SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Vui buồn của crypto 2023

Năm 2023 khép lại với hàng loạt sự kiện lớn. Nhiều tin tức có tác động tích cực đến thị trường crypto trong tương lai.
Avatar
tranhtnn
Published Feb 09 2024
Updated Feb 09 2024
23 min read
thumbnail

Trong năm 2023, thị trường crypto phục hồi đáng kể. Bitcoin tăng hơn 172%, dòng tiền đổ vào BTC, ETH và stablecoin. Theo Paul Brody - nhà lãnh đạo blockchain toàn cầu tại EY, việc đưa những kẻ xấu ra trước công lý là thành tựu lớn của ngành crypto năm 2023. 

Bước sang năm mới 2024, hãy cùng Interlock nhìn lại những sự kiện đáng nhớ nhất trong năm qua.

tháng 1

Cameron Winklevoss, đồng sáng lập Gemini, đã gửi tối hậu thư yêu cầu Digital Currency Group trả lại 900 triệu USD cho 340,000 người dùng Gemini. 

Bức thư được đăng trên Twitter ngày 2/1/2023. Cameron Winklevoss cáo buộc Barry Silbert, người đứng đầu Digital Currency Group (DCG) “cố tình câu giờ” để không trả lại tiền. Đồng thời, Winklevoss đề nghị Silbert đưa ra lý do tại sao người dùng Gemini Earn vẫn chưa thể truy cập vào hơn 900 triệu USD tiền gửi của họ.

Winklevoss cho biết Gemini đã nhiều lần cố hợp tác với Silbert và DCG nhưng không có tiến triển. Theo Winklevoss, Gemini đã liên hệ với Silbert vào ngày 2/12, gửi đề xuất vào ngày 17/12 và một đề xuất khác vào ngày 25/12. Tuy nhiên, Silbert lại luôn “trốn sau lưng luật sư và nhân viên ngân hàng” mỗi khi Gemini đề nghị Silbert trình diện.

"Trong 6 tuần qua, chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để hợp tác với các ông một cách thiện chí. Chúng tôi muốn đạt được một giải pháp chung để các ông trả lại 900 triệu USD mà vẫn duy trì hoạt động kinh doanh của mình".
Cameron Winklevoss, đồng sáng lập Gemini

Tranh cãi giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh Gemini cùng hai nhà sáng lập bị kiện tập thể do không đăng ký các sản phẩm sinh lãi dưới dạng chứng khoán. Nguyên đơn cho rằng các sản phẩm lẽ ra phải được đăng ký dưới dạng chứng khoán để nhà đầu tư có thể đánh giá rủi ro tốt hơn. 

Giữa tháng 11, Gemini đã bất ngờ dừng tính năng rút tiền và cắt lãi của nhà đầu tư do bị kẹt 900 triệu USD tiền gửi của người dùng trên Genesis. Chương trình Gemini Earn cho phép khách hàng vay tài sản mã hóa. Tuy nhiên, chương trình đã bị đóng băng từ giữa tháng 11/2022 sau khi FTX sụp đổ và DCG rơi vào khủng hoảng thanh khoản. 

tháng 3

Sự sụp đổ của các dự án lớn như LUNA, Three Arrows Capital, FTX cùng khủng hoảng ngân hàng đã khiến các chính sách của Mỹ càng trở nên nghiêm ngặt hơn.

Ngày 8/3, Silvergate Bank bất ngờ thông báo ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý tài sản. Ngân hàng đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi FTX, khách hàng lớn nhất nộp đơn xin phá sản hồi tháng 11/2022. Theo báo cáo quý IV của Silvergate, ngân hàng đã lỗ ròng 1 tỷ USD và bị nhà đầu tư rút hơn 8 tỷ USD.

