. Trong mắt tôi và rất nhiều trader NFT khác, OpenSea như thế Binance trong ngành, một vị trí khó có thể thay thế.
Thế nhưng, đến 2023, mọi chuyện đã thay đổi.
Đầu tiên, với đa số người dùng, thành công của Blur được lý giải là nhờ incentive. Cụ thể, phần thưởng ở đây là token BLUR. Đây không phải là cách mà mỗi Blur áp dụng. Trước đó những dự án thành công nhất như Arbitrum và Optimism cũng sử dụng chiêu bài này.
Tuy vậy, trong thị trường NFT, OpenSea và Magic Eden, hai đối thủ trực tiếp của Blur vẫn đi lá bài này.
Việc gì đến cũng phải dến. Blur thành công gây được tiếng vang với việc airdrop cho những người sử dụng nền tảng. Sau khi phát hành token, NFT marketplace Blur đã hoàn toàn vượt OpenSea về khối lượng giao dịch. Dù không phải là một thợ săn airdrop, chương trình incentive cho người dùng vẫn có sức hấp dẫn với tôi. NFT cơ bản đã tốn nhiều phí giao dịch hơn những loại tài sản khác.
Thông thường, đối với mỗi giao dịch NFT trên ETH tốn khoảng 5-10 USD, chưa kể phí bản quyền, dao động từ 5-10% giá trị tài sản. Với giá trị mỗi NFT khoảng 500 USD, một trader phổ thông, có tần suất giao dịch khoảng 5 NFT/tuần sẽ mất 300-400 USD. Như vậy, chương trình incentive cho người dùng như một khoản bù đắp với những nhà giao dịch NFT.
Ngoài ra, trong đợt airdrop 1, hoạt động giao dịch NFT của tôi trên Blur tốn hơn 0.1 ETH tiền phí, tương đương 150 USD tại thời điểm đó. Đổi lại, sàn giao dịch đã airdrop cho tôi hơn 600 token BLUR, tương đương 600 USD, gấp 4 số tiền giao dịch tôi bỏ ra.
Không bỏ ngõ như những dự án khác, sau khi airdrop cho cộng đồng, Blur tiếp tục chương trình incentive thứ hai. Đây là một trong những lý do khiến tôi tiếp tục trải nghiệm Blur mà không chuyển sang sử dụng những nền tảng khác. Mặc dù, tôi biết phần thưởng mà tôi nhận được sẽ không còn nhiều như đợt một bởi một lượng người dùng lớn đã tham gia vào cuộc đua airdrop. Điều này có thể dễ dàng thấy được thông qua khối lượng giao dịch và địa chỉ ví tăng đột biến sau khi Blur phát hành token. Khối lượng giao dịch của Blur trong 7 ngày sau khi phát hành token đạt 460 triệu USD, tăng 361% so với tuần trước.
Đọc thêm: Con át chủ bài giúp Blur đánh bại OpenSea
Không chỉ có incentive, Blur còn một vũ khí lợi hại để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ khác. Đó chính là trải nghiệm người dùng. Cá nhân tôi thỏa mãn với trải nghiệm mà Blur đem lại.
Đầu tiên, đập vào mắt người dùng chính là giao diện. Blur không chỉ giúp người dùng phổ thông dễ sử dụng, nền tảng này còn sinh ra cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
NFT vốn dĩ là hình ảnh. Vì vậy, đa số các sàn NFT nổi tiếng chọn trải nghiệm hiển thị hình ảnh nhiều hơn cho người dùng. Điều này khiến diện tích trên trang chưa thật sự tối ưu. Quá ít NFT được hiển thị trong cùng một diện tích màn hình. Đi ngược lại tiêu chí trực quan, Blur chọn thiết kế một giao diện gợi cảm giác một sàn giao dịch token hơn là hình ảnh. Blur xem mỗi NFT như một token hơn là một tác phẩm nghệ thuật.
