SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Thị trường crypto Trung Quốc lớn đến đâu?

Giữa Trung Quốc và tiền mã hóa dường như luôn tồn tại mối quan hệ yêu-ghét không rõ ràng. Trước 2022, đất nước này từng có những dàn máy đào coin hàng đầu và góp phần thúc đẩy thị trường crypto phát triển hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng giờ đây, cộng đồng chỉ còn nhớ đến Trung Quốc với những chính sách đàn áp tiền mã hóa mạnh mẽ và triệt để.
uyntran.web3
Published Apr 30 2023
Updated Apr 30 2023
13 min read
thumbnail

Trung Quốc là một trong những quốc gia tham gia thị trường tiền mã hóa sớm nhất. Năm 2011, chỉ 2 năm sau khi Bitcoin ra đời, sàn giao dịch crypto đầu tiên tại Trung Quốc được thành lập với tên gọi BTCChina. Khi giá đồng coin đạt 1,000 USD vào 2014, mỗi ngày sàn xử lý giao dịch bình quân 64,000 Bitcoin, tương đương hơn 1/3 khối lượng giao dịch toàn cầu.

Đến 2013, Baidu, công cụ tìm kiếm hàng đầu ở đất nước tỷ dân cũng bắt đầu cho phép người dùng thanh toán bằng Bitcoin cho các dịch vụ bảo mật trang web. Sàn thương mại điện tử Taobao cũng nhanh chóng có động thái tương tự. Điều này thể hiện nhu cầu lớn của người dân ở đây đối với tiền mã hóa và cách các doanh nghiệp nhạy bén với sự đổi mới.

Quê hương của những “tay to”

Không ít người đã trở thành triệu phú sau một đêm khi Bitcoin bùng nổ vào giai đoạn 2010-2014. Nhiều doanh nhân như Li Xiaolai (nhà sáng lập quỹ BitFund), Jihan Wu (CEO Bitman) và Zhang Nangeng (nhà sáng lập Canaan Creative) thậm chí thu về khối tài sản hàng tỷ USD.  

Theo báo cáo tháng 6/2021 của Chainalysis, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc cung cấp phần lớn pool thanh khoản cho châu Á. “Trong đó, các sàn giao dịch có trụ sở tại Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất về khối lượng giao dịch”, báo cáo này chỉ ra. 

coin98
Trung Quốc và Hong Kong chiếm đa số trong danh sách công ty kỳ lân năm 2019. Nguồn: Chainalysis.

Ngoài BTCChina và Huobi, các sàn giao dịch lớn như OKX và KuCoin cũng được thành lập tại Trung Quốc. Sự bùng nổ này khiến Goldman Sachs từng dự đoán 80% giao dịch Bitcoin năm 2015 sẽ được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu đó.

Đến tháng 10/2021, Huobi quyết định rút khỏi thị trường tỷ dân do tình hình pháp lý không còn thuận lợi. Không lâu sau, KuCoin, OKX và các sàn khác cũng dừng hoàn toàn dịch vụ crypto ở quốc gia này.  

Trong khi nguồn vốn từ ngành tài chính truyền thống Trung Quốc và Hàn Quốc thúc đẩy áp dụng hàng loạt crypto, các khoản đầu tư lợi nhuận thấp là hoạt động chính ở Nhật Bản. Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đóng vai trò chủ chốt trong thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Năm 2019, 6 trong số 10 công ty crypto hàng đầu thế giới có trụ sở ở châu Á và có đến 5 công ty trải dài khắp Trung Quốc và đặc khu Hong Kong.

Công ty phân tích dữ liệu Messari chỉ ra Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc, đứng sau 90% giao dịch trị giá hơn 10,000 USD. Khu vực này tham gia vào nhiều giao dịch ngắn hạn hơn với số loại tài sản đa dạng hơn. Ngược lại, vùng Bắc Mỹ có xu hướng tập trung vào việc nắm giữ Bitcoin dài hạn. 

“Công xưởng đào coin” của thế giới 

Trung Quốc từ lâu đã được biết đến là công xưởng của rất nhiều ngành công nghiệp. Chính sách điện công nghiệp tốt, nhân công vận hành quen với môi trường công nghệ là những điểm khiến Trung Quốc tiếp tục trở thành “công xưởng đào coin”. Năm 2014, công ty Bitmain ra đời, đánh dấu một trong những nhà sản xuất máy đào và pool đào Bitcoin đầu tiên. 