Như vậy, có khả năng việc công ty có mức độ tiếp xúc cao với FTX đã phần nào ảnh hưởng niềm tin của người dùng và gây ra vụ bank run. Tuy nhiên, không ít người chỉ ra vấn đề lớn nhất của Silvergate là không đa dạng hóa danh mục đầu tư và không có đủ tiền mặt. Trong khi nắm giữ 13.3 tỷ USD, lượng tiền mặt trong dự trữ của Silvergate chỉ vỏn vẹn 1.4 tỷ USD.

Những nhà lập pháp có “ác cảm” với crypto như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren dường như không nghĩ vậy. “Là ngân hàng cung cấp dịch vụ cho crypto, sự sụp đổ của Silvergate đáng thất vọng nhưng có thể đoán trước được”, bà viết trên trang Twitter cá nhân, đồng thời kêu gọi cơ quan quản lý tăng cường ngăn chặn rủi ro của tiền mã hoá. 

Vài ngày sau, chính quyền Mỹ tiếp tục đóng cửa Signature Bank. Điều này khiến các nhà quản lý càng bị nghi ngờ lợi dụng khủng hoảng ngân hàng để siết chặt ngành. Signature có danh mục tiền gửi đa dạng, không có khoản vay thế chấp bằng crypto và được Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đánh giá an toàn với xếp loại Well Capitalized (hiệu quả vốn tốt). 

Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) khẳng định việc đóng cửa Signature không liên quan đến tiền mã hoá. Họ khẳng định “khủng hoảng niềm tin” vào ban lãnh đạo đã khiến NYDFS đưa ra quyết định trên để bảo toàn tiền của nhà đầu tư. Cựu Hạ nghị sĩ Barney Frank, hiện là thành viên hội đồng quản trị Signature chỉ trích các nhà quản lý đã gửi thông điệp “chống crypto” thông qua ngân hàng. 

Sau đó, Reuters đưa tin FDIC yêu cầu bất kỳ doanh nghiệp nào mua lại Signature cũng phải từ bỏ hoạt động kinh doanh tiền mã hoá. Cơ quan này sau đó đã bác bỏ bài báo. Tuy nhiên, khi ngân hàng Flagstar Bank mua lại Signature, họ chỉ được tiếp quản các khoản tiền gửi không liên quan đến crypto (khoảng 38.4 tỷ USD) và một số khoản vay trị giá 12.9 tỷ USD. Chỉ những khách hàng đã mở tài khoản ngân hàng kỹ thuật số mới được FDIC chuyển lại số tài sản này.

tháng 5

Tháng 5/2023, tổng vốn hóa token BRC-20 đã tăng hơn 600% và gần chạm mốc 1 tỷ USD. Ở thời điểm đó, BRC-20 hiện có mức vốn hóa khoảng 985.6 triệu USD với 14,200 mã token được mint trên blockchain Bitcoin. 

Đặc biệt, một số memecoin dựa trên chuẩn token BRC như PEPE đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng trăm phần trăm trong tuần qua, đồng thời thúc đẩy số lượt giao dịch. Dữ liệu Galaxy Research cho thấy 50% giao dịch Bitcoin trong ngày 2/5 đều liên quan đến token BRC-20

btc trans
Giao dịch BRC-20 áp đảo trên Bitcoin. Nguồn: Dune Analytics.

Số lượng giao dịch trên Bitcoin tăng vọt đã đẩy phí gas tăng cao và khiến số giao dịch chờ xác nhận bị quá tải. Đồng thời, sàn Binance đã phải tạm ngừng tính năng rút tiền trên mạng Bitcoin 2 lần trong ngày 7/5 và 8/5 giữa lúc nhu cầu sử dụng mạng lưới tăng mạnh. Điều này cho thấy sự chú ý dành cho BRC-20 đang lên cao bất chấp thị trường sideways và tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

BRC-20 là gì?

Ngày 8/3, chuẩn token BRC-20 được tạo ra bởi người dùng Twitter @domodata. Cái tên BRC-20 được lấy cảm hứng từ chuẩn token ERC-20 trên blockchain Ethereum, song không có khả năng tương thích với EVM như các token ERC-20. Theo @domodata, BRC-20 sử dụng dữ liệu JSON để tạo, mint và chuyển token P2P.

