Itmeans: 10 năm Bitcoin ETF tìm chỗ đứng ở Mỹ
Bitcoin ETF là nhóm tài sản theo dõi giá trị Bitcoin trên các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống. Thông qua ETF, người mua có thể đầu tư vào Bitcoin dù không thực sự sở hữu chúng và không cần quan tâm đến vấn đề lưu trữ on-chain. Khi giá trị Bitcoin tăng, giá cổ phiếu ETF sẽ tăng và ngược lại.
Thị trường hiện có 2 loại Bitcoin ETF chính là futures Bitcoin ETF và spot Bitcoin ETF. Futures Bitcoin ETF theo dõi các hợp đồng tương lai thông qua thị trường futures thay vì giá trị thực của Bitcoin. Do đó, giá các futures ETF sẽ không giống với mức giá đang được giao dịch của Bitcoin trên thị trường.
Trong khi đó, với spot Bitcoin ETF, công ty quản lý quỹ sẽ mua Bitcoin. Nhà đầu tư có thể tham gia bằng cách mua cổ phần trong ETF đại diện cho quyền sở hữu Bitcoin. Giá trị của các quỹ Bitcoin ETF này sẽ theo sát giá trị Bitcoin được giao dịch trên thị trường.
Hy vọng nhen nhóm
Năm 2013, Cameron và Tyler Winklevoss, 2 đồng sáng lập sàn Gemini, dự định bán 20 triệu cổ phiếu Winklevoss Bitcoin Shares. Mỗi cổ phiếu đại diện cho một phần nhỏ của Bitcoin và được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Bitcoin và blockchain lúc bấy giờ vẫn còn là khái niệm khá mới trên thế giới, không riêng gì Bitcoin ETF.
Khi đưa tin về sáng kiến của Winklevoss, hầu hết kênh truyền thông đều đề cập đến rủi ro của tài sản mã hóa. Tất nhiên, SEC đã bác bỏ đơn đăng ký của Winklevoss với lý do tương tự.
Không bỏ cuộc, đến 2018, Winklevoss tiếp tục đăng ký quỹ spot Bitcoin ETF và bị từ chối. Trong đề xuất liên quan đến Winklevoss Bitcoin Trust, sàn Cboe lập luận rằng thị trường Bitcoin đã đủ khả năng chống lại nguy cơ thao túng, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của người dùng với Bitcoin ETF.
"Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư Mỹ nên có quyền tiếp cận các sản phẩm được quản lý trên thị trường chứng khoán và được bảo vệ bởi luật chứng khoán", Chris Concannon, Chủ tịch Cboe.
SEC không nghĩ vậy. Cơ quan không tin rằng Cboe có thể giám sát hoạt động hay danh tính của những người giao dịch Bitcoin để ngăn chặn tình trạng gian lận trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan viện dẫn các vụ hack sàn giao dịch Bitcoin và nghiên cứu cho thấy Bitcoin đã bị “thổi” giá tăng mạnh vào 2017.
Cùng năm 2018, nhiều tổ chức khác cũng nộp đơn đăng ký Bitcoin ETF. Hunter Horsley, CEO Bitwise Asset Management, đã đệ trình đề xuất ETF lên SEC vào tháng 6. Ngoài ra, VanEck và Wilshire Phoenix cũng trình bày sản phẩm Bitcoin ETF của mình lên SEC.
Một tháng sau, cộng đồng lan truyền tin đồn ETF của VanEck sắp được phê duyệt vào tháng 8. Giá Bitcoin lúc này đã tăng 20% lên mức 8,000 USD.
Hồ sơ mới cho quỹ Bitcoin ETF bắt đầu vãn dần sau khi SEC liên tục từ chối quỹ Bitcoin. Trải dài từ các tổ chức như ProShares, GraniteShares and Direxion, SEC đã bác bỏ tổng cộng 9 quỹ Bitcoin trong năm 2018. Toàn bộ hồ sơ đều được phản hồi với lý do y hệt nhau: sàn giao dịch không đáp ứng được yêu cầu của SEC để ngăn chặn hành vi gian lận và thao túng.
Nhưng giấc mơ về quỹ Bitcoin ETF được niêm yết tại Mỹ chưa bao giờ tắt. Sau 2 năm im hơi lặng tiếng, số đơn đăng ký Bitcoin ETF lại tăng vọt vào năm 2021 khi Gary Gensler thay thế Jay Clayton làm chủ tịch SEC.
