Đông Phạm: "Spot Bitcoin ETF là thứ tôi không thể tưởng tượng được"
Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, từng kiếm được hàng tỷ USD từ việc am hiểu chu kỳ thị trường. Trong năm 2008, tỷ phú này chi mạnh tay để mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ trong lúc thị trường vẫn còn đang hoảng loạn sau sự sụp đổ của gã khổng lồ Lehman Brothers. Chỉ một năm sau đó, thị trường hồi phục và lợi nhuận ông thu về lên đến 8 tỷ USD.
Không chỉ ông, các doanh nhân khác như John Paulson, Jamie Dimon, Ben Bernanke… cũng thành công nhờ vào chiến lược tương tự, đầu tư theo chu kỳ thị trường. “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi” chính là bí quyết cốt lõi trong chiến lược trên. Nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Nhà đầu tư thường bị lạc lối trong đám đông và quên đi mục tiêu ban đầu mà mình đến với thị trường.
Để có thể hiểu rõ hơn về bản chất của thị trường, Interlock đã có một buổi trò chuyện với ông Đông Phạm, nhà đầu tư lão luyện từng trải qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế tài chính năm 2017. Với kiến thức sâu rộng về kinh tế tài chính cũng như nền tảng phân tích kỹ thuật vững chắc, ông Đông đã đoán đúng thời điểm tạo đáy của 2 chu kỳ thị trường tiền mã hóa từ đó đưa ra những quyết định đầu tư hiệu quả.
Anh là người đầu tiên nhắc đến chu kỳ của thị trường crypto kể từ năm 2018. Đó có phải là một nét riêng của anh không?
- Không. Bất cứ thị trường nào đều biến động theo chu kỳ. Điều này đã có từ rất lâu về trước.
Kể từ thị trường chứng khoán hình thành tại Mỹ, các nhà kinh tế học đã xác định những chu kỳ kinh tế kéo dài từ 7 đến 11 năm. Rõ ràng, hiện tượng này đã xuất hiện cả trăm năm nay. Không chỉ thị trường chứng khoán, bất cứ thị trường nào cũng lặp lại các giai đoạn suy thoái, phục hồi và tăng trưởng.
Đối với Việt Nam, tôi đã chứng kiến vòng lặp tương tự trong thị trường bất động sản và chứng khoán. Điều này thể hiện rõ qua 3 chu kỳ gần như giống nhau ở thị trường nhà đất kể từ khi Luật Đất đai được thành lập. Mỗi thời kỳ đều trải qua 2 giai đoạn từ giá nhà đất tăng chóng mặt, hay còn gọi là “sốt đất” đến lao dốc, đôi khi là “nổ bong bóng” nếu trước đó thị trường tăng trưởng quá nhanh.
Nhiều người không tin vào giả thuyết về chu kỳ, những điều xảy ra ở quá khứ không thể lặp lại ở tương lai. Một phần vì những điều kiện trong quá khứ không còn đúng trong thị trường hiện tại và các vấn đề có thể được giải quyết nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy, phần nữa là không ai nghĩ mọi chuyện lại dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, thị trường bác bỏ quan điểm trên và lặp lại chính xác những gì đã diễn ra trong lịch sử.
Tại sao thị trường lại xuất hiện chu kỳ?
- Các tầng lớp tư bản đã tạo ra chu kỳ thị trường thông qua “công cụ” tín dụng và lạm phát để có thể lấy được nhiều giá trị hơn từ xã hội.
Thị trường kinh tế hiện đại được điều khiển bằng những yếu tố như nguồn cung tiền, tín dụng và lạm phát. Mỗi khi chu kỳ kinh tế mới diễn ra, chính phủ bắt đầu in tiền ra thị trường dẫn đến nguồn cung tiền trở nên dồi dào. Để tận dụng tốt dòng tiền, ngân hàng sẽ bắt đầu hạ lãi suất nhằm thu hút doanh nghiệp đến vay vốn để mở rộng quy mô hoạt động.
Khi dòng tiền được đưa ra thị trường, hoạt động kinh doanh được đẩy mạnh và lương của người lao động được cải thiện. Sức mua sắm cũng từ đó tăng theo và kéo giá cả của mặt hàng ngày một cao.
Hơn nữa, khi nguồn tiền trở nên dư dả, người dân bắt đầu có nhu cầu đầu tư và bỏ tiền vào các tài sản như chứng khoán, crypto, bất động sản… Đó là lúc thị trường tài chính bắt đầu sôi động trở lại. Các doanh nghiệp sẽ vay nhiều vốn hơn để đáp ứng được mức cầu của người dân, xây nhiều xí nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng hơn. Quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến một lúc các nhà quản lý nhận thấy lạm phát đã tăng quá cao và quyết định chấm dứt việc này.
Thông thường, lượng tiền được phát hành ra thị trường sẽ được quản lý dựa trên tổng sản phẩm xã hội của một đất nước. Nếu nền kinh tế phát triển 2% một năm, nhà nước sẽ in thêm 2% tiền mặt để cân đối chi tiêu. Đôi lúc để phát triển kinh tế, nhà quản lý sẽ chấp nhận đánh đổi in thêm tiền ra thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát.
