Đồng crypto được Gen Z Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất
News1 Korea đã phân tích dữ liệu đầu tư của sàn giao dịch tiền mã hóa Bithumb từ nửa đầu năm 2023. Thu thập dữ liệu từ 6 triệu người dùng Bithumb, tờ báo phát hiện nhà đầu tư ở độ tuổi 20 có xu hướng đầu tư tích cực hơn các nhóm tuổi khác. Đồng thời, giới trẻ Hàn Quốc dường như chuộng đầu tư vào altcoin hơn, đặc biệt là Ripple.
Các nhà đầu tư Gen Z có tỷ lệ đầu tư vào altcoin cao hơn so với Bitcoin và Ethereum. Theo khảo sát, 82.5% nhà đầu tư trẻ tuổi đã mua altcoin, ngoại trừ ETH. XRP được các nhà đầu tư Gen Z lựa chọn nhiều nhất, chiếm 20.7% danh mục đầu tư tài sản mã hóa.
Mặt khác, nghiên cứu cho thấy nhóm tuổi có tỷ lệ đầu tư Bitcoin và Ethereum cao nhất là nhà đầu tư ở độ tuổi 30. Nhóm tuổi tiếp theo có tỷ lệ đầu tư cao vào Bitcoin và Ethereum là người từ 60 trở lên (23%). Tiếp theo là những người ở độ tuổi 50 (22.2%), những người ở độ tuổi 40 (21.7%).
2 loại tiền mã hóa này được phân loại trong nghiên cứu là khoản đầu tư "dài hạn" và "ổn định" do tính biến động giá tương đối thấp.
Bên cạnh đó, báo cáo ngày 4/8 từ sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử Bitget cho thấy Gen Z chiếm gần một nửa số copy trader. Copy trade (sao chép giao dịch) là công cụ giúp người dùng sao chép cách giao dịch của một nhà đầu tư khác thực hiện, thường là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Điều này cho thấy nhà đầu tư trẻ, thiếu kinh nghiệm ở Hàn Quốc quan tâm đến hoạt động đầu tư. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để kiếm lợi nhuận.
Kim Dong-hwan, CEO của dự án crypto Wonderframe nhận xét rằng nhà đầu tư ở độ tuổi 20 thường "nhắm vào lợi nhuận ngắn hạn hơn là đầu tư dài hạn". Họ cũng quan tâm đến những token dự kiến có biến động giá lớn.
Ngoài Ripple, các nhà đầu tư trẻ cũng đầu tư nhiều vào altcoin ít người biết như Pelaz (5.8%) và Mines of Dalania (3%). Pellaz được niêm yết trên Bithumb vào ngày 31/3, với vốn hóa thị trường chỉ 2.6 tỷ won (1.9 triệu USD). Niêm yết vào ngày 27/1, vốn hóa thị trường của Mines of Dania Coin là 43.9 tỷ won (33 triệu USD).
Báo cáo trên đưa ra khi Ripple tiếp tục đối mặt với những vụ kiện từ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Kể từ 2020, SEC đã đệ đơn kiện Ripple mở bán số token trị giá khoảng 1.3 tỷ USD nhưng không đăng ký dịch vụ chứng khoán.
Vụ kiện kéo dài 3 năm đã tiêu tốn nhiều chi phí pháp lý của công ty và ảnh hưởng đáng kể đến giá Ripple. Ngay sau đơn kiện của SEC được công bố, XRP đã lập tức lao dốc 30%. Ngày 13/7, Ripple đã có chiến thắng đầu tiên khi Tòa án Quận phía Nam New York phán quyết hoạt động bán XRP của Ripple không phải là chào bán chứng khoán trong một số trường hợp. Một tháng sau, SEC đã quyết định kháng cáo, cho thấy rủi ro pháp lý xung quanh XRP vẫn chưa chấm dứt.
Đọc thêm: người dùng Multichain truy tìm danh tính đội ngũ phát triển