Lạm phát có thể quay trở lại vì giá dầu bất ổn?
Sau động thái của OPEC+, đến sáng ngày 4/4, giá dầu Brent đã tăng khoảng 7%, lên mức 85,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng gần 6% và đang ở quanh mức 80.79 USD/thùng.
Theo dự báo của Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs (Mỹ), việc cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tăng thêm 7% trong thời gian tới. Điều này góp phần làm tăng doanh thu từ dầu mỏ cho các nước thành viên OPEC+.
Trước đó, ngày 2/4, các quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tuyên bố tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí cho tới cuối năm 2023. OPEC+ cho rằng việc cắt giảm sản lượng là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá dầu tăng có thể khiến lạm phát tăng mạnh trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ ngân hàng trung ương và đẩy nền kinh tế đến gần suy thoái hơn.
“Giá dầu mà lên lại 100 thì câu chuyện lãi suất sẽ rất mệt, vì số lạm phát cũng như kỳ vọng của người dân về tỷ lệ lạm phát sẽ bay vun vút, trong khi tình thế nền kinh tế thì tệ hơn tình huống giá dầu 100 USD/thùng của năm ngoái nhiều”, theo ông Hồ Quốc Tuấn - giảng viên, Giám Đốc chương trình Đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán của Đại học Bristol - Anh,
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng việc giá dầu chạm mức 100 USD/thùng khó có thể xảy ra. Nhưng vẫn nên lường trước các kịch bản xấu.
Trước đó, vào rạng sáng 23/3, sau cuộc họp FOMC, FED đã quyết định tăng lãi suất 0.25%, đưa lãi suất quỹ liên bang lên đến phạm vi 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Theo biểu đồ dự báo mức đỉnh lãi suất (dot plot) năm 2023, phần lớn những người tham gia bỏ phiếu đều cho rằng lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất là 5.1%, không thay đổi so với ước tính cuối cùng vào tháng 12.
Các dự đoán về mức tăng lãi suất trong hai năm tới cũng cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên (được thể hiện ở sự phân tán rộng giữa các “chấm”). Biểu đồ ước tính FED sẽ giảm lãi suất 0.8% vào năm 2024 và giảm 1.2% vào năm 2025.
Điều này cho thấy phần lớn các quan chức FED chỉ mong đợi một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Với dự báo này, FED có thể còn một lần tăng lãi suất 0.25% trong cuộc họp kế tiếp trước khi thay đổi chính sách, ngừng tăng lãi suất.
Theo chia sẻ, các quan chức FED đã xem xét đến việc ngừng tăng lãi suất, nhưng cuối cùng đã quyết định tăng 0.25% vì tình hình việc làm vẫn tốt. Và việc tăng lãi suất lần này là để củng cố lòng tin của người dân về quyết tâm đẩy lùi lạm phát của FED.
Trên khung ngày, chỉ số sức mạnh đồng USD tiếp tục suy yếu và đang tiến về ngưỡng 100. Đường lead 1 và 2 của chỉ báo Ichimoku cắt nhau đi xuống hình thành vùng mây đỏ cho thấy xu hướng giảm còn khá mạnh. Hỗ trợ gần nhất của DXY là vùng 100 điểm.
Như vậy, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, giá dầu tăng có thể khiến lạm phát quay trở lại. Trong trường hợp xấu, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, nền kinh tế bị suy thoái và thị trường crypto sẽ đi vào downtrend một lần nữa.
Đến trưa ngày 4/4, Bitcoin đang di chuyển quanh ngưỡng 28,000 USD. Trên khung ngày, Bitcoin đang di chuyển ở xu hướng tăng. Đường RSI đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ khá nhiều lần ở các đỉnh. Hỗ trợ gần nhất của Bitcoin là vùng 25,500 - 26,000 USD.
Trong tuần đầu tháng 4, Mỹ sẽ công bố một số sự kiện quan trọng có tác động trực tiếp đến đồng USD khiến giá trị DXY thay đổi. Thị trường crypto và chứng khoán Mỹ có sự tương quan nghịch với DXY nên có thể biến động với các sự kiện trên. Nhà đầu tư có thể theo dõi thêm (tại đây).