Khủng bố IS bị tịch thu 190 tài khoản Binance
Ngày 12/1, Cục tài trợ Chống khủng bố Quốc gia Israel (NBCTF) đã tịch thu tài sản trong 2 tài khoản trên Binance. Ngoài ra, cơ quan cáo buộc hàng chục tài khoản thuộc sở hữu của các công ty Palestine được nhóm Hồi giáo Hamas hậu thuẫn. NBCTF cho biết việc tịch thu nhằm "ngăn chặn hoạt động" của IS, khiến các phần tử khủng bố không đạt được mục tiêu.
Tài liệu của NBCTF không cung cấp chi tiết nào về giá trị của số tiền mã hóa bị tịch thu. Các tài khoản có liên hệ cụ thể với nhóm khủng bố như thế nào cũng không được tiết lộ. Bộ Quốc phòng Israel hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Khủng bố IS
Theo luật Israel, Bộ Quốc phòng có quyền tịch thu tài sản nếu họ nghi ngờ có liên quan đến khủng bố. Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ các sàn giao dịch tiền mã hóa để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố. Động thái của Israel cho thấy chính phủ nước này đang nỗ lực lần theo dấu chân của tội phạm khủng bố thông qua các công ty tiền mã hóa.
IS nổi lên ở Syria sau cuộc nội chiến ở Iraq. Năm 2014, các phần tử này từng kiểm soát một phần ba Iraq và Syria, trước khi bị quân đội Iraq và dân quân người Kurd đẩy lùi. Dù hiện tại phải hoạt động ngầm, các phiến quân IS vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nổi dậy.
Trong báo cáo năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ cho biết IS đã nhận được các khoản đóng góp bằng tiền mã hóa, tiếp cận nguồn tiền trên các nền tảng giao dịch crypto rồi chuyển đổi chúng thành tiền mặt. Bộ Tài chính không nói rõ các nhóm khủng bố thường sử dụng nền tảng nào.
Chủ sở hữu của 2 tài khoản Binance có liên kết trực tiếp với IS là một người Palestine 28 tuổi tên là Osama Abuobayda. NBCTF cho biết gần như toàn bộ 190 tài khoản Binance bị Israel tịch thu từ 2021 đều thuộc về 3 công ty giao dịch tiền tệ của Palestine. Theo trang web NBCTF, 3 công ty bị Israel coi là các tổ chức khủng bố do tham gia hỗ trợ Hamas chuyển tiền.
Tháng trước, NBCTF tiết lộ đã tịch thu số crypto trị giá hơn 500,000 shekel (137,870 USD) từ hơn 80 tài khoản Binance thuộc 3 công ty nói trên. “Số tiền trong tài khoản là tài sản của các tổ chức khủng bố hoặc được sử dụng cho tội ác khủng bố nghiêm trọng", NBCTF tuyên bố.
Năm 2020, 2 người đàn ông bị nhà nước Đức nghi hỗ trợ một tay súng Hồi giáo từng sử dụng Binance. Theo thông báo của cảnh sát Đức, tay súng đã giết chết 4 người ở Vienna. IS sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Binance chưa hết khó
Đáp lại bài báo của Reuters, Binance cho biết hãng tin đã bỏ qua các điểm quan trọng về chính sách tuân thủ của sàn giao dịch. “Các chính sách và quy trình của Binance tuân theo các yêu cầu về tài trợ chống rửa tiền và chống khủng bố AMLD5/6. Đây là một chủ đề chúng tôi rất coi trọng”, theo bài đăng trên blog Binance.
Sàn khẳng định đã hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật và chính quyền để xác định và ngăn chặn tài trợ khủng bố.
“Sàn giao dịch không thể chặn hoặc đảo ngược tiền gửi sau khi giao dịch đã được xác minh trên blockchain. Khi phát hiện hành vi xấu, chúng tôi sẽ can thiệp và thực hiện hành động thích hợp, bao gồm đóng băng tiền và hỗ trợ chính quyền điều tra”, Binance cho hay.
Năm 2022, Reuters cũng từng cáo buộc Binance cố ý duy trì các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền yếu kém. Kể từ 2017, Binance đã xử lý hơn 10 tỷ USD cho tội phạm và các công ty muốn lách lệnh trừng phạt của Mỹ. Binance đã phản bác Reuters, khẳng định các số liệu hãng tin đưa ra không chính xác và các mô tả về biện pháp kiểm soát tuân thủ của Binance đã "lỗi thời".
Hiện Binance, nhà sáng lập CZ và cựu Giám đốc Pháp lý Samuel Lim đang phải đối mặt với cáo buộc dân sự từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) do cung cấp dịch vụ phái sinh trái phép, vi phạm quy định chống rửa tiền và chống khủng bố. Ngay sau đó, Binance cho biết họ đã kiểm tra người dùng để tìm mối liên hệ với khủng bố và đã “tiếp tục đầu tư nguồn lực lớn để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tài chính và tuân thủ quy định.
Đọc thêm: Không cần chuyên môn, CZ vẫn kiếm được tiền từ memecoin