Co-founder K300 Ventures: “Kèo thơm không còn nhiều cho nhà đầu tư nhỏ lẻ”
“Nền tảng gọi vốn an toàn, bền vững và thực sự tạo ra giá trị cho chu kỳ tiếp theo của thị trường cần sự đồng hành từ cả 3 phía. Những yếu tố đó là nhà đầu tư, startup và quan trọng hơn hết là nền tảng gọi vốn”, ông Cường Trần, co-founder quỹ K300 Ventures chia sẻ với Interlock.
Trước đây, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường bắt đầu hành trình của mình trong thế giới blockchain thông qua mô hình launchpad. Đây là nền tảng gọi vốn được xây dựng trên các sàn CEX hoặc DEX, giúp các dự án crypto quảng bá và gọi vốn. Thông qua launchpad, nhà đầu tư có thể mua token của dự án trước khi những token này được niêm yết công khai.
Điều thu hút nhà đầu tư tham gia launchpad chính là kỳ vọng lợi nhuận cao. Nhiều token đã có mức giá ATH x100 hoặc x1000 lần so với giá whitelist. Tuy nhiên, đầu tư vào launchpad cũng có thể tiềm ẩn rủi ro. Sự bùng nổ của ICO năm 2017 hay IDO năm 2021 đã chứng kiến nhiều dự án lừa đảo tài sản của nhà đầu tư. Đây là bất cập khiến mô hình launchpad không còn thu hút được người đầu tư kể cả bằng lợi nhuận hấp dẫn.
Nhằm giải đáp tương lai của các nền tảng gọi vốn, Interlock đã có buổi phỏng vấn với ông Cường Trần, đồng sáng lập quỹ K300 Ventures. Tham gia thị trường crypto từ sớm, ông Cường đã quan sát các hình thức gọi vốn trong thời gian dài, đồng thời đúc kết được nhiều kinh nghiệm xương máu.
Trải nghiệm của anh với dự án gọi vốn đầu tiên như thế nào? Có đợt IDO nào khiến anh khó quên nhất không?
- Thật ra, mình không nhớ rõ lắm về nền tảng gọi vốn đầu tiên vì hồi 2021 mình tham gia rất nhiều dự án. Trong đó, mình có tham gia và hỗ trợ dự án IDO Việt Nam của một người bạn. Lúc đó, bọn mình cũng chưa định nghĩa IDO là gì.
Ban đầu, bọn mình không có nhiều kinh nghiệm nên chủ yếu chia sẻ ý tưởng cho họ và giúp marketing. Tuy nhiên, khi dự án thành công, bọn mình lại bị đẩy ra. Đến lúc dự án đi xuống, ai cũng nghĩ nền tảng đó là của bọn mình. Đó là trải nghiệm thật sự không vui vì bản thân mình cũng là nạn nhân nhưng lại bị coi như chủ dự án.
Vì vậy, K300 Ventures và TradeCoin Việt Nam sẽ không shill dự án như trước nữa. Bọn mình quyết định đánh giá khách quan hơn, dù đó là dự án của bạn bè hay đối tác thân thiết. Khi nhìn nhận một dự án, mình sẽ luôn xem xét cả điểm mạnh và điểm yếu.
Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và qua K300, anh thường nhìn vào chi tiết nào đầu tiên khi đánh giá một dự án?
- Tất nhiên, kinh nghiệm của đội ngũ dự án là quan trọng nhất. Mình sẽ xem họ đã từng làm dự án nào và có thành công hay không. Với những dự án còn non trẻ, mình đánh giá cách xử lý tình huống của họ, chẳng hạn như định hướng phát triển của họ như thế nào, có phù hợp với thị trường hiện tại hay không.
Bọn mình cũng có bộ 10 câu hỏi để phân tích những vấn đề đó. Tiêu chí thứ 2 là backer - nhà tài trợ. Mảng này này thật ra cũng khó có thể đánh giá vì bây giờ đa phần bọn mình làm việc với các dự án mới, chưa có backer. Lúc này, mình dựa vào BD để xem xét kinh nghiệm của dự án. BD đóng vai trò quan trọng nhất mỗi khi dự án trình bày ý tưởng và chiến lược cho khách hàng.