Với BRC-20, bất kỳ ai cũng có thể tạo được token của riêng mình. Đây là điều khiến nhiều nhà phát triển và nhà đầu tư để mắt đến chuẩn token này. Không giống như ERC-20, BRC-20 không sử dụng hợp đồng thông minh để tiết kiệm năng lượng và hoạt động thông qua giao thức Ordinals trên Bitcoin. 

Ordinals cho phép ghi các loại dữ liệu đa dạng như văn bản, hình ảnh và âm thanh. Hiểu một cách đơn giản, BRC-20 giống như một tệp ghi lại dữ liệu dưới dạng văn bản trên Ordinals. Bất kỳ người dùng bình thường nào cũng có khả năng mint và giao dịch token BRC-20, miễn là có ví Bitcoin. 

Người dùng hiện có thể lưu trữ token BRC-20 trên Unisat, ứng dụng ví phổ biến nhất dành cho BRC-20. Do BRC-20 vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có nhiều ứng dụng ví tương thích với loại token này.

tháng 6

Ở tuần thứ hai tháng 6, cả thị trường crypto chuyển biến xấu vì SEC kiện Binance và Coinbase, đặc biệt là token các dự án bị SEC coi là chứng khoán. Vốn hoá thị trường bốc hơi 85 tỷ USD. Bitcoin giảm gần 5% về dưới 26,000 USD. Phần lớn các altcoin đều có mức giảm từ 15-25%.

SEC kiện Binance

Tối ngày 5/6, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa đệ đơn kiện Binance Holdings Ltd. và CEO CZ tội vi phạm quy định chứng khoán của Mỹ.

Hồ sơ tòa án quận Columbia cho thấy Binance bị cáo buộc phớt lờ luật chứng khoán liên bang và khiến các nhà đầu tư chịu rủi ro. SEC tuyên bố Binance đã không đăng ký hoạt động với cơ quan và hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ. Các quan chức cho rằng sàn giao dịch đã kiếm được hàng tỷ USD bằng cách thu hút các nhà đầu tư Mỹ mua, bán và giao dịch trái phép trên nền tảng của mình. 

Trong đơn kiện, SEC nhận định hàng loạt tài sản đang được cung cấp trên Binance là chứng khoán. Những tài sản đó bao gồm BNB, BUSD, SOL, ADA, MATIC, FIL, ATOM, SAND, MANA, ALGO, AXS và COTI. 

Theo SEC, Binance phải đối mặt với 13 tội danh, trong đó có triển khai trái phép các dịch vụ BNB Vault, Simple Earn và staking. Ngoài ra, cơ quan cũng nộp đơn kiện chống lại BAM Trading và BAM Management, công ty Binance bắt tay hợp tác vào tháng 6/2019 để ra mắt Binance US.

SEC kiện Coinbase

Ngày 6/6, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) tiếp tục kiện sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase. Tương tự với Binance, SEC đã tố cáo Coinbase vi phạm luật chứng khoán. SEC cáo buộc nền tảng đã cung cấp dịch vụ giao dịch các "mã chứng khoán" như SOL, ADA, MATIC, FIL, SAND, AXS, CHZ, FLOW, ICP, NEAR, VGX, DASH, and NEXO.

Tất cả token trên đều được có mặt trên Coinbase Prime và Coinbase Wallet. Đồng thời, SEC chỉ ra lịch sử các đồng coin này và tại sao cơ quan này xem chúng là chứng khoán.

Theo bản cáo trạng của SEC, Coinbase đã hoạt động đồng thời như nhà môi giới, đại lý thanh toán và sàn giao dịch mà không đăng ký với cơ quan này. Nền tảng đã thu hút người dùng, xử lý vị thế và đóng vai trò trung gian cùng một lúc. Vụ kiện nhắm đến công ty Coinbase, Inc và Coinbase Global, Inc nhưng không nhắc đến nhà sáng lập Brian Armstrong và các nhân viên cấp cao khác.

