CafeinDaily: Friend.tech có thể gặp rắc rối với SEC; Thái Lan doạ đóng cửa Facebook; Cổ phiếu VinFast lập ATH mới
Trong số 100 đồng coin/token hàng đầu, ba altcoin tăng giá trong ngày là Sui (SUI) ở mức 5.8%, Optimism (OP) ở mức 3.7% và Toncoin (TON) ở mức 2.2%.
Song song đó, ba altcoin giảm giá nhiều nhất trong ngày là THORChain (RUNE) ở mức -10.7%, Frax Share (FXS) ở mức -6.8% và Maker (MKR) ở mức -5.5%.
Trong 24h qua, chỉ số sợ hãi và tham lam ở mức 37 (sợ hãi), không thay đổi trong ngày.
Friend.tech có thể gặp rắc rối với SEC
Theo Blockworks, một số luật sư crypto cho rằng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ sớm để mắt đến mô hình lợi nhuận của friend.tech.
Luật sư Mark Hiraide, thuộc công ty luật Mitchell Silberberg & Knupp, cho rằng mô hình hoạt động của Friend.tech tương đồng với thị trường chứng khoán. Giống như việc các cổ đông của công ty đại chúng có thể nhận cổ tức, chủ tài khoản có thể chọn chia sẻ phí với người mua, từ đó tăng khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu.
Hiraide nhận định yếu tố lợi nhuận này sẽ khiến friend.tech bị coi là dịch vụ chứng khoán. Càng nhiều người tham gia nền tảng, càng nhiều người mua cổ phiếu để có cơ hội nhắn tin riêng với những nhân vật nổi tiếng. Lúc này, nhà giao dịch sẽ xem cổ phiếu như cơ hội thu lời thay vì tập trung vào quyền lợi tương tác với chủ tài khoản.
Ông cho hay, việc những cổ phiếu này có được giao dịch trên nền tảng ngoài friend.tech hay không cũng là điều cần theo dõi. Nếu các cổ phiếu được giao dịch trên nền tảng thứ cấp, chúng sẽ càng có nguy cơ bị phân loại là chứng khoán.
55.4 triệu USD bị rút khỏi các sản phẩm đầu tư kỹ thuật số
Theo báo cáo của CoinShares, ở tuần thứ hai tháng 8, các sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số đã chứng kiến dòng tiền ra 55.4 triệu USD.
Khối lượng giao dịch tuần qua thấp hơn mức trung bình hàng tuần của năm, chủ yếu do ảnh hưởng từng giai đoạn. Tuần qua, tổng tài sản được quản lý đã giảm 10%, đạt 32.2 tỷ USD.
Theo khu vực, dòng vốn bị rút ra hầu như tập trung ở Canada và Đức, với dòng tiền chảy ra lần lượt là 36 triệu USD và 11 triệu USD. Trong khi đó, Thụy Sĩ đã đi ngược xu hướng, có dòng vốn chảy vào là 3.5 triệu USD.
Bitcoin là tài sản có dòng tiền chảy ra lớn nhất trên thị trường, chiếm khoảng 76% dòng tiền chảy ra trong tuần với khoảng 42.3 triệu USD. Sản phẩm đầu tư mới - Short Bitcoin (cho phép các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận từ sự sụt giảm của Bitcoin) đã ghi nhận dòng tiền rút ra là 2.2 triệu USD. Bên cạnh đó, Ethereum lại có dòng tiền chảy ra là 9 triệu USD.
Polygon, Litecoin và Polkadot có dòng vốn vào lớn nhất với tổng trị giá lần lượt là 900,000 USD, 600,000 USD và 500,000 USD.
Thái Lan doạ đóng cửa Facebook vì lừa đảo crypto
Thái Lan đã cảnh báo đóng cửa Facebook (Meta) nếu nền tảng này không kiểm soát được các vụ lừa đảo đầu tư tiền mã hoá được quảng bá trên ứng dụng.
Ngày 21/8, Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan (MDES) cho biết hơn 200,000 người đã bị lừa đảo thông qua hình thức quảng cáo tiền mã hoá trên Facebook. Theo đó, nhiều người dùng đã đầu tư vào các doanh nghiệp giả mạo dẫn đến mất tiền.
MDES Thái Lan tuyên bố các chiến thuật phổ biến được scammer sử dụng bao gồm lừa đảo đầu tư và giao dịch tiền mã hoá. Ngoài ra, một số quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng và nhân vật có tiếng trong giới tài chính với cam kết lợi nhuận tối đa 30% mỗi ngày để thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Theo Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng MDES, cơ quan này đã đàm phán và gửi thư đến Facebook - nền tảng thuộc sở hữu của Meta về vấn đề lừa đảo tiền mã hoá trên ứng dụng. MDES cũng cảnh báo sẽ đóng cửa Facebook không hạn chế được tình trạng này.
Quan chức Trung Quốc lãnh án tù chung thân vì tham nhũng liên quan crypto
Theo Wu Blockchain, Trung Quốc đã kết án tù chung thân cựu quan chức vì hành vi tham nhũng, bao gồm cả hoạt động liên quan đến khai thác tiền mã hoá. Cụ thể, Yi Xiao - cựu quan chức cấp cao của tỉnh Giang Tây, phía Đông Nam Trung Quốc đã bị buộc tội lạm dụng quyền lực của mình để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác tiền mã hoá tại khu vực.
Theo đó, phiên tòa xét xử tại Hàng Châu - thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, cho thấy từ năm 2008 đến 2021, Xiao đã lợi dụng chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân tỉnh Giang Tây để nhận hối lộ hơn 125 triệu nhân dân tệ (tương đương 17.1 triệu USD).
Hơn nữa, trong khoảng thời gian giữ chức Bí thư Thành uỷ Phúc Châu từ 2017-2021, vị lãnh đạo cũng hỗ trợ các công ty tham gia crypto. Điều này dẫn đến khoản thiệt hại đáng kể cho tài sản công cũng như lợi ích quốc gia.
Sau phiên xét xử, Xiao bị kết án tù chung thân, đồng thời bị tước quyền tham gia vào chính trị suốt đời. Bên cạnh đó, toàn bộ tài sản cá nhân của vị cựu quan chức cũng bị tịch thu.
Cổ phiếu VinFast lập ATH mới
Trong phiên giao dịch ngày 22/8 tại Mỹ, cổ phiếu VinFast (VFS) đã tăng mạnh và đạt ATH ở mức 46.96 USD/cổ phiếu, tăng hơn 100% so với phiên giao dịch trước.
Mở đầu phiên giao dịch, VFS bắt đầu với mức giá 18.8 USD/cổ phiếu, tăng khoảng 7% so với phiên giao dịch trước. Ở một giờ đầu của phiên, VFS tăng gần 45% và đạt mức giá 25.5 USD. Khối lượng khớp lệnh sau một giờ đạt khoảng 3.7 triệu đơn vị.
Đến 23h ngày 22/8 (khoảng 12h theo giờ Mỹ), cổ phiếu VFS đã tăng hơn 160%, lập đỉnh mới ở 46.97 USD/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đã vượt ngưỡng 11 triệu cổ phiếu.
Theo cập nhật của Forbes đến sáng ngày 23/8, Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup đang sở hữu khối tài sản trị giá 43.7 tỷ USD, đứng thứ 27 trên thế giới.
Đọc thêm: cựu giám đốc sản phẩm OpenSea bị kết án 3 tháng tù giam, phạt 50,000 USD vì giao dịch nội gián