Tiếp theo, cộng đồng cũng là yếu tố chính để mình biết được nguồn lực của họ đang có gì. Trước đây, mọi người thường chỉ đổ tiền vào dự án khi họ nhìn vào whitepaper và thấy ý tưởng của dự án đó hay. Nhưng hiện tại, tất nhiên là họ phải có sản phẩm, rồi sản phẩm đó mainnet hay chưa, phản hồi của cộng đồng có tốt hay không.
Ngày xưa chỉ có gọi vốn để làm dự án, còn bây giờ phải làm dự án thì mới gọi vốn được. Nói cách khác, sản phẩm là quan trọng nhất.
Ví dụ, một dự án K300 Ventures đầu tư đã phát triển sản phẩm một năm nay rồi. Từ việc họ tập trung chạy sản phẩm, mình thấy họ đang có tiềm lực rất lớn vì chi phí phát triển sản phẩm không hề nhỏ. Chúng ta cứ ước tính tiền lương trả cho lập trình viên blockchain ít nhất cũng phải 2,000-3,000 USD trong khi một đội có tầm 5-7 lập trình viên. Dự án xác định bỏ ra chi phí đó nghĩa là họ đang làm thật, không phải như xưa.
Ngoài cần tiền, dự án còn có mục đích gì khác khi tham gia nền tảng gọi vốn?
- Thứ nhất là họ muốn chứng minh chất lượng của mình bởi vì họ đã qua vòng thẩm định của các launchpad rồi. Thứ 2 là về marketing. Nếu dự án lên được các launchpad “xịn”, tất nhiên là mức độ ảnh hưởng của họ sẽ rất lớn.
Ngoài ra, họ sẽ nhận sự ủng hộ của nhiều cộng đồng bởi hiện các launchpad đều có mạng lưới đối tác và cộng đồng trên khắp thế giới. Đây sẽ là cách quảng bá dự án vừa hiệu quả, vừa ít tốn chi phí.
Nói đến gọi vốn, các dự án không thật sự huy động được nhiều tiền mà ngược lại còn phải đánh đổi chi phí ban đầu. Chẳng hạn, dự án nếu muốn IDO trên launchpad có thể phải phải chấp nhận khóa số vốn huy động được trong vài tháng. Hoặc họ có thể bị khóa 50% số tiền và chịu tất cả chi phí khi triển khai IDO.
Theo anh thì đâu là những yếu tố làm nên một nền tảng gọi vốn tốt? Điều gì ở các nền tảng này còn khiến anh cảm thấy lo lắng?
- Mình sẽ đánh giá quy định của các nền tảng đó. Launchpad càng khắt khe, càng là launchpad tốt. Bên cạnh đó, mình sẽ phải đánh giá về quá khứ của dự án, liệu họ có từng hỗ trợ IDO thành công hay không. Thật ra, hầu như launchpad nào cũng muốn dự án trên nền tảng của mình thành công nên họ sẽ cực kỳ cẩn trọng và theo dõi gắt gao. Còn launchpad nào chỉ muốn kiếm tiền thôi thì họ sẽ mở IDO liên tục.
Nỗi sợ lớn nhất của người dùng bây giờ, nhất là người mới, có lẽ là bị nhà phát triển rug pull hoặc đợi dự án pump xong rồi nghỉ. Bây giờ tham gia launchpad giống như là trò xổ số vậy, có những đội một tháng làm vài dự án để người dùng FOMO rồi vào thôi.
Có thể nói KYC (kiểm duyệt danh tính) dự án là bước vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, KYC chỉ được thực hiện kín chứ không thông báo cho người dùng. Cuối cùng, chúng ta quay về câu chuyện cũ là launchpad phải hỗ trợ IDO thành công nhiều mới chiếm được lòng tin của cộng đồng và nhà đầu tư.
