Hoạt động giao dịch Binance lao dốc sau loạt rắc rối pháp lý
Áp lực gia tăng trên nhiều khu vực pháp lý, bao gồm Mỹ, châu Âu và Nigeria đã ảnh hưởng đến hoạt động của Binance. Đầu tháng 6, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc sàn đã vi phạm luật chứng khoán liên bang và cung cấp chứng khoán chưa đăng ký cho người Mỹ. Ngay sau đó, thị phần của Binance US, nền tảng có trụ sở ở Mỹ, giảm xuống còn 1% do vấn đề thanh khoản.
Tại châu Âu, sàn giao dịch đã mất đối tác thanh toán bằng đồng EUR và rút khỏi nhiều thị trường trong khu vực, bao gồm Áo, Hà Lan, Đức và Cộng hòa Síp. Binance cho biết công ty quyết định rời những quốc gia này để đảm bảo mục tiêu tuân thủ các quy định về Thị trường Tài sản Mã hóa (MiCA) sắp tới của châu Âu.
Tuy nhiên, không ít người nghi vấn Binance không tự nguyện rút đơn đăng ký hoạt động khỏi các nước châu Âu. Trong khi cơ quan quản lý Bỉ yêu cầu Binance ngừng hoạt động tại đây, truyền thông đưa tin sàn đang bị nhà chức trách Pháp điều tra tội rửa tiền và hoạt động trái phép. Binance đã bác bỏ tin đồn bị điều tra rửa tiền, còn chính quyền Pháp từ chối bình luận.
Cùng lúc đó, Binance đã phải gửi thư yêu cầu đóng cửa "Binance Nigeria Limited". Công ty khẳng định nền tảng đã mạo danh Binance và không có bất kỳ mối liên kết nào với sàn giao dịch.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch trên Binance đã giảm mạnh sau khi sàn thay đổi mức phí dành cho các cặp giao dịch Bitcoin có thanh khoản cao. Tháng 3, sàn đã chuyển cơ chế miễn phí giao dịch BUSD sang cho TUSD sau khi SEC ra lệnh cho nhà phát hành ngừng mint BUSD.
Khối lượng giao dịch giao ngay trên sàn đã giảm xuống tháng thấp thứ 2 kể từ năm 2021. Điều này cho thấy người dùng sàn giao dịch đã rời khỏi nền tảng sau khi các ưu đãi bị hủy bỏ.
Trong khi đó, Kaiko lưu ý xu hướng suy giảm không chỉ diễn ra ở Binance mà còn trên các sàn giao dịch khác như Coinbase, Kraken, OKX và Huobi. Hoạt động giao dịch giao ngay của các nền tảng đã giảm hơn 50% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Đọc thêm: Binance mất đối tác ngân hàng châu Âu