"Nền tảng Coinbase đã hợp nhất ba tính năng đáng lý ra nên tách biệt trong thị trường chứng khoán truyền thống, gồm nhà mô giới, sàn giao dịch và đại lý thanh toán. Trước đó, Coinbase chưa bao giờ đăng ký với SEC với vai trò nhà mô giới và sàn giao dịch chứng khoán cũng như đại lý thanh toán. Từ đó, nền tảng này đã trốn tránh nhiệm vụ công khai thông tin mà Quốc hội đã đặt ra cho thị trường chứng khoán", theo bản cáo trạng của SEC. 

tháng 7

Multichain sụp đổ vì nhà sáng lập bị bắt

Giữa tháng 7, đội ngũ Multichain xác nhận tin đồn CEO Zhaojun đã bị bắt giữ bởi cảnh sát Trung Quốc. Theo đó, dự án đã thông báo dừng hoạt động và khuyên người dùng hủy cấp quyền các ví đã từng tương tác với dự án.

Dự án cho biết cảnh sát Trung Quốc đã tịch thu toàn bộ máy tính, điện thoại, ví cứng và mã passphrase của CEO. Trong khi dự án được vận hành bởi MPC (multi-party computation), máy chủ được quản lý bởi tài khoản điện toán đám mây của Zhaojun. 

Đồng thời, tất cả tài sản của dự án và nhà đầu tư dưới sự quản lý của Zhaojun đã được chuyển giao cho cảnh sát Trung Quốc. 

Ngày 4/7, đội ngũ kỹ sư từ Multichain đã cố gắng khắc phục sự cố kỹ thuật sau khi truy cập lịch sử trên máy tính ở nhà Zhaojun. 

Ngày 7/7, tài sản bất ngờ được chuyển khỏi mạng lưới. Thông tin từ nền tảng điện toán đám mây cho thấy hoạt động này được thực hiện bởi địa chỉ IP thuộc em gái của CEO. Sau 2 ngày, cô ấy đã chuyển 220 triệu USD tài sản  gồm stablecoin và ETH đến các ví mới của cô ấy. 

Ngày 13/7, cảnh sát Trung Quốc bắt em gái Zhao từ đó để ngỏ tình trạng tài sản trong tài khoản của cô ấy. 

Do sự thiếu hụt về thông tin và kinh phí hoạt động, đội ngũ buộc phải dừng hoạt động. Multichain giải thích việc che dấu thông tin Zhaojun bị bắt trong vài tuần qua do liên quan đến luật pháp địa phương. 

Ripple thắng kiện SEC

Tối 13/7, thẩm phán Tòa án Quận phía Nam New York phán quyết hoạt động bán token XRP của Ripple không đáp ứng đầy đủ định nghĩa về chào bán chứng khoán. Đây có thể coi là bước ngoặt của dự án trong cuộc chiến pháp lý với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) nhưng chưa phải là chiến thắng hoàn toàn.

SEC vẫn có thể kháng cáo quyết định của tòa án. Bên cạnh đó, Ripple và ban lãnh đạo không chắc chắn được miễn trừ khỏi các án dân sự. Theo Thẩm phán Analisa Torres, bồi thẩm đoàn cần xem xét liệu CEO Brad Garlinghouse và Chủ tịch Điều hành Chris Larsen có bị buộc tội bán chứng khoán bất hợp pháp cho các nhà đầu tư tổ chức hay không.

Dù phán quyết không xác định Ripple và các giám đốc thoát tội vi phạm luật chứng khoán, nhiều chuyên gia pháp lý vẫn coi đây là chiến thắng cho cả Ripple và toàn ngành công nghiệp crypto. Stephen Palley, Trưởng bộ phận thương mại kỹ thuật số tại công ty luật Brown Rudnick cho hay tòa đã có kết luận hợp lý về hoạt động bán token thứ cấp của XRP.

