Năm 2024 - Thời kỳ Mỹ hoàn thiện chính sách liên quan đến crypto?
Tính đến ngày 2/1/2024, Mỹ vẫn chưa xây dựng khung pháp lý rõ ràng liên quan đến tiền mã hóa. Do đó, các công ty và startup tiền mã hóa có thể bị truy tố theo các quy định hiện hành, chẳng hạn như luật chứng khoán hoặc luật rửa tiền. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án crypto gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, mở rộng quy mô và thu hút khách hàng.
Dù vậy, bất chấp những khó khăn trong cuộc chạm trán giữa crypto và luật pháp nước Mỹ, nhiều chuyên gia kỳ vọng 2024 sẽ là năm chính phủ Mỹ đưa ra quy định cụ thể hơn đối với ngành tiền mã hóa. Điều này sẽ giúp giải quyết những bất ổn pháp lý hiện nay và tạo điều kiện giúp crypto phát triển.
Theo Miller Whitehouse-Levine, Giám đốc Điều hành nhóm vận động hành lang tiền mã hóa DeFi Education Fund, 2024 có thể sẽ là năm quan trọng đối với quy định tiền mã hóa tại Mỹ.
“Dù vậy, ta có thể thấy họ đang ấp ủ nhiều ý định. Và có lẽ lĩnh vực tư pháp và hành pháp của Mỹ sẽ có nhiều biến chuyển trong năm 2024”.
Nhận định của Whitehouse-Levine được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt phán quyết quan trọng từ tòa án, các quy định mới từ cơ quan quản lý sẽ được đưa ra trong năm nay.
Theo đó, vụ việc Coinbase kiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vì từ chối làm rõ quy định về tiền mã hóa được chuyên gia nhận định là sự kiện then chốt có thể thúc đẩy thị trường crypto.
Ngoài ra, kết quả cuộc chiến giữa Ripple và SEC cũng có thể là nhân tố thúc đẩy Quốc hội Mỹ ban hành khung pháp lý cho ngành.
Đáng chú ý, bộ 3 quy định mới được đề xuất bởi các cơ quan quản lý Mỹ có thể tác động đáng kể đến thị trường tiền mã hóa.
Cụ thể, SEC đề xuất mở rộng định nghĩa "sàn giao dịch" nhằm thu hẹp phạm vi hoạt động của nền tảng tiền mã hóa. Điều này đồng nghĩa với việc sàn giao dịch tiền mã hóa buộc phải tuân theo các quy định tương tự như nền tảng chứng khoán truyền thống.
Bên cạnh đó, Sở Thuế IRS muốn mở rộng định nghĩa "môi giới" để hạn chế hoạt động tài chính phi tập trung (DeFi). Nói cách khác, các nhà cung cấp dịch vụ DeFi, chẳng hạn như các nền tảng cho vay P2P có thể bị giới cầm quyền Mỹ xếp vào diện môi giới và phải tuân theo các quy định về thuế.
Điều này có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ DeFi phải đóng cửa hoặc thay đổi cách hoạt động của họ.
Hơn nữa, Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN), cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ đề xuất dán nhãn các máy trộn tiền mã hóa. Theo cơ quan, những công cụ trên đã tiếp tay cho các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như rửa tiền cũng như khủng bố và khiến Chính phủ Mỹ khó kiểm soát thị trường crypto.
Mặt khác, Whitehouse-Levine nhận định tương lai của ngành vẫn là ẩn số vì có nhiều yếu tố không chắc chắn.
Liệu thị trường crypto có thể vượt qua sóng gió, phát triển mạnh mẽ hay bị bóp nghẹt bởi quy định? Câu trả lời vẫn còn nằm trong tay các tòa án, cơ quan quản lý và Quốc hội nước Mỹ.