Như vậy, người chưa dùng bất kỳ nền tảng marketplace sẽ dễ dàng làm quen với Blur do giao diện tương tự các sàn giao dịch tiền mã hóa. Blur khó hơn một chút với những người giao dịch vài lần trên nền tảng khác, nhưng không quá khó để thực hiện giao dịch cơ bản như những gì OpenSea đang cung cấp. Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ lạ lẫm cho những người đã quen với một nền tảng. Kinh nghiệm của tôi, người dùng cần tập trung vào các tính năng đặc biệt như bid pool để cảm nhận sự tiện lợi, khác biệt…
Ở Blur, người dùng sẽ nhận thấy một số tính năng tương tự như order book của các lệnh bid, biểu đồ giá của từng bộ NFT, lịch sử giao dịch của chúng…
Vậy còn về trải nghiệm trực quan? Blur không hẳn là không đáp ứng được. Với những nhà sưu tầm NFT vì yếu tố nghệ thuật, họ vẫn có thể bấm chọn vào từng NFT để xem bản đầy đủ. Điều này tương tự thói quen sử dụng của họ ở OpenSea. Hiểu đơn giản, OpenSea có 3 kích thước hiển thị NFT gồm nhỏ, trung, lớn. Còn với Blur, họ vẫn có ảnh lớn và ảnh nhỏ.
Tóm lại, người sưu tầm nghệ thuật (collector) vẫn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ bức tranh với số lượt click tương tự OpenSea. Nhược điểm duy nhất của Blur ở phương diện này là bước lựa chọn không thấy được size trung của ảnh.
Ngược lại, Blur sẽ phục vụ tối ưu cho người dùng trade NFT khi hiển thị nhiều nội dung hơn trong cùng một trang, từ đó phần nào có cung cấp cái nhìn tổng quan hơn. Nền tảng tập trung vào yếu tố giao dịch hơn trải nghiệm hình ảnh.
Mặc dù tôi cảm thấy hơi khó khăn khi bắt đầu sử dụng nền tảng này lúc đầu nhưng cảm giác đó đã biến mất sau vài tuần trải nghiệm. Giờ đây, tôi lại cảm thấy thích Blur hơn những sàn giao dịch khác.
Ngoài giao diện, Blur còn bổ sung thêm tính năng giúp thuận tiện cho việc mua bán số lượng lớn NFT. Tính năng sweep giúp người dùng trên Blur có thể mua cùng lúc hơn 50 NFT với giá thấp nhất, miễn là bạn có đủ tiền.
Mặc dù OpenSea vẫn có tính năng mua bán hàng loạt, người dùng vẫn phải chọn bằng tay từng NFT. Điều này khiến quá trình mua bán mất thời gian. Trong một lần giao dịch bộ NFT Owl ở OpenSea, tôi đã bị hất tay trên. Vì bộ sưu tập đang khá hype vào thời điểm đó nên nhiều người khác cũng mua NFT mà tôi chọn cùng một lúc. Kết quả là tôi giao dịch của tôi đã bị hủy và tôi phải chọn 1 NFT khác với mức giá cao hơn. Trong khi đó, tính năng sweep của Blur có thể chọn nhiều NFT cùng một lúc và bỏ qua những NFT mà đang được người khác giao dịch.
Điểm yếu lớn nhất của Blur chính là tính năng đấu giá (bid). Đây là một trong những tính năng không thể thiếu với những nhà sưu tập tranh truyền thống lẫn NFT. Tuy vậy, cần nhắc lại, Blur xem việc giao dịch NFT như mua bán token. Vì thế, việc đấu giá trên Blur còn nhiều bất cập.
Với Blur, tôi không thể đấu giá những NFT hiếm bởi sàn chỉ cho phép đấu giá sàn. Cụ thể, Blur không cho tôi đấu giá một NFT bất kỳ. Thay vào đó, tôi chỉ được đấu giá sàn của cả bộ sưu tập. Những NFT hiếm của bộ sưu tập lại luôn luôn được giao dịch ở trên mức giá sàn. Điều này khiến việc mua NFT hiếm với mức giá tốt nhất thông qua việc đấu giá trên Blur là không thể.