Bitcoin ETF đầu tiên
Từ 2020, nhà giao dịch đã bắt đầu lạc quan loại sản phẩm này sẽ sớm được chấp thuận ở Mỹ khi có thông tin Jay Clayton chuẩn bị rời SEC. Dưới sự giám sát của Clayton, tất cả đề xuất Bitcoin ETF đã bị từ chối. Tỷ phú Mike Novogratz, CEO Galaxy Digital lúc bấy giờ tuyên bố: "Jay Clayton rời khỏi SEC sẽ giúp Bitcoin ETF trở nên khả thi hơn. Hy vọng người kế nhiệm ông ấy sẽ là người có tầm nhìn".
Với chính sách khắc nghiệt của Clayton trước đó, bất kỳ ai thế chỗ ông cũng đều khiến nhà giao dịch lạc quan. Tháng 12, VanEck nộp lại đề xuất Bitcoin ETF, đánh dấu hồ sơ liên quan đến Bitcoin đầu tiên sau khi Clayton từ chức.
Đầu năm sau, Valkyrie nộp đơn đăng ký mới cho Valkyrie Bitcoin Fund được niêm yết trên NYSE. Tháng 2/2021, NYDIG xin phê duyệt Bitcoin ETF, kéo giá đồng coin đạt đỉnh 50,000 USD lần đầu tiên.
Gary Gensler thậm chí từng thể hiện sự cởi mở với các quỹ Bitcoin ETF trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen.
Trong 2 tuần sau bài phát biểu của ông, hàng chục hồ sơ futures ETF Bitcoin đã xuất hiện. Ngày 19/10/2021, thời khắc các nhà đầu tư ETF chờ đợi cuối cùng đã đến: quỹ Bitcoin ETF đầu tiên được niêm yết tại Mỹ.
Suốt một tuần trước đó, những kỳ vọng về việc niêm yết Bitcoin ETF đã đẩy giá đồng coin này tăng mạnh. Bitcoin đã tăng giá hơn 10% trong vòng 7 ngày và giao dịch ở mức trên 61,000 USD. Và như mong đợi, quỹ đã có khởi đầu thành công. ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO) đã tích lũy 1 tỷ USD tài sản chỉ trong 2 ngày, nhanh hơn bất kỳ ETF nào trong lịch sử tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu bởi BITO đã ra đời ở thời điểm không thể nào bất lợi hơn. Chỉ 3 tuần sau khi BITO được giao dịch, Bitcoin đạt đỉnh 69,000 USD rồi bắt đầu chuỗi ngày giảm giá mạnh 76%. Đến tháng 12, Bitcoin mất giá đều đặn hàng trăm USD mỗi giờ, có thời điểm xuống ngưỡng 42,000 USD. Từ mức cao 1.4 tỷ USD, tài sản của BITO đã giảm xuống chỉ còn 500 triệu USD.
Mặt khác, các nhà đầu tư và tổ chức phát hành ETF vẫn tiếp tục chờ đợi một spot Bitcoin ETF. Quỹ futures Bitcoin ETF đầu tiên được dự đoán là sản phẩm có thể thu về 10 tỷ USD trở lên, song BITO hiện có ít hơn 1 tỷ USD tài sản và không có quỹ futures Bitcoin ETF nào khác sau đó có hơn 30 triệu USD.
Cú lội ngược dòng
Tiếp nối 2021, năm 2023 lại là khoảng thời gian sôi động của Bitcoin ETF. Ngày 10/5, công ty quản lý tài sản Grayscale trình lên SEC đơn đăng ký 3 quỹ ETF gồm Grayscale Ethereum Futures ETF, Grayscale Global Bitcoin Composite ETF và Grayscale Privacy ETF. Ngày 15/6, cộng đồng xôn xao tin đồn gã khổng lồ tài chính BlackRock bước vào thị trường tiền mã hóa thông qua ETF.
Không dừng lại ở đó, công ty giao dịch Arch Public dự đoán ông lớn tài chính truyền thống Fidelity sẽ mua lại Grayscale hoặc nộp đơn đăng ký Bitcoin ETF để cạnh tranh với BlackRock. Fidelity và BlackRock đang lần lượt quản lý gần 4,500 tỷ USD và 9,500 tỷ USD của các nhà đầu tư toàn cầu.
Không lâu sau, tin đồn thành sự thật. BlackRock xác nhận sẽ sử dụng dịch vụ lưu ký của Coinbase cho quỹ ETF và cập nhất số liệu từ thị trường spot của sàn giao dịch. Đồng thời, Fidelity chính thức tiến vào đường đua Bitcoin ETF với quỹ Wise Origin Bitcoin Trust.
