SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Toàn cảnh cú sập Silicon Valley Bank

Cộng đồng crypto tuần qua chứng kiến sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn có quan hệ mật thiết với nhiều công ty tiền mã hoá. Trong đó, Silicon Valley Bank (SVB) đóng cửa là tin tức gây sốc với cả giới tài chính lẫn các dự án startup công nghệ.
Avatar
uyntran.web3
Published Mar 13 2023
Updated Mar 14 2023
9 min read
thumbnail

Theo CNBC, SVB là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ đóng cửa kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Các cơ quan quản lý hàng đầu ở Mỹ và Anh đã phải lên kế hoạch khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nhà đầu tư mạo hiểm và người dùng bị kẹt tiền trên ngân hàng.

Vậy ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ đã sụp đổ như thế nào? Sau đây là cái nhìn hệ thống dành cho bạn đọc Interlock. 

2022: Rủi ro từ đầu tư dài hạn 

SVB nhìn chung phát triển mạnh trong thời kỳ lãi suất thấp. Tuy nhiên, rủi ro của ngân hàng bắt đầu xuất hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất. 

Năm 2021, SVB nhận được số lượng lớn tiền gửi từ các công ty đầu tư mạo hiểm và startup công nghệ. Với lượng tiền tăng trưởng mạnh, SVB tập trung mua trái phiếu dài hạn. Ngân hàng nắm giữ 90 tỷ USD trái phiếu trước thời điểm khủng hoảng.

coin98
Bảng cân đối kế toán của SVB. Nguồn: All-In Podcast.

Khi FED tăng lãi suất, SVB lao đao vì dùng các khoản vay ngắn hạn tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn. Công ty không kịp rút tiền đầu tư về để chi trả cho khoản vay, dẫn đến nợ tăng cao.

8/3: Huy động 2 tỷ USD

Khi SVB báo cáo tài chính quý IV/2022, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Service lưu ý ngân hàng có thể bị hạ mức đánh giá tín nhiệm do có nhiều khoản lỗ chưa xác thực. Tuy nhiên, giới phân tích Wall Street lúc bấy giờ vẫn cho rằng bảng cân đối kế toán của SVB đủ mạnh.

Ngày 8/3, SVB bất ngờ thông báo bán lỗ hơn 2 tỷ USD tài sản đầu tư để củng cố bảng cân đối kế toán. SVB đã cố huy động 1.25 tỷ USD thông qua cổ phiếu phổ thông, 500 triệu USD cổ phiếu phổ thông cho công ty General Atlantic và 500 triệu USD từ cổ phiếu ưu đãi khả hoán.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Coatue Management, Union Square Ventures và Peter Thiel's Founders Fund bắt đầu hạn chế tiếp xúc với ngân hàng. Điều này khiến khách hàng rơi vào tâm lý hoang mang và bắt đầu ồ ạt rút tiền. Cuối ngày, khoảng 42 tỷ USD đã bị rút khỏi nền tảng.

9/3: Cổ phiếu lao dốc 60%

Cổ phiếu SVB giảm mạnh từ khoảng 265 USD xuống gần 80 USD chỉ trong thời gian ngắn. Greg Becker, CEO SVB kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh và cam kết “đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu của tất cả người dùng”. Ông đề nghị nhà đầu tư không nên đồng loạt rút tiền để tránh làm tình hình “tồi tệ hơn”.

Lời trấn an của ngân hàng không xoa dịu được người dùng. Nhà đầu tư đã đổ xô bán tháo cổ phiếu ngân hàng, kéo theo cổ phiếu 4 ngân hàng lớn nhất Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citigroup cùng lao dốc trong phiên 9/3. Mã SVB cũng bị tạm ngừng giao dịch.

10/3: Bị chính quyền đóng cửa

SVB thừa nhận nỗ lực huy động 2 tỷ USD đã thất bại và quyết định đàm phán bán lại công ty. Ngân hàng tiết lộ một số tổ chức tài chính đã ngỏ ý mua lại SVB nhưng không nói rõ tên. Trong lúc đó, giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm thêm 60%.

coin98
Cổ phiếu SVB lao dốc nặng nề. Nguồn: TradingView.

Khoảng 2h sau, Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đóng cửa SVB nhưng không đưa ra lý do cụ thể. Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sau đó được chỉ định quản lý các khoản tiền được bảo hiểm của công ty. Tuy nhiên, FDIC chỉ đảm bảo tối đa 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền. 

Bank of England, ngân hàng trung ương Anh tuyên bố SVB UK sẽ “ngừng thanh toán hoặc nhận tiền gửi” để thực hiện thủ tục phá sản ngân hàng. Riêng FDIC lên kế hoạch chi trả 95% tiền gửi không được bảo hiểm cho người dùng Mỹ. 50% trong số đó dự kiến được thanh toán trong tuần tới.