Khi lạm phát trở nên không thể kiểm soát, nhà nước của quốc gia đó buộc phải dừng việc bơm tiền ra thị trường đồng thời bắt đầu quá trình siết chặt tiền tệ và tín dụng. Đó là lúc ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp cắt giảm chi phí hoạt động, người dân thắt chặt chi tiêu, giá hàng hóa giảm sút và tài sản đầu tư như chứng khoán, bất động sản, crypto bị bán tháo… Điều này sẽ tiếp diễn cho đến khi lạm phát trở về điểm xuất phát và một chu kỳ mới sẽ lại bắt đầu.
Trong những năm qua, nhiều người đã nhận thấy tính chu kỳ của thị trường. Tuy nhiên, tại sao rất ít người có thể kiếm được tiền dựa trên điều này. Là nhà đầu tư lâu năm, anh đã làm gì khi đầu tư theo chu kỳ thị trường?
- Thị trường nào cũng có chu kỳ, nhưng ít nhà đầu tư nghiên cứu và tin rằng nó sẽ lặp lại. Vì họ không tin rằng kiếm tiền lại đơn giản đến thế. Họ thích nghiên cứu những thứ cao siêu hay đi tìm những bí mật của thị trường.
Đối với anh thì anh dựa vào chu kỳ lớn để ra quyết định. Những phân tích kỹ thuật hay phân tích tin tức chỉ để tìm điểm mua, điểm bán trong một chu kỳ lớn. Đầu tư theo chu kỳ thì không quá vất vả.
Việc đầu tiên là xác định chu kỳ dựa vào thông tin kinh tế cơ bản như nguồn cung tiền, lãi suất cơ bản của các quốc gia lớn hay dựa vào chu kỳ halving bitcoin cùng dữ liệu trên chuỗi của Bitcoin. Sau đó thì tìm dự án đủ tiêu chuẩn của mình và tìm điểm mua. Tiếp theo thì mua và nắm giữ cho tới khi mình nhận ra chu kỳ đã kết thúc hoặc sắp kết thúc.
Sau khi tăng mạnh vào năm 2021, thị trường crypto đã lao dốc và trầm lắng suốt 2 năm qua. Khi nào thị trường sẽ trở lại và dấu hiệu nào giúp anh khẳng định được điều đó?
- Yếu tố ảnh hưởng chính đến chu kỳ thị trường tiền mã hóa là sự kiện halving Bitcoin. Theo đó, thị trường này sẽ bắt đầu sôi động trở lại vào năm 2024 và bùng nổ vào năm 2025.
Bitcoin được xem là biểu tượng của crypto và chiếm vốn hóa lớn nhất trong thị trường tiền mã hóa. Trong quá khứ, sau những lần Bitcoin hoàn thành halving vào năm 2012, 2016 và 2020, cả giá Bitcoin và thị trường crypto đã tăng mạnh.
Sau halving năm 2012, giá của Bitcoin đã tăng vọt từ khoảng 12 USD lên hơn 1100 USD trong một năm. Halving năm 2016 khiến giá Bitcoin tăng từ 650 USD lên gần 20,000 USD vào năm 2017. Gần đây nhất, halving năm 2020 đã diễn ra trước khi Bitcoin tăng mạnh lên gần 69,000 USD vào năm 2021.
Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hóa vẫn không thể tách rời khỏi thị trường vốn nói chung. Do đó, việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng giảm của loại tài sản này.
Tương tự như bất động sản và chứng khoán, crypto được xem như là tài sản rủi ro. Khi lạm phát tăng cao và FED bắt đầu tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động và nhà đầu tư sẽ bán bớt tài sản rủi ro như crypto để vào nơi trú ẩn như vàng và trái phiếu chính phủ. Điều ngược lại sẽ xảy ra khi FED bắt đầu hạ lãi suất.
Xét đến thị trường hiện tại, sau quá trình tăng lãi suất liên tục trong năm 2023, lạm phát đã có dấu hiệu chững lại và FED cũng bắt đầu hạ nhiệt. Trong tương lai, FED có thể còn một đợt tăng lãi suất nữa và giữ mức lãi suất này cho đến giữa năm 2024. Sau khi đạt được mục tiêu về lạm phát, FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ đó mở cửa cho thị trường xanh trở lại.
Cuối cùng chính là quỹ Bitcoin ETF có thể được phê duyệt trong năm 2024 khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) không còn lý do để từ chối hoặc trì hoãn các đơn đăng ký của các ông lớn tài chính như BlackRock.
Theo ông, việc Bitcoin ETF spot được thông qua sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến với chu kỳ sắp tới của crypto?
- Bitcoin spot ETF là điều gì đó kinh khủng mà tôi không thể dự đoán chính xác vào chu kỳ sắp tới.