Tính đến 2021, Bitmain là hãng máy đào lớn nhất thế giới và cung cấp mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC) cho hàng loạt công ty khác. Tuy nhiên, công ty này đã ngừng bán thiết bị từ tháng 6/2021 dưới tác động của chính phủ Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, những dàn “trâu cày” tinh vi hoạt động suốt ngày đêm trong các nhà kho được thông gió đặc biệt là hình ảnh quen thuộc ở vùng Tứ Xuyên và phía Bắc Nội Mông. Khu vực Nội Mông được nhiều chủ xưởng đào ưa chuộng bởi lợi thế địa bàn gần các mỏ khai thác than, đập thủy điện, giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn điện giá rẻ.

coin98
Các thiết bị đào coin đòi hỏi nguồn điện năng lớn. 

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2018, 74% nguồn cung Bitcoin thế giới đến từ Trung Quốc. Xuyên suốt năm 2020, Trung Quốc tiếp tục thực hiện phần lớn hoạt động đào Bitcoin với tỷ lệ hash rate trung bình hàng tháng khoảng 67%. 

Tháng 5/2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc siết chặt lệnh cấm khai thác Bitcoin, buộc nhiều công ty và trại đào coin lớn rời khỏi “miền đất hứa” này. Hoạt động khai thác crypto bắt đầu giảm dần vào tháng 10 xuống còn 55% hoạt động toàn cầu từ mức 70%. 

Tháng 7/2021, Bishijie, cộng đồng trực tuyến dành cho nhà đầu tư tiền mã hóa của Trung Quốc, đã đóng cửa trang web và ứng dụng của mình ở Trung Quốc đại lục. Đồng thời, sàn BTCChina cũng ngừng hoàn toàn dịch vụ liên quan đến crypto.

Dưới lệnh “khai tử” ngành đào coin của chính quyền, nhiều thợ đào Bitcoin quyết định “di cư” đến Texas, Nam Dakota và Canada. Lúc này, Mỹ lần đầu thành công vươn lên thành trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới. Theo Fred Thiel, chuyên gia thuộc công ty đào coin Marathon Digital, khoảng 500,000 dàn máy đào Bitcoin từng ở Trung Quốc đã di chuyển đến Mỹ.

Trader Trung Quốc “phá xích”

Tháng 10/2022, Trung Quốc đại lục vẫn là thị trường tiền mã hóa có khối lượng giao dịch lớn nhất Đông Á và đứng thứ 4 toàn thế giới. Bất chấp sự đàn áp của chính quyền đối với hoạt động giao dịch và đào coin, đất nước tỷ dân vẫn là một trong những thị trường top đầu.

Theo dữ liệu Chainalysis, quốc gia này đã giao dịch hơn 220 tỷ USD trong tháng 6/2021-tháng 7/2022, vượt qua Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng số giao dịch ở Trung Quốc đại lục đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo nhận định sự suy giảm của Trung Quốc có khả năng đã kéo mức tăng trưởng giao dịch hàng năm của vùng Đông Á xuống 4%, mức chậm nhất trên toàn thế giới.

coin98
Bên trong một xưởng đào coin bí mật ở Nội Mông. Nguồn: Fortune.

Zennon Kapron, nhà sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, cho hay doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã sử dụng VPN để vượt tường lửa để đào coin. "Hoạt động đào Bitcoin chắc chắn vẫn tiếp diễn dù quy mô nhỏ hơn trước”, Kapron cho hay.

Báo cáo của Chainalysis cho thấy Trung Quốc đại lục xếp thứ 10 về hoạt động tiền mã hóa, tăng 3 bậc sau một năm có lệnh cấm. Hong Kong và Macau, 2 khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc là thị trường lớn thứ 5 và thứ 7 của Đông Á. 

Tóm lại, các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc vẫn không thể cản bước nhà giao dịch và công ty crypto. Song vượt tường lửa suy cho cùng vẫn là hành vi bất hợp pháp và tồn đọng nhiều hạn chế. Do đó, việc Hong Kong quyết định thúc đẩy hoạt động crypto là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng Trung Quốc khi họ có thêm cánh cửa trung gian để công khai tham gia vào các hoạt động tiền mã hóa.

CBDC sẽ mở đường cho Bitcoin?

Nhiều người kỳ vọng Hong Kong sẽ trở thành điểm thử nghiệm các luật mới về crypto để Trung Quốc sẵn sàng áp dụng khi mở cửa trở lại. Nếu điều đó thành hiện thực, crypto chắc chắn sẽ có một cú pump lớn dưới ảnh hưởng của thị trường lớn nhất một thời.

Tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 632 tỷ nhân dân tệ (92 tỷ USD) để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid 19, giảm chi phí vay ngân hàng và gia tăng thanh khoản trên thị trường. Ngay lập tức, hàng loạt dự án Trung Quốc như Neo, Conflux và Flamingo đã tăng hơn 20%.

Thời điểm Trung Quốc ban hành lệnh cấm crypto, không ít người cho rằng nguyên nhân là để tập trung đẩy mạnh e-CNY hay nhân dân tệ kỹ thuật số. Và Trung Quốc đã thực sự tận dụng hiệu quả khoảng thời gian 2 năm qua để phát triển e-CNY.

coin98
Mã QR dành cho ứng dụng thanh toán e-CNY hiện diện khắp đường phố Trung Quốc. Nguồn: Business Insider.