Trong khi đó, việc đấu giá của OpenSea không gặp nhiều trở ngại như vậy. Tôi có thể đấu giá bất cứ NFT nào mà không phải phụ thuộc vào giá sàn.
Blur không chỉ tối ưu trải nghiệm của người dùng mà còn giúp họ giảm thiểu phí giao dịch NFT. Cụ thể, phí giao dịch NFT chia thành hai phần gồm phí gas, phí nền tảng và phí bản quyền (royalty fee). Blur đã tối ưu cả ba loại phí giao dịch này.
Ban đầu, Blur đã cắt toàn bộ phí bản quyền của các bộ NFT. Điều này đã khiến các nhà sáng tạo (creator) và sàn giao dịch NFT khác như OpenSea hợp tác đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn việc giao dịch NFT không thu phí bản quyền. Đến cuối cùng, hai bên đã phải bắt tay nhau để đưa đến kết quả chung.
Ban đầu, các marketplace như OpenSea, Magic Eden… áp đặt mức phí bản quyền từ 5-10% cho mỗi giao dịch. Khoản phí này sẽ được bồi dưỡng nhà sáng tạo ra bộ sưu tập NFT đó. Ngay từ lúc ra mắt, Blur đã cắt giảm toàn bộ loại phí này.
Đáp lại, OpenSea đưa ra bộ công cụ Operator Filter, cho phép nhà sáng tạo ngăn không cho marketplace không áp dụng phí royalty có thể giao dịch NFT. Tuy nhiên, Blur đã thành công vượt qua được rào cản này khiến OpenSea phải chào thua và điều chỉnh lại mức phí bản quyền trên nền tảng.
Đọc thêm: #Itmeans: Blur - Kẻ thay đổi cuộc chơi trên thị trường NFT
Mặc dù OpenSea đã nới lỏng phần nào quy định về phí bản quyền, đa số bộ sưu tập trên Blur vẫn duy trì mức phí rẻ hơn. Đơn cử, phí bản quyền của bộ sưu tập BEANZ của Azuki trên Blur chỉ có 0.5%, trong khi OpenSea vẫn giữ mức phí 5%. Như vậy, với giá trị NFT ngày 17/4, người dùng sẽ tiết kiệm được số tiền là 146 USD với mỗi giao dịch BEANZ.
Thứ hai là phí nền tảng. Thông thường, những NFT marketplace sẽ đánh thuế 2% đến 5% khi người dùng giao dịch trên nền tảng. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của dự án. Blur đã hoàn toàn loại bỏ phí này. Khoản phí này sẽ phụ thuộc vào giá trị của NFT tương tự như phí bản quyền. Bằng cách loại bỏ 2 loại phí trên, Blur đã tiết kiệm được gần 10% lợi nhuận giao dịch NFT cho tôi.
Tiếp theo chính là phí gas. Giao dịch trên bất cứ nền tảng nào đều phải tốn phí gas. Đó là điều mà ai tham gia thị trường blockchain đều phải biết và không thể thay đổi được. Blur cũng vậy nhưng tính năng bid pool đã phần nào làm giảm khoản phí này.
Bid pool là tính năng đặc biệt chỉ có ở Blur. Theo đó, khi muốn bid một NFT nào đó, người dùng trên Blur sẽ gửi NFT vào bid pool và đặt giá bid. Sau đó, người bán NFT sẽ chọn giá bid cao nhất. Trong quá trình này, người mua sẽ phải trả phí gas chuyển ETH vào bid pool, từ 1-2 USD và người bán sẽ trả phí gas giao dịch NFT.
So sánh với OpenSea, cả người mua và người bán đều phải trả một lượng phí gas như nhau từ 5-10 USD. Trong khi đó, Blur sẽ tiết kiệm được một khoản phí kha khá cho người muốn mua NFT. Tuy nhỏ nhưng khoản phí đó giúp đỡ khá nhiều cho những người thường xuyên giao dịch NFT trên nền tảng. Kể từ khi có Blur, tần suất giao dịch NFT trên Ethereum của tôi đã tăng đáng kể.