Điều đó có thể có mang lại tác động lớn cho thị trường thứ cấp, nơi diễn ra hầu hết giao dịch tiền mã hóa. Ngoài ra, quan điểm của tòa cũng củng cố các lập luận của ngành trong các vụ tố tụng khác, điển hình là các vụ kiện của SEC chống lại Binance, Coinbase và hàng loạt công ty. 

Gary DeWaal, Cố vấn Cấp cao tại công ty luật Katten cho biết đây là chiến thắng lớn cho ngành công nghiệp và là tổn thất lớn cho SEC. “Khi cho rằng việc bán token theo chương trình không phải là hợp đồng đầu tư, thẩm phán đang khẳng định các giao dịch thứ cấp trong tài sản mã hóa không phải là chứng khoán", DeWaal chia sẻ.

Đồng tình với DeWaal, Teresa Goody Guillén, đối tác tại công ty luật BakerHostetler cho biết hầu hết tổ chức phát hành tài sản mã hóa đã quyết định dàn xếp với SEC để tránh rắc rối tại tòa án. Một khi tòa phán quyết giao dịch tài sản mã hóa có thể không phải là chứng khoán trong một số trường hợp, điều này có thể tiếp thêm sức mạnh cho họ.

tháng 11

Ninety Eight giới thiệu bộ công cụ đơn giản hóa cách tiếp cận blockchain

Ngày 1/11, bên cạnh việc đổi mới thương hiệu, startup công nghệ tại Việt Nam đã giới thiệu bộ sản phẩm với mục tiêu giảm đi rào cản đến với Web3 cho người dùng bao gồm: Zen Card, Viction, OneID và Ramper Wallet. Cả 4 sản phẩm đều đưa ra các giải pháp đơn giản hơn để bắt đầu và sử dụng blockchain cho người mới. 

Ramper Wallet - giải pháp key less

Ninety Eight đã ra mắt Ramper Wallet, cho phép người dùng tạo ví thông qua các tài khoản Web2 quen thuộc như Facebook, Google… Từ đây, người dùng sẽ không phải nhớ địa chỉ ví và passphrase khi sử dụng công nghệ blockchain.  

“Ramper Wallet có thể xem là bản lite của Coin98 Super Wallet”.
Nguyễn Thế Vinh - CEO Ninety Eight

Bên cạnh đó, Ramper Wallet cũng lược bỏ một số tính năng ở Coin98 Super Wallet để đảm bảo người mới có trải nghiệm liền mạch và dễ dàng nhất. Ông Vinh giải thích rằng Ramper Wallet cho phép người dùng có thể chuyển tài sản cho bạn bè, người thân thông qua email. Người dùng có thể nhận token sau khi tạo địa chỉ ví bằng email của họ. 

Viction - giải pháp zero gas

Viction là tên mới của TomoChain, blockchain layer 1 tương thích với Ethereum đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, Ninety Eight đã đầu tư và tiếp nhận phát triển TomoChain vào tháng 5 năm 2023. 

Đối với Viction, đội ngũ dự án xem đây là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái blockchain có thể giải quyết các vấn đề về trải nghiệm của người dùng. Nếu như Ramper Wallet xử lý vấn đề quản lý key, Viction sẽ loại bỏ vấn đề về gas. 

Từ nền tảng trước đó của TomoChain, Viction cung cấp một blockchain Zero Gas giúp người mới có thể thoải mái hoạt động trên không gian Web3 mà không cần quan tâm đến việc có đồng TOMO hay không. Hơn nữa, giải pháp này sẽ được áp dụng cho cả giao dịch giữa tài khoản lẫn tương tác với hợp động thông minh. Từ đó giúp người dùng dễ dàng tham gia vào các hoạt động trong thị trường DeFi. 