Chỉ trong tháng 6, đã có đến 8 công ty truyền thống lẫn trong crypto đệ trình Bitcoin ETF của mình lên SEC. Ngoài BlackRock và Fidelity, những cái tên nổi bật khác bao gồm Valkyrie, WisdomTree và Investco. Trong đó, Valkyrie là một "tay lão luyện" trong mảng futures Bitcoin ETF khi đã ghi danh futures Bitcoin ETF thứ 2 ở Mỹ với Valkyrie Bitcoin Strategy ETF (BTF).
Các hồ sơ spot Bitcoin ETF đang chờ SEC xét duyệt bao gồm:
Grayscale Bitcoin Trust
Ark/21 Shares Bitcoin Trust
Bitwise Bitcoin ETF Trust
BlackRock Bitcoin ETF Trust
VanEck Bitcoin Trust
WisdomTree Bitcoin Trust
Valkyrie Bitcoin Fund
Invesco Galaxy Bitcoin ETF
Fidelity Wise Origin Bitcoin Trust
Cái tên BlackRock đã thúc đẩy Bitcoin tăng vọt 11% lên 30,000 USD, mức cao nhất kể từ tháng 4. Không chỉ vậy, Ethereum và các top altcoin khác cũng tăng 4-7% theo hiệu ứng Bitcoin ETF. Xuyên suốt tháng 6, dữ liệu Google Trends cho thấy tìm kiếm về Bitcoin tăng kỷ lục. Ngày 22/6, từ khóa Bitcoin đã đạt được số điểm tuyệt đối 100, vài ngày sau khi Blackrock nộp hồ sơ Bitcoin ETF.
Trên khắp các mặt báo, tiêu đề về Bitcoin ETF liên tục xuất hiện. Kể từ 2021, có lẽ chưa bao giờ sự quan tâm lại đổ dồn về sản phẩm tài chính này như vậy. Không chỉ người dùng, chuyên gia từ nhiều dự án cũng đưa ra dự đoán khác nhau về Bitcoin ETF.
Grayscale, quỹ quản lý tài sản mã hóa lớn nhất thế giới, tin rằng SEC nên phê duyệt tất cả quỹ spot Bitcoin ETT để đảm bảo công bằng với các dự án. Bản thân Grayscale đã nộp đơn yêu cầu chuyển đổi GBTC thành quỹ ETF từ tháng 10/2021 nhưng bị SEC bác bỏ. Tháng 8 năm nay, tòa án phúc thẩm liên bang đã yêu cầu SEC xem xét đề xuất của Grayscale, đánh dấu chiến thắng đầu tiên của công ty.
Sau khi Grayscale thắng kiện, nhà phân tích của Bloomberg đã nâng tỷ lệ spot Bitcoin ETF được phê duyệt trong 2023 lên 75%. Khả năng sản phẩm này ra mắt vào năm 2024 thậm chí được đánh giá là 95%. “Phán quyết mới đây đã khiến SEC có ít cơ hội hơn để từ chối", nhà phân tích Eric Balchunas cho biết.
Mới đây, ngân hàng đầu tư JPMorgan cũng dự đoán 90% SEC sẽ chấp nhận spot Bitcoin ETF trước ngày 10/1/2024. James Seyffart, nhà phân tích ETF tại Bloomberg Intelligence có quan điểm tương tự.
Ngay cả Jay Clayton, “bóng ma” một thời của Bitcoin ETF cũng tin rằng SEC khó có thể từ chối mô hình đầu tư này. Ở những ngày đầu Bitcoin hoạt động, hầu hết nhà quản lý Mỹ coi dự án là tổ chức nước ngoài, không có vai trò gì trong hệ thống tài chính Mỹ. Chính Clayton cũng hoài nghi về thị trường Bitcoin do lo ngại về hoạt động "giao dịch ma" (wash trading) và thao túng thị trường.
Nhưng giờ đây, cựu Chủ tịch SEC thừa nhận Bitcoin và ngành crypto đã có bước tiến xa. Việc ngày càng nhiều công ty nổi tiếng tìm tới Bitcoin cho thấy niềm tin của họ vào Bitcoin đang tăng cao.
Niềm tin này một lần nữa được kiểm chứng sau sự kiện ngày 16/10. Như Interlock đưa tin, Bitcoin đã tăng vọt lên 30,000 USD chỉ trong vài phút sau khi xuất hiện thông tin quỹ iShares của BlackRock được phê duyệt. Dù không hề trích dẫn nguồn tin hay bất kỳ bằng chứng nào, dòng tweet của Cointelegraph vẫn đủ sức làm rung chuyển toàn thị trường.