Thanh khoản luôn là yếu tố quan trọng đầu tiên khi tôi đánh giá một thị trường tài chính. Một loại tài sản có tính thanh khoản cao nghĩa là tôi có thể mua hoặc bán một cách dễ dàng.
Trong khi đó, NFT luôn được biết đến là loại tài sản có tính thanh khoản thấp. Nhiều NFT của tôi không có người mua mặc dù tôi đã chấp nhận bán lỗ và treo nó ở mức giá sàn. Do đó, thanh khoản luôn là một vấn đề chí mạng đối với NFT. Hãy thử tưởng tượng NFT bạn mua với giá hàng trăm hoặc hàng nghìn USD lại không thể bán được, kể cả với giá sàn.
Blur đã giải quyết vấn đề này bằng việc tối ưu hoạt động đấu giá cho từng bộ sưu tập NFT. Mặc dù nói Blur vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động đấu giá, tôi không thể phủ nhận chính “khuyết điểm này” đã giải quyết vấn đề thiếu thanh khoản của NFT.
Tính năng bid pool của Blur tối ưu việc bid cho cả bộ sưu tập NFT. Theo đó, người mua sẽ đấu giá sàn cho cả bộ NFT. Khi muốn bán một NFT, tôi có hai sự lựa chọn. Một là treo giá mà tôi mong muốn và đợi có người mua NFT đó. Hai là bán ở giá sàn và chấp nhận mức giá cao nhất trong bid pool.
Đối với các marketplace khác, tôi phải chờ đợi ai đó để ý đến NFT của mình và đặt giá bid. Nếu được giá, tôi mới quyết định bán nó. Việc này có thể tốn thời gian khác nhau tùy thuộc vào thanh khoản của bộ NFT đó.
Do đó, nếu NFT của tôi không phải dạng hiếm và tôi sẵn sàng bán ở mức giá sàn, Blur là lựa chọn tối ưu và tiết kiệm thời gian nhất. Trong khi đó, nếu NFT của tôi có nhiều chi tiết quý hiếm và được định giá giá cao thì tôi sẽ niêm yết trên OpenSea và chờ đợi ai đó đến đấu giá nó.
Ngoài ra, Blur cũng tối ưu hơn tính năng bid pool bằng các gói incentive. Nền tảng sẽ thưởng token BLUR cho hoạt động niêm yết và đấu giá. Điều này khiến nhiều người đặt giá bid hơn, đồng nghĩa thanh khoản sẽ cao hơn.
Cụ thể, Blur hiện có 17 lệnh bid bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club ở giá 50.99 ETH (tương đương 100,100 USD). Điều này có nghĩa tôi có thể bán ngay lập tức 17 NFT BAYC tại giá này chỉ bằng 1 cái click chuột mà không cần phải chờ đợi người mua. Mặc dù giá bán sẽ thấp hơn đôi chút so với giá sàn nhưng việc này sẽ đảm bảo tôi có thể bán số lượng lớn NFT ngay lập tức.
Tóm lại, Blur là nền tảng NFT với các tính năng nổi bật như bid pool, quét NFT... Tuy vậy, nền tảng này không thật sự dễ tiếp cận và đôi lúc quá dư thừa tính năng với người dùng phổ thông.
Vì vậy, nếu bạn là người giao dịch NFT như một trader, Blur sinh ra để giải quyết nhu cầu của bạn với các thế mạnh như tối ưu phí giao dịch, giao diện như Binance... Từ đó giúp trải nghiệm quá trình đầu tư NFT của bạn trở nên thú vị và hiệu suất cao hơn.
Trong khi đó, OpenSea sẽ phù hợp hơn nếu bạn là nhà sưu tầm NFT khi tối ưu trải nghiệm nghệ thuật và tính năng đấu giá tương tự tài sản truyền thống. Các sàn giao dịch khác như Magic Eden sẽ phù hợp với những ai đam mê NFT gaming hoặc ủng hộ nhãn hiệu truyền thống.