Theo phân tích kỹ thuật và công cụ Fibonacci, tôi dự đoán giá Bitcoin có thể đạt ngưỡng 150,000 USD đến 180,000 USD trong chu kỳ sắp tới. Tuy nhiên, nếu Bitcoin được thông qua, tôi không thể tưởng tượng được Bitcoin sẽ đạt đỉnh ở mức nào nữa.
Trong quá khứ, vào năm 2003, vàng từng có mức vốn hóa 11,000 tỷ USD. Đến hiện tại, sau khi quỹ ETF vàng được thành lập, giá của tài sản này đã tăng 6.5 lần. Trong khi đó, tổng vốn hóa của toàn bộ thị trường crypto chỉ dừng ở mức 1 nghìn tỷ USD.
Rõ ràng quỹ ETF là cánh cửa để Bitcoin có thể tiếp cận đến dòng tiền khổng lồ. Nguyên nhân là hầu hết các nhà đầu tư truyền thống đều không trực tiếp mua hoặc bán các tài sản nào mà sẽ thông qua các quỹ ETF được phát hành bởi các ông lớn như BlackRock, Fidelity… Những quỹ này sẽ trực tiếp mua vào Bitcoin. Người muốn sở hữu Bitcoin sẽ mua cổ phiếu đại diện cho quỹ này và tổ chức sẽ thu phí quản lý hàng năm.
Do đó, để quỹ ETF được ngày càng nhiều người đón nhận, những công ty lớn sẽ có thái độ tích cực hơn với Bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung. Với sức ảnh hưởng của các ông lớn tài chính này, viễn cảnh mà Bitcoin được chấp nhận rộng rãi không còn xa.
Nếu như thị trường trở lại vào năm 2024, anh sẽ đầu tư như thế nào trong chu kỳ sắp tới?
- Có thể trước tháng 6/2024 là những cơ hội cuối cùng để xuống tiền.
Kể từ hiện tại, thị trường sẽ có những chu kỳ tăng nhỏ kéo dài một đến 2 tháng, những con sóng tăng nhanh rồi lại giảm về sideway nhưng luôn cao hơn đáy cũ. Tình trạng này sẽ kéo dài đến giữa năm 2024.
Khi các điều kiện đã hội tụ đủ, thị trường sẽ thực sự trở lại. Đến đây sẽ có 2 trường hợp, có thể thị trường sẽ tăng mạnh dần đều và kết thúc tháng 11 năm 2025, hoặc thị trường có thể bùng nổ ngay đầu chu kỳ rồi lao dốc vào cuối năm 2024 sau đó hồi phục và tăng trưởng trở lại cho đến cuối năm 2025.
Khi thị trường bắt đầu bước vào uptrend, việc các đồng token tăng 10 đến 20% một ngày là chuyện bình thường. Các nhà đầu tư cá nhân mới vào thị trường chỉ nên giao dịch trên các sàn tập trung, dù lợi nhuận ít hơn nhưng có thể tránh được không ít rủi ro và lừa đảo trong. Đặc biệt là các hoạt động mời gọi đầu tư, gọi vốn. Điều mà xảy ra rất nhiều trong chu kỳ GameFi ở chu kỳ trước.
Trong chu kỳ mới, chỉ những quỹ đầu tư có sức ảnh hưởng và nội lực mới có thể tham gia vào các vòng gọi vốn. Đơn cử như Optimism, Arbitrum, đó là những dự án vừa mạnh về tài chính vừa mạnh về công nghệ, họ không cần tiền. Do đó, chỉ những quỹ lớn như Paradigm hay a16z mới có thể tham gia. Ở Việt Nam ít có quỹ đầu tư nào có thể chen chân vào được. Do đó, hầu hết dự án gọi vốn cộng đồng đều có quy mô nhỏ, không chất lượng và thường không đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Đồng coin nào theo anh sẽ sống sót qua các chu kỳ của thị trường?
- Đó là những đồng coin nền tảng phục vụ nhu cầu cốt lõi của thị trường.
Những dự án cung cấp cơ sở hạ tầng cho ngành blockchain như Chainlink (Oracle), Filecoin (lưu trữ thông tin), Ethereum (nền tảng) và Bitcoin (biểu tượng như vàng trong thị trường tiền mã hóa). Nếu như Ethereum không còn tiếp tục phát triển thì những dự án xây dựng trên đó như Layer 2, DeFi vẫn tiếp tục hoạt động và tạo nên doanh thu cho nền tảng.
Tiếp theo là những dự án không cần quan tâm đến nguồn vốn để hoạt động. Ví như Ethereum, đến hiện tại, không ai trả lương cho Vitalik Buterin nhưng anh ấy và đồng nghiệp vẫn cống hiến cho sự phát triển của mạng lưới blockchain.
Tuy nhiên, blockchain là một thị trường biến động nên không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Do đó, để có thể tìm ra một đồng gọi là bluechip để nắm giữ trong 5 năm 10 năm là điều cực kỳ khó. Đôi lúc đồng đó tăng gấp đôi trong chu kỳ này nhưng lại giảm vài chục phần trăm sau đó.
Đọc thêm: Giám đốc Chiến lược Phaver: “SocialFi giúp thay đổi cuộc sống hàng tỷ người”