Theo dữ liệu Coinglass, 72 triệu USD vị thế short và 31 triệu USD vị thế long đã bị thanh lý khi Bitcoin chạm ngưỡng 30,000 USD rồi nhanh chóng quay đầu giảm về 27,000 USD.
Tin đồn của Cointelegraph có thể sai nhưng sự lạc quan của nhà đầu tư vào Bitcoin ETF là thật. Ngày 20/10, Bitcoin liên tục tăng mạnh khi nhiều chuyên gia đưa ra đánh giá tích cực về ETF tiền mã hóa. Đồng coin tăng trưởng hơn 6% lên mốc 30,200 USD, mức cao nhất trong khoảng 2 tháng qua.
Bitcoin ETF có thực sự đáng trông đợi?
Nếu chỉ tin đồn đã gây hiệu ứng như vậy, liệu ảnh hưởng thực sự của Bitcoin ETF lên thị trường sẽ lớn đến mức nào? Đây chính là trăn trở của nhiều chuyên gia, người dùng lẫn nhà quản lý. Đầu tiên, Bitcoin ETF sẽ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư tổ chức và cả những người còn e ngại với thị trường crypto.
Khối lượng tài sản khổng lồ của những ông lớn như Fidelity và BlackRock sẽ là một sự bảo chứng cho các quỹ này. Ngoài ra, thay vì mua Bitcoin trên các sàn tiền mã hóa, việc giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ mang lại cho họ cảm giác quen thuộc hơn. Bitcoin sẽ tiến vào Wall Street với các “cổ phiếu” Bitcoin được giao dịch bên cạnh cổ phiếu Tesla, vàng, trái phiếu và mọi loại tài sản truyền thống khác.
Để phát hành spot ETF, BlackRock buộc phải “gom hàng” và lưu trữ Bitcoin. Theo nhà phân tích CryptoQuant, dòng tiền từ các quỹ spot ETF sẽ lớn hơn đáng kể so với số tiền đã rót vào Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) trong mùa bullrun trước. Cùng với phổ cập cho công chúng, CryptoQuant tổng vốn hóa thị trường crypto sẽ tăng thêm 1,000 tỷ USD, đồng thời vốn hóa Bitcoin có thể chạm mốc 900 tỷ USD.
Với một số chuyên gia, họ mong đợi Bitcoin ETF có thể tác động đến Bitcoin như các quỹ ETF vàng 20 năm trước. Năm 2003, quỹ ETF vàng đầu tiên do ETF Securities phát triển chính thức ra mắt. Sau khi ra mắt, quỹ ETF vàng đầu tiên đạt hơn 1 tỷ USD tài sản trong 3 ngày.
Jennifer Murphy, Founder công ty quản lý tài sản Runa Digital, tuyên bố đây là "mức tăng nhanh nhất từ trước đến nay, một kỷ lục mà quỹ đã giữ được trong 18 năm. Giá vàng đã bùng nổ và duy trì tăng giá nhiều năm. 4 năm sau, giá vàng đã tăng gấp đôi.
Quỹ ETF duy nhất đạt con số đó trong thời gian ngắn hơn là ProShares Bitcoin Futures ETF vào năm 2021.
Một trong những lý do lớn nhất giúp ETF vàng phổ biến chính là nhà đầu tư có thể mua vàng trên sàn dễ như mua cổ phiếu. Trước khi ETF vàng đầu tiên xuất hiện, họ chỉ có thể mua đồng xu vàng hoặc vàng thỏi nhưng phải chịu phí cất giữ và mua lại.
Ngoài điểm chung về tính tiện lợi, Lark Davis, YouTuber về crypto nổi tiếng, đặt ra bài toán về cung-cầu. Việc phát hành Bitcoin ETF sẽ làm tăng nhu cầu khi cho nhà đầu tư giải pháp đầu tư vào Bitcoin mà không cần thực sự sở hữu đồng coin. Giống như vàng năm 2004, nhu cầu gia tăng và nguồn cung hạn chế của Bitcoin có thể khiến giá tăng, thu về 20 tỷ-30 tỷ USD cho Bitcoin.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là phỏng đoán. Dù có những điểm tương đồng giữa quỹ đạo năm 2004 của vàng và tương lai tiềm năng của Bitcoin, chỉ có thời gian mới thực sự trả lời.