Zen Card - Thế hệ wallet tiếp theo

Bên cạnh phần mềm, Zen Card là sản phẩm đánh dấu bước chân của Ninety Eight vào lĩnh vực phần cứng. Theo ông Vinh, Zen Card là thế hệ ví tiếp theo kết hợp giữa ví nóng (hot wallet) như Coin98 Super Wallet, Metamask… và ví lạnh (hardware wallet) như Ledger, Trezor. Zen Card khắc phục các khuyết điểm đồng thời thừa hưởng sự tiện lợi lẫn bảo mật của cả hai loại ví trên. 

zen card

Theo đó, công nghệ mới cho phép phân tách private key thành hai phần. Mỗi phần sẽ được mã hóa rồi lưu trữ ở Zen Card và ứng dụng Coin98 Super Wallet. Để có thể sử dụng ví, người dùng cần hai thiết bị tiếp xúc với nhau. Điều này giúp bảo vệ tài sản người dùng trong các trường hợp mất thẻ hoặc lạc điện thoại. Đặc biệt, sau khi mất một trong hai thiết bị, người dùng vẫn có thể khôi phục được địa chỉ ví thông qua passphrase được lưu từ trước.

OneID - giải quyết vấn đề định danh on-chain 

Cuối cùng, OneID là ứng dụng cung cấp định danh trên blockchain đồng thời giải quyết các vấn đề tồn động ở các dự án domain name service khác như Ethereum Name Service hay SpaceID…

OneID được giới thiệu là định danh phi tập trung (DID - Decentralized Identity Domain) “đầu tiên” (First one) và “một cho tất cả” (OneID for everything). Cụ thể, OneID được phát triển theo hướng multi-chain cho phép người dùng có thể sử dụng chúng đại diện cho địa chỉ ví của mình trong tất cả các mạng lưới mà Coin98 Super Wallet hỗ trợ. 

Hiện tại, OneID đang hỗ trợ nhiều đuôi khác nhau như .c98, .crypto, .blockchain, .buidl, .atm… Đặc biệt, dự án đang miễn phí đăng ký một năm cho tên .c98 với chiều dài trên 6 ký tự. 

CZ chấp nhận bỏ vị trí CEO Binance

Giám đốc điều hành sàn giao dịch Binance đã nhận tội vi phạm các quy định chống rửa tiền của Mỹ và lên kế hoạch từ chức. Đây là thỏa thuận nhằm đảm bảo cơ hội tiếp tục hoạt động của công ty. 

Changpeng Zhao sẽ trình diện và thú tội trong phiên tòa ngày hôm nay (22/11) ở Seattle. Công ty Binance cũng nhận tội và đóng phạt 4.3 tỷ USD nhằm giải quyết các cáo buộc dân sự do cơ quan quản lý đưa ra. 

Thỏa thuận này sẽ chấm dứt cuộc điều tra kéo dài nhắm vào Binance. Theo đó, Binance được CZ thành lập vào năm 2017 và trở thành sàn giao dịch lớn nhất thị trường tiền mã hóa. Trong đó, CZ sẽ giữ lại phần lớn quyền sở hữu Binance nhưng anh sẽ không thể nắm giữ vị trí điều hành của công ty. Đồng thời, CZ sẽ phải đối mặt với bản án vào ngày hôm sau. 

Kết quả này giống với vụ án trước của sàn giao dịch phái sinh BitMEX. Theo đó, Arthur Hayes đã nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền và rời bỏ vị trí giám đốc điều hành. Sau đó, ông bị kết án 2 năm quản chế để tránh án tù 6 đến 12 tháng. 

Tuy nhiên, thỏa thuận trên không liên quan đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Cơ quan đã kiện Binance và CEO vào tháng 6, cáo buộc họ vi phạm luật bảo vệ nhà đầu tư.