11/3: USDC mất peg 

Sáng 11/3, Circle xác nhận có 3.3 tỷ USD mắc kẹt trên SVB. Đồng thời, công ty trấn an Circle và USDC sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong khi làm rõ ảnh hưởng của FDIC đối với SVB. Tuy nhiên, tâm lý hoang mang đã khiến USDC giảm hơn 10%, có lúc chạm mức thấp kỷ lục 0.87 USD. 

USDC mất peg đã gây ra hiệu ứng domino lên một số stablecoin trên thị trường. DAI, USDD và FRAX đã đồng loạt rơi xuống dưới mốc 0.95 USD. Trong khi một số cá voi bán tháo USDC, nhiều nhà đầu tư tìm cách bắt đáy và kiếm lợi từ vụ depeg. 

Nỗi lo sợ lan rộng ra toàn thị trường khi Curve Finance ghi nhận giao dịch phá kỷ lục 7 tỷ USD trong ngày. MakerDAO, nhà phát hành DAI cũng đưa ra đề xuất khẩn cấp để giảm thiểu rủi ro 3.1 tỷ USD với USDC. Các nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều tổ chức ngỏ ý sẵn sàng tiếp tục hợp tác với SVB nếu ngân hàng được mua lại và tái cấp vốn.

12/3: Mỹ ra tay “giúp đỡ”

Theo Bloomberg, FDIC đã tiến hành quy trình đấu giá SVB vào đêm 11/3 và kết thúc lúc 14h ngày 12/3 (giờ địa phương). Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiết lộ đang chuẩn bị “hành động cụ thể”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố tập trung vào nhu cầu của người gửi tiền và sẽ không bảo lãnh cho ngân hàng. 

Trong khi đó, FED công bố chương trình tài trợ có kỳ hạn ngân hàng (BTFP) trị giá 25 tỷ USD, cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng và tổ chức đủ điều kiện khác nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng thanh khoản.

Các cơ quan quản lý liên bang Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch FED Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg khẳng định người dùng sẽ có quyền truy cập vào tiền gửi vào 13/3 và “không phải chịu bất kỳ tổn thất nào”

13/3: Những tia sáng đầu tiên

Như Interlock đưa tin, ngân hàng HSBC mua lại Silicon Valley Bank UK Limited với giá 1 GBP (1.21 USD). Tài sản và nợ phải trả thuộc công ty mẹ của SVB UK sẽ không được tính vào thoả thuận. Sau khi thương vụ hoàn tất, khách hàng SVB UK có thể tiếp tục giao dịch như bình thường thông qua hệ thống HSBC.

Cùng lúc đó, Circle công bố đối tác ngân hàng mới là Cross River Bank. Circle thông báo sẽ nối lại hoạt động thanh khoản cho USDC và đảm bảo an toàn cho nguồn dự trữ stablecoin này. Hiện USDC đã hồi lại tỷ giá 1:1 với đồng USD.

Ảnh hưởng về sau

Phần lớn các tổ chức bị ảnh hưởng từ SVB là các quỹ đầu tư và startup công nghệ. Một số công ty tiền mã hoá đã tiết lộ có hợp tác với ngân hàng và đưa ra phương án khắc phục. Như Interlock đưa tin, Avalanche cho biết có 1.6 triệu USD trong SVB. Ngoài ra, các dự án như Yuga Labs, Proof và Nova Labs xác nhận bị kẹt tiền gửi trên ngân hàng nhưng không tiết lộ số tiền cụ thể. 

Giới phân tích cho rằng rủi ro lan rộng đến nay không quá lớn. Jens Hagendorff, giáo sư tài chính tại King's College London nhận định SVB là trường hợp cá biệt và hệ thống ngân hàng vẫn ổn định. Mike Mayo, nhà phân tích của Wells Fargo cũng tin rằng khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ không tái diễn. Tối 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hệ thống ngân hàng Mỹ hiện an toàn và cam kết bảo vệ tiền gửi cho người dùng.

Cùng lúc đó, chính quyền Mỹ đóng cửa Signature, một trong 3 ngân hàng lớn tại cung cấp dịch vụ crypto tại nước này. Lý do được nhà quản lý đưa ra là để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền và ngăn ngừa "rủi ro hệ thống". Tuy nhiên, họ không nêu rõ những rủi ro đó là gì. Theo Barney Frank, thành viên hội đồng quản trị Signature, chính quyền đóng cửa ngân hàng để "chống lại crypto".

Đọc thêm: Khách hàng sắp lấy lại tiền gửi tại Silicon Valley Bank.

RELEVANT SERIES