Dưới sự hậu thuẫn của chính phủ, e-CNY phủ sóng trong nhiều ứng dụng như thanh toán tiện ích, trả phí giao thông, thanh toán dịch vụ chính phủ, mua sắm…​​ Nhằm khuyến khích người dân sử dụng CBDC, các thành phố lớn như Thâm Quyến, Hùng An và Quảng Châu từng phát miễn phí hàng trăm triệu e-CNY trong năm 2022 và 2023. 

Mới đây, chính quyền thành phố Thường Thục thông báo sẽ trả lương dưới dạng e-CNY cho bác sĩ, giáo viên và nhà báo. Trước đó, thành phố thuộc tỉnh Giang Tô cũng đã thúc đẩy thanh toán CBDC cho giao thông công cộng, chi phí y tế, cửa hàng tạp hóa, phí gas và nước. Ngoài Thường Thục, Thái Thương là thành phố đầu tiên áp dụng trả lương bằng e-CNY.

Với tốc độ phát triển chóng mặt, e-CNY hoàn toàn có tiềm năng trở thành hình thức thanh toán chính của Trung Quốc. Nhưng điều này không đồng nghĩa Bitcoin sẽ mất chỗ đứng ở nền kinh tế hàng đầu thế giới. Khi e-CNY đã đủ quan trọng trong đời sống người dân Trung Quốc, chính quyền có khả năng mở con đường trở lại cho Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác.

Lúc này, Bitcoin và e-CNY có thể là cặp giao dịch phổ biến nhất trên thị trường. Sự sôi nổi của thị trường Trung Quốc sẽ kéo hoạt động giao dịch và dòng tiền luân chuyển vào Bitcoin tăng mạnh trên toàn cầu. 

coin98
ATM Bitcoin đầu tiên của Trung Quốc được đặt tại Thượng Hải năm 2014.

Trung Quốc không phải là không có lý do để hợp pháp hóa tiền mã hóa. Trước hết, họ cần có thêm công cụ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, xu hướng đã được chính quyền nước này thiết lập từ đầu những năm 2010. Nếu thay thế phần lớn lượng tiền giấy lưu hành, chi phí duy trì nguồn cung tiền mặt sẽ giảm và giúp Trung Quốc cải thiện 0.5% GDP.

Ngoài ra, Bitcoin có thể là công cụ cho phép Trung Quốc mở rộng thanh toán bằng nhân dân tệ ra quốc tế. Tháng 3 vừa qua, nhân dân tệ đã lần đầu vượt USD trở thành đồng tiền được nước này dùng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới. 

Theo Cục Quản lý Ngoại tệ Nhà nước Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48% trong tháng 3. Chris Leung, nhà kinh tế tại ngân hàng DBS nhận định quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ đang được đẩy mạnh khi các quốc gia khác tìm kiếm loại tiền tệ thay thế USD để đa dạng hóa rủi ro.  

“Sự uy tín của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng không còn tốt như trước”, Leung nói thêm.

Với mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của đồng USD, tạo ra đồng tiền mới đã nằm trong kế hoạch của Trung Quốc và các nước đồng minh. Cuối tháng 3, liên minh BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi tiết lộ đang cùng phát triển loại tiền hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số. Những thông tin liên minh cung cấp bước đầu cho thấy họ có thể đang nhắm đến một stablecoin được hỗ trợ bằng vàng và các nguyên tố đất hiếm.

Ngay cả khi chính quyền đại lục tiếp tục cấm tiền mã hóa, họ vẫn có thể là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Hong Kong. Như Interlock đưa tin, Trung Quốc đã hậu thuẫn cho nhiều ngân hàng lâu đời như Bank of Communications và Pudong Development Bank đầu tư vào crypto. Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan tiết lộ hơn 80 công ty tài sản ảo (VA) trên khắp Trung Quốc và các quốc gia khác đã xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh ở khu vực này.

Theo Bloomberg, CEO giấu tên của một ngân hàng lớn của Trung Quốc ở Hong Kong khẳng định Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho tiền mã hóa và mang đến cơ hội khám phá thị trường cho các doanh nghiệp ở đại lục. 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính dòng vốn rời khỏi Trung Quốc vào crypto vào năm 2019-2020 đạt khoảng 50 tỷ USD. Thị trường tiền mã hoá có thể hưởng nguồn vốn gần bằng hoặc tương đương thông qua cánh cửa trung gian Hong Kong.

Đọc thêm: Tiền mã hóa sẽ giúp Trung Quốc soán ngôi thống trị của USD?

RELEVANT SERIES