Ngoài ra, một thỏa thuận khác sẽ giải quyết vụ kiện của Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) vào Binance và CZ hồi đầu năm 2023. 4.3 tỷ mà Binance trả cũng bao gồm số tiền giải quyết yêu cầu bồi thường của CFTC. 

CFTC tuyên bố Binance không có chương trình ngăn chặn và phát hiện hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền. Đồng thời, sàn giao dịch đã cấp quyền cho người Mỹ tiếp cận công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai mà không đăng ký. 

CZ cư trú tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và đã hạn chế đi lại trong năm nay. Dù quốc gia này và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ, 2 nước đã ký hiệp ước chia sẻ thực thi pháp luật. 

tháng 12

Binance đã ngừng hỗ trợ BUSD vào ngày 15/12. Đầu năm 2023, nhà phát hành Paxos đã bị giới chức Mỹ lệnh ngừng mint stablecoin này.

Đến tháng 8, Binance xác nhận họ đã lên kế hoạch “loại bỏ dần” stablecoin BUSD vào tháng 2/2024. Thời điểm đó, sàn đã khuyến khích người dùng chuyển đổi BUSD thành stablecoin FDUSD. Đồng thời, sàn cũng miễn phí gas cho các cặp giao dịch có FDUSD. 

“Paxos đã tuyên bố rằng Paxos vẫn sẽ cho phép đổi BUSD thành tiền pháp định ít nhất đến tháng 2/2024”, Binance viết trên trang blog dự án.

Tuy nhiên, Binance đã dừng tính năng rút BUSD vào ngày 31/12. Mọi số dư BUSD trên nền tảng sẽ được tự động chuyển đổi thành FDUSD. 

Tháng 2/2023, Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) đã yêu cầu Paxos ngừng phát hành BUSD. Ngay sau đó, Binance đã bị Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) kiện với cáo buộc cung cấp sản phẩm phái sinh tiền mã hóa chưa đăng ký tại Mỹ cùng nhiều tội danh khác.

Trong suốt năm 2023, các nhà chức trách Mỹ đã liên tục “đàn áp” các tổ chức tiền mã hóa. Ngày 21/11, Binance đã đồng ý trả 4.3 tỷ USD tiền phạt và thừa nhận vi phạm luật chống rửa tiền. CZ, nhà sáng lập Binance cũng quyết định rời ghế CEO  sau khi nhận tội cố ý vi phạm Đạo luật Bảo mật Ngân hàng.

crypto uptrend

Ngày 11/1, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) thông báo đã phê duyệt 11 đơn đăng ký quỹ spot Bitcoin ETF trên website. Thông tin từ tài liệu cho biết đơn đăng ký spot Bitcoin ETF của Bitwise, Grayscale, Hashdex, BlackRock, Valkyrie, BZX, Invesco, VanEck, WisdomTree, Fidelity và Franklin đã được thông qua.

Đây là sự kiện quan trọng đối với thị trường crypto trong năm 2024. Theo đó, Bitwise dự đoán thị trường spot Bitcoin ETF sẽ đạt khoảng 72 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. 

Bên cạnh đó, sự kiện Bitcoin halving tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2024, và điều này có thể thúc đẩy giá của Bitcoin lên cao hơn. 

Với hai sự kiện quan trọng là spot ETF Bitcoin được phê duyệt và Bitcoin halving, giá BTC dự kiến sẽ được đẩy lên mức 100,000 USD. Con số này cap hơn 45% so với mức ATH là 69,000 USD (vào tháng 11/2021). 

Theo Antoni Trenchev, đồng sáng lập Nexo, Bitcoin sẽ lập ATH mới vào năm 2025. Tuy nhiên, Trenchev tin rằng con đường đến 100,000 USD của Bitcoin còn có những biến động lớn.

Anthony Scaramucci, nhà sáng lập SkyBridge Capital, cũng lạc quan hơn khi dự báo rằng giá Bitcoin vào cuối năm 2024 sẽ đạt mức 140,000 USD.

RELEVANT SERIES