Trung Quốc triệt phá đường dây đổi ngoại tệ trái phép bằng crypto
Theo bài đăng trên Wechat của SAFE, cảnh sát kinh tế thành phố Thanh Đảo đã xác định được hơn 1,000 tài khoản ngân hàng trải dài khắp 17 tỉnh có thể dính líu tới các giao dịch tiền mã hóa bí mật nói trên. Đáng chú ý, tất cả tài khoản trên thuộc về nghi phạm tên Jin.
Theo đó, phía cảnh sát nghi ngờ Jin đã thực hiện hơn 20 triệu giao dịch ngân hàng ngầm trị giá hơn 15.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.2 tỷ USD).
Ngân hàng ngầm là thuật ngữ xuất hiện vào năm 2007 để chỉ các dịch vụ tài chính được cung cấp ngoài hệ thống ngân hàng chính thức.
Khác với hệ thống ngân hàng truyền thống vốn chịu sự điều phối của Nhà nước, các tổ chức tài chính dạng ngân hàng ngầm có thể giúp người dân cho vay tiền và thu đổi ngoại thối dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các khoản vay đó không được đảm bảo như các khoản vay của ngân hàng chính thức.
Xu Xiao, thanh tra tại SAFE chi nhánh Thanh Đảo cho biết đối tượng trên mua tiền mã hóa ở Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Sau đó, nghi phạm sẽ bán tài sản trên thông qua các sàn giao dịch nước ngoài để đổi lấy ngoại tệ mong muốn.
Theo thanh tra, hành vi trên vi phạm quy định của Trung Quốc. Trong đó, việc mua bán ngoại tệ chỉ được thực hiện tại các địa điểm do Nhà nước chỉ định. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên tham gia các hoạt động giao dịch bất hợp pháp này, cho dù tỷ giá hấp dẫn hay thuận tiện đến đâu.
Ông Huang Hui, Phó Cục trưởng Phòng Quản lý Kiểm tra thuộc SAFE khẳng định cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước khác để triệt phá các hoạt động trao đổi ngoại tệ bất hợp pháp.
Tin tức trên được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan tiền tệ Trung Quốc đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi để kích thích tiêu dùng. Theo Arthur Hayes - nhà sáng lập sàn BitMEX, động thái trên sẽ có lợi cho Bitcoin và thị trường crypto nói chung.
Hayes đã giải thích cách dòng tiền từ Trung Quốc có thể thúc đẩy Bitcoin. Trái ngược với chính sách kích cầu nhân dân tệ của Trung Quốc, Mỹ lại làm suy yếu đồng USD bằng cách tăng phát hành tín phiếu kho bạc. Trong suốt tháng 11, chỉ số sức mạnh của USD (DXY) đã liên tục suy giảm.
Hayes lập luận rằng đồng USD suy yếu giúp chính quyền Trung Quốc có nhiều không gian hơn để in thêm tiền trong nước mà không giảm sức mạnh của nhân dân tệ. Theo Hayes, động lực này có thể hỗ trợ giá Bitcoin cũng như các tài sản rủi ro khác.
Bên cạnh đó, Hong Kong có thể trở thành cầu nối đưa dòng vốn từ Trung Quốc vào các tài sản rủi ro. Hiện Hong Kong đã cấp phép cho một số sàn giao dịch cung cấp dịch vụ Bitcoin và Ethereum.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng từng có sức ảnh hưởng lớn đến Bitcoin. Nhiều công ty đào coin hàng đầu thế giới như Bitmain hay HashCow đều xuất thân từ đất nước tỷ dân. Năm 2020, khi cặp giao dịch BTC/CNY còn tồn tại ở Trung Quốc, người dùng nước này chiếm áp đảo khối lượng giao dịch spot toàn cầu.
Đọc thêm: Giá Metis tăng 50% sau đợt công bố quỹ 360 triệu USD