Vậy ngoài uy tín, launchpad còn trợ giúp dự án về khía cạnh nào?
- Nếu như đội ngũ được duyệt lên launchpad, trước hết họ sẽ nhận nguồn lực lớn từ các KOL và cộng đồng. Thứ 2, dự án sẽ được kiểm định (audit) bởi các bên đối tác của launchpad. Vấn đề này cũng mặt trái: nếu bạn không được bảo chứng bởi mạng lưới đối tác đó, bạn sẽ không được lên launchpad.
Chúng ta thường nghe nói về lợi ích nhóm. Một khi đã niêm yết dự án, bản chất là launchpad sẽ muốn chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn các bên liên quan.
Ngày trước, người ta hay chia sẻ danh sách cách nhận diện dự án lừa đảo. Nhưng vô tình khi mình đăng những bí quyết đó lên, các nhóm lừa đảo lại biết cách tránh đi. Vì vậy, launchpad chiếm quyền kiểm soát dự án trên nền tảng của mình cũng là biện pháp tốt bảo vệ người dùng. Điều này giúp chắc rằng startup sau khi nhận được đầu tư sẽ đi đến cùng và được hỗ trợ từ nền tảng gọi vốn.
Thông thường launchpad chỉ hỗ trợ dự án tầm 3-4 tháng đầu thôi. Nói đến thành công của dự án, cộng đồng chỉ nhìn vào giai đoạn đầu bởi vì có thể có cả trăm IDO trên launchpad. Mục tiêu của launchpad là để những người tham gia IDO đều có lãi. Nếu người dùng vào sau, launchpad sẽ không chịu trách nhiệm
Theo anh, liệu có launchpad nào đồng hành với dự án đến cuối cùng?
- Gần như là không. Họ sẽ hỗ trợ nếu dự án đó cực kỳ tốt. Một quỹ đầu tư có đội ngũ phát triển nhiều nhất 40-50 người nên không thể đủ nguồn lực hỗ trợ cả trăm dự án được.
Trước đây, Alameda Research cũng đầu tư rất nhiều nhưng sẽ rải vốn ra các dự án khác nhau và chủ yếu là cho dự án “mượn” tên thương hiệu. Tất nhiên là dự án sẽ gọi vốn dễ hơn khi họ dán logo của những quỹ lớn như Hashed hay Three Arrows Capital ngày xưa lên sản phẩm của mình.
Thị trường này thay đổi rất nhanh và chuyển động theo trend. Mùa bull trước, nhiều dự án GameFi hô hào là có sản phẩm chất lượng nhưng chỉ tồn tại 2-3 tháng rồi sập. Ngay cả khi có lợi nhuận x50 hay x100 lần, nhà đầu tư lại tiếp tục “đốt tiền” ở những game khác. Thế là ở Việt Nam có rất nhiều triệu phú từ IDO nhưng bây giờ trắng tay cũng rất nhiều. Bản chất nó như trò chơi ai chuyền bom, ai cũng tin mình sẽ không là người bị nổ tung.
Nếu để launchpad nắm quyền kiểm soát như vậy, có phải những dự án nhỏ sẽ không có cơ hội?
- Mùa trước là câu chuyện ai hay người đó kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, mùa tới, họ sẽ nhìn vào bài toán kinh tế của dự án. Và sự cạnh tranh trong thị trường khá là gắt gao. Chẳng hạn, dự án của bạn phát triển sản phẩm trong một năm, nhưng dự án khác lại có thể sao chép ngay tức khắc với quy mô lớn hơn.
Tỷ phú Ma Huateng, CEO tập đoàn công nghệ Tencent từng nói: “Tôi không cần sáng tạo tôi chỉ cần copy”. Vì vậy, chúng ta sẽ không có cơ hội cạnh tranh nếu bị những bên lớn như Google sao chép mô hình hoạt động.
