SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Sau Silvergate, Signature có thực sự là lối thoát cho các công ty crypto?

Sau khi Silvergate gặp khủng hoảng, nhiều công ty đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với ngân hàng và chuyển sang dùng dịch vụ của Signature Bank.
Avatar
uyntran.web3
Published Mar 12 2023
Updated Mar 13 2023
7 min read
thumbnail

Ngày 1/3, Silvergate cho biết công ty sẽ không thể nộp báo cáo thường niên đúng hạn cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Ngoài ra, họ tiết lộ đang đánh giá liệu ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động bình thường hay không sau khi lỗ ròng 1 tỷ USD và bị người dùng rút khoảng 8 tỷ USD trong quý IV/2022.

Ngay sau tin tức, hàng loạt công ty đã ngừng sử dụng dịch vụ của Silvergate để tránh ảnh hưởng tiêu cực. Với sàn giao dịch Coinbase và nền tảng phái sinh LedgerX, Signature trở thành lựa chọn thay thế Silvergate. JPMorgan cũng dự đoán khách hàng sẽ di chuyển đến mạng thanh toán Signet của Signature Bank.

Đọc thêm: Danh sách công ty crypto tuyên bố cắt đứt quan hệ với Silvergate. 

Signature thoát ly khỏi crypto

Signature là một trong 3 ngân hàng lớn ở Mỹ hỗ trợ crypto, bên cạnh Silvergate và Metropolitan. Tình hình khủng hoảng ở Silvergate đã khiến Signature gần như trở thành lựa chọn duy nhất của các công ty tiền mã hoá. Tháng 1, Metropolitan từng tuyên bố sẽ loại bỏ dần hoạt động liên quan đến tiền mã hoá sau sự cố bank run 8 tỷ USD của Silvergate.  

Signature bắt đầu cung cấp dịch vụ tiền mã hoá từ năm 2018 và ra mắt mạng lưới thanh toán Signet một năm sau đó. Signet trở nên phổ biến trong thị trường với khách hàng trải dài từ các sàn giao dịch, nền tảng lưu ký, công ty đào coin, quỹ phòng hộ… Một số công ty từng sử dụng dịch vụ của Signature từ 2019 bao gồm FTX, Coinbase và Circle. 

coin98
Signature Bank tại Mỹ. Nguồn: Crain’s New York Business.

Signet là động lực chính đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng trong giai đoạn bull run năm 2021, đạt mức cao nhất là 366 USD. Thời điểm đó, Signature đã tăng tổng số tiền gửi từ dưới 62 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD, phần lớn trong số đó đến từ khách hàng tiền mã hoá.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau năm 2022 đầy sóng gió. ​​Theo báo cáo tài chính năm 2022, tiền gửi quý IV của ngân hàng đã giảm 14.19 tỷ USD xuống còn 88.59 tỷ USD. Tổng số tiền gửi trong năm giảm 16.5%, tương đương 17.54 tỷ USD so với cuối năm 2021. Trong báo cáo, Signature cho rằng các sự kiện xấu trong thị trường crypto đã dẫn đến sự sụt giảm. 

Ngoài ra, Signature đang phải đối mặt với cáo buộc tiếp tay FTX lừa đảo người dùng. Theo đơn kiện ngày 6/2, công ty thương mại Statistica Capital cho rằng ngân hàng đã cố ý tạo điều kiện cho FTX chiếm dụng tài sản của khách hàng trên Signet và chuyển tiền đến các tài khoản của Alameda Research.

Ngân hàng cũng thúc đẩy kế hoạch hạn chế tiền gửi crypto và đã giảm khoảng 12.39 tỷ USD. Cuối tháng 9, Signature có 23.5 tỷ USD tiền gửi crypto trên bảng cân đối kế toán, chiếm khoảng 23% tổng số tiền gửi của ngân hàng. Tháng 12, con số này đã giảm xuống còn 20%.

coin98
Phân bổ tiền gửi của Signature trong quý IV/2022. Nguồn: Signature Bank.

