Nga, Trung Quốc và các nước đồng minh phát triển đồng tiền chung
Alexander, Babakov, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga đã công bố thông tin trên tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ở New Delhi (Ấn Độ). BRICS được thành lập vào năm 2009 với mục tiêu trở thành các nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới.
Thông qua sáng kiến mới, các quốc gia muốn tăng cường nỗ lực giảm thiểu sức ảnh hưởng của đồng USD. Babakov nhấn mạnh liên minh đang hướng tới một phương tiện thanh toán mới và thanh toán kỹ thuật số có thể là phương thức hứa hẹn và khả thi nhất.
Ông cũng cho biết loại tiền tệ này có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc và các thành viên BRICS khác, không riêng gì phương Tây. Babakov cho rằng loại tiền mới có thể được đảm bảo bằng vàng và các nguyên tố đất hiếm.
"Mối quan hệ tiền tệ này không dựa trên chiến lược hỗ trợ USD hay EUR, mà là hình thành loại tiền mới mang lại lợi ích chung cho chúng ta", ông phát biểu.
Tuần này, Jim O’Neill, cựu nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, kêu gọi khối BRICS mở rộng và thách thức sự thống trị của đồng USD. Trong bài báo trên tờ Global Policy, ông viết rằng “đồng USD đóng vai trò quá nổi trội trong nền tài chính toàn cầu”.
Đây không phải lần đầu tiên liên minh BRICS đề xuất sáng kiến tiền tệ mới. Năm 2019, các thành viên của khối từng thảo luận tạo ra loại tiền kỹ thuật số mới cho hệ thống thanh toán chung. Các quốc gia trong liên minh cũng có nhiều bước tiến liên quan đến tiền tệ.
Gần đây, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận giao dịch bằng đồng tiền riêng. Động thái này sẽ loại bỏ USD, vốn là đồng tiền trung gian trong nhiều năm. Điều này sẽ giúp 2 quốc gia tránh khỏi sự "thống trị" của USD.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc và Brazil, nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latin, thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính trực tiếp. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được đổi trực tiếp sang đồng real của Brazil và ngược lại thay vì thông qua USD.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong phát triển tiền mã hoá của ngân hàng trung ương (CBDC). Trong năm 2022, đất nước tỷ dân đã triển khai nhân dân tệ kỹ thuật số ở nhiều thành phố lớn, đồng thời gửi tặng các khoản lì xì để khuyến khích người dân sử dụng CBDC. Trong khi đó, Brazil đang tăng cường áp dụng tiền mã hoá sau khi hợp pháp hoá thanh toán Bitcoin vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Mỹ dường như chậm chân hơn trên đường đua ứng dụng blockchain vào hệ thống tiền tệ. CBDC đã được Quốc hội thảo luận từ năm 2022 và được Bộ trưởng Tài chính Mỹ đề cập vào năm 2021. Song đến tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới ban hành lệnh nghiên cứu đồng USD kỹ thuật số. Trung Quốc đã đi trước Mỹ gần một thập kỷ trong việc nghiên cứu CBDC.
Đọc thêm: Cuộc săn crypto của chính quyền Mỹ.