[Interlock: Tencent nổi tiếng chuyên sao chép sản phẩm của người khác. Từ sản phẩm đầu tiên của công ty, họ đã sao chép lại dịch vụ nhắn tin ICQ của Israel và sửa đổi cho thích hợp với thị trường Trung Quốc.]
Bây giờ, đầu tiên là dự án phải đứng chung với những thương hiệu lớn và bản thân họ cũng phải tăng trưởng nhanh. Họ phải có kế hoạch phát triển để bạn khác biệt với mọi người. Hãy tưởng tượng một năm sau, những ông lớn Wall Street nhảy vào thị trường, họ sẽ hoàn toàn không có cửa cạnh tranh lại.
Khi thị trường uptrend, anh dự đoán các nền tảng gọi vốn sẽ như thế nào?
- Mình nghĩ ngành crypto sẽ không phát triển nhờ những nền tảng launchpad. Chúng ta đã từng nghe nhiều dự án tự xưng là Bitcoin killer, ETH killer nhưng sự chú ý của thị trường luôn đổ dồn về các top coin. Mục tiêu của các VC lớn cuối cùng vẫn là hỗ trợ cho top coin như ETH hoặc là các layer 1, layer 2.
Có lẽ chúng ta sẽ khó có được mô hình gọi vốn lạnh mạnh như trong truyền thống. Thật ra bây giờ launchpad cũng bị thoái trào rồi. Mình nghĩ IEO bây giờ vẫn là đỉnh cao nhưng ICO đã sớm chết từ đoạn nhà đầu tư chốt lời rồi.
Mô hình hiện tại là nhiều quỹ cùng bắt tay làm một dự án và liên kết với các sàn. Ví dụ, các layer 1 hay layer 2 khi chỉ mới công bố dự án thì đã gọi vốn xong rồi. Thế là nhà đầu tư cá nhân hay quỹ nhỏ không thể nào tham gia được mà chỉ có thể mua token trên sàn. Lúc đó, token có thể đã tăng hàng chục lần rồi, lợi nhuận không còn cao nữa.
Những người mới tham gia không còn đường nào khác ngoài làm bể thanh khoản cho các VC và các sàn. Nhà đầu tư nhỏ sẽ tiếp tục làm những con cá bị cuốn theo cơn sóng của những “ông lớn”.
Vấn đề là các launchpad khó thay đổi được kiểu hình “cá lớn nuốt cá bé” này. Câu chuyện vẫn là họ muốn nắm quyền kiểm soát cuối cùng để bảo vệ họ và cả dự án. Tuy nhiên, họ không thể kiểm soát từng nhà đầu tư nhỏ trong DeFi.
Vì vậy, launchpad buộc phải quay sang ràng buộc VC theo kiểu giao dịch OTC. Trong khi đó, nhà đầu tư nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường. Năm 2021, nhà đầu tư nhỏ đợi token x5 hay x10 mới chốt lời. Nhưng bây giờ chỉ cần token tăng 10% là họ đã chốt rồi.
Ví dụ, mùa trước có dự án GameFi Thetan Arena x100 lần, nhà đầu tư vẫn nhảy vào mua. Nhưng trong downtrend thì 10% họ đã chốt rồi. Vì vậy, thị trường sẽ luôn thanh lọc bớt nhà đầu tư ở mùa trước.
Do đó, thị trường gọi vốn lành mạnh phải hội tụ đủ 3 yếu tố là nhà đầu tư, startup và nền tảng gọi vốn. Nhà đầu tư cần thể hiện được cam kết đồng hành và tư duy dài hạn khi tham gia đầu tư ở các nền tảng gọi vốn. Startup cũng cần là những dự án làm thật, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật của người dùng, từ đó có doanh thu.
Quan trọng hơn hết, nền tảng gọi vốn cần kiểm soát được startup để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đồng thời, hệ sinh thái hỗ trợ cho startup của nền tảng cũng phải mạnh mẽ, đi cùng với dự án cho đến lúc có doanh thu.
Đọc thêm: Giám đốc Klaytn: “Người dùng là thế mạnh lớn nhất của Hàn Quốc”