Không khó để thấy quan điểm của Signature đối với tiền mã hoá đã thay đổi. Eric Howell, CEO Signature cho hay ngân hàng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tiền gửi crypto xuống dưới 15%. Để làm được điều đó, Signature dự kiến cắt giảm 8-10 tỷ USD tiền gửi liên quan đến tiền mã hoá.

“Chúng tôi không phải ngân hàng tiền mã hoá và chúng tôi muốn thể hiện điều đó rõ ràng”, Howell nói.

Tính đến 13/1, tổng tiền gửi trên nền tảng vẫn tăng 1.84 tỷ USD so với cuối năm ngoái dù tiền gửi crypto giảm 691 triệu USD. Điều này là do số tài sản truyền thống được gửi lên ngân hàng tăng 2.53 tỷ USD. Giả sử tất cả công ty tiền mã hóa rời Signet, số dư trên ngân hàng sẽ là 79.3 tỷ USD, vẫn cao hơn giá trị danh mục cho vay của Signature. Không tính tiền mã hoá, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 93.1%, thấp hơn đáng kể so với mức 96.4%-101.6% vào năm 2019.

Về mặt tích cực, Signature được Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đánh giá an toàn với xếp loại Well Capitalized (hiệu quả vốn tốt). Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa ngân hàng không còn phụ thuộc vào crypto và có nguy cơ loại bỏ hoàn toàn dịch vụ crypto để bảo vệ uy tín. 

Trong thông cáo báo chí ngày 9/3, Signature nhấn mạnh lại ngân hàng “không đầu tư, không giao dịch, không nắm giữ, không cho vay hoặc vay thế chấp bằng tài sản mã hoá”. Báo cáo tài chính 2022 cũng xác nhận ngân hàng đã xoá bỏ hoàn toàn các khoản vay thế chấp bằng crypto, bao gồm Bitcoin.

Dù vậy, cổ phiếu Signature vẫn giảm 2.7% ngay sau khi Silvergate thừa nhận tình hình khó khăn. Cùng với khủng hoảng của Silicon Valley Bank, cổ phiếu công ty đã lao dốc hơn 46%. Khi Silvergate gặp biến cố, Signature cũng là cái tên được bàn luận nhiều nhất.

coin98
Cổ phiếu Signature Bank (SBNY). Nguồn: TradingView. 

Phụ thuộc vào ngân hàng là ngõ cụt

Thay vì chọn nền tảng khác, các dự án có lẽ nên tìm phương án thay thế ngân hàng. Nếu không, họ sẽ mắc phải vòng lặp vô tận của việc tìm kiếm đối tác mới. Những công ty từng liên kết chặt chẽ với crypto đã bắt đầu rời khỏi thị trường khi FDIC gọi tiền mã hoá là mối nguy hiểm.

Metropolitan từng xử lý 1.5 tỷ USD tiền gửi từ các doanh nghiệp crypto vào cuối năm 2021, tương đương với khoảng 1/4 tổng số tiền gửi của ngân hàng này. Sau khi Voyager Digital, đối tác lớn của ngân hàng phá sản, tiền gửi từ doanh nghiệp tiền mã hoá đã giảm một nửa. Metropolitan dự kiến chấm dứt quan hệ đối tác với các công ty crypto trong năm 2023, chấp nhận mất 1.5% doanh thu và 6% lượng tiền gửi.

Ngay cả khi các ngân hàng không tự cắt đứt với crypto, hành động của chính quyền Mỹ cũng là điều khó lường. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ chối đơn đăng ký thành viên của ngân hàng crypto Custodia Bank cho thấy các cơ quan quản lý liên bang đang phối hợp ngăn chặn tiền mã hoá khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.

Lý tưởng là tiền mã hoá giúp người dùng không phải phụ thuộc vào các ngân hàng và tổ chức tập trung. Tuy nhiên, nhiều công ty crypto cần các công ty tài chính truyền thống cung cấp dịch vụ chuyển đổi tiền pháp định và tiền mã hoá đáng tin cậy cho người dùng. Do đó, thiếu ngân hàng không hẳn là hồi chuông báo tử cho crypto song vấn đề là làm cách nào để gây dựng lòng tin cho người dùng truyền thống.

Đọc thêm: Các tổ chức crypto liên quan đến ngân hàng Silicon Valley.

RELEVANT SERIES