Founder quỹ Newman: “Người Hong Kong vẫn chưa mở lòng với Nhân dân tệ điện tử”
#InterView là chuỗi bài viết phỏng vấn mới của Interlock. Series được các phóng viên của Interlock tương tác trực tiếp với những nhân vật có kinh nghiệm, kiến thức và sức ảnh hưởng trong cộng đồng blockchain trên toàn thế giới.
Adrian Lai từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Khi quyết định rời BlackRock và thành lập Newman, ông nhận thấy tiềm năng dài hạn của tiền mã hóa trong mảng fintech.
Thành lập năm 2021, Newman Capital là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) lớn tại Hong Kong. Công ty tập trung đầu tư vào các ứng dụng dành cho người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giải trí, xã hội và game. Với mạng lưới rộng lớn ở Mỹ và châu Á, Newman triển khai hoạt động đầu tư ở phương Tây lẫn phương Đông và không giới hạn ở Web2 hay Web3. Một số dự án đã được Newman rót vốn bao gồm công ty cơ sở hạ tầng ví OpenFort, mạng xã hội Reddit và studio Epic Games.
Sau 3 năm, Adrian Lai tự tin rằng chỉ có một số thị trường lớn như New York, London hay Tokyo mới đủ sức cạnh tranh với Hong Kong.
Sandbox cho cả thị trường crypto thế giới
“Văn hóa quốc tế và mối liên kết của các tổ chức tài chính khiến Hong Kong trở thành một điểm thử nghiệm tiềm năng cho các đổi mới”, Adrian Lai, nhà sáng lập Newman Capital trả lời Interlock đầu tháng 7.
Tuy vậy, nhà sáng lập Newman không khẳng định Hong Kong sẽ trở thành cầu nối để Trung Quốc quay lại với tiền mã hóa trong tương lai. Theo Lai, dù Trung Quốc có sử dụng Hong Kong làm nơi thử nghiệm hay không, đây vẫn là nơi hoàn hảo về mặt địa lý để thí điểm những thứ mới.
“Điểm thử nghiệm tiềm năng” theo lời Adrian Lai có thể hiểu như mô hình sandbox vốn thân quen với cộng đồng startup. Theo đó, sandbox là khung thí điểm cho phép một nhóm doanh nghiệp giới hạn thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Một sandbox lý tưởng sẽ có quy mô của một quốc gia nhưng phải quản lý được rủi ro của các thử nghiệm chính sách mới.
Những tháng qua, chính quyền Hong Kong đã liên tục có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động phát triển crypto. Kể từ 1/6, nhà đầu tư cá nhân trong khu vực đã được phép giao dịch tiền mã hóa trên một số nền tảng được cấp phép. Bên cạnh đó, Hong Kong đã bắt đầu thí điểm CBDC, xây dựng quy định stablecoin và thành lập đội đặc nhiệm Web3.
Nhiều người kỳ vọng Hong Kong sẽ trở thành nơi thử nghiệm các luật mới về crypto để Trung Quốc sẵn sàng áp dụng khi họ hợp pháp hóa các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa như giao dịch, đào coin... Tuy nhiên, Lai không nghĩ rằng việc Hong Kong cởi mở với Web3 sẽ có ý nghĩa lớn đối với bối cảnh thị trường crypto ở Trung Quốc trong tương lai.
Chia sẻ với Interlock, Lai phân tích, việc chính phủ Hong Kong ủng hộ crypto không xung đột với lệnh cấm tiền mã hóa ở Trung Quốc đại lục. Ông giải thích Trung Quốc có mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tạo điều kiện cho đặc khu Hong Kong và Macau phát triển kinh tế. Từ 2021, các cơ quan tiền tệ ở Hong Kong và đại lục đã đồng ý tạo ra sandbox ở Vùng Vịnh Lớn để thúc đẩy dòng vốn trong mảng fintech.
Dù vậy, xét riêng tiền mã hóa, Lai nhận định Trung Quốc và Hong Kong về ngắn hạn và trung hạn đang có những mối bận tâm khác nhau.
Cụ thể, trong khi đặc khu muốn trở thành trung tâm Web3 nói chung, Trung Quốc lại ưu tiên CBDC và ứng dụng công nghệ blockchain vào các quy trình nhà nước. “Đây là những quy trình không nhất thiết phải có tiền mã hóa”, Lai nói với Interlock.
Trong 3 năm qua, đất nước tỷ dân đã mở rộng thử nghiệm e-CNY tới 26 thành phố và khu vực. Tính đến cuối năm 2022, số lượng CBDC đang lưu hành đạt 13.6 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD).
Tuy vậy, người đứng đầu quỹ Newman tin rằng Hong Kong sẽ sớm có đồng e-HKD. "Đồng tiền này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng công nghệ mã hóa vào thị trường tài chính Hong Kong tương tự e-CNY ở đại lục", ông Lai nhấn mạnh.
Theo Lai, khác biệt giữa thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong nằm ở việc người dân Hong Kong vẫn còn lạnh nhạt với e-CNY.
"Trong khi đồng tiền chủ đạo của Trung Quốc là nhân dân tệ, người dân đặc khu lại quen thuộc với HKD hơn. Vì vậy, câu hỏi e-CNY sẽ hiện diện như thế nào ở Hong Kong hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Bắc Kinh và Hong Kong", Lai chia sẻ.
Founder Newman cho rằng e-CNY khó có thể trở thành lựa chọn lý tưởng cho người dân tại đây bởi họ đã sử dụng đồng HKD từ lâu. Do đó, nguồn thanh khoản có khả năng sẽ chảy vào thị trường Hong Kong thông qua các dự án hoạt động ở cả 2 thị trường thay vì được thúc đẩy trực tiếp từ đại lục.
e-CNY chậm rãi thâm nhập Hong Kong
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực phổ biến e-CNY ở Hong Kong nhưng không nhận được phản ứng tích cực. Ngày 28/2, thành phố Thâm Quyến đã lắp đặt máy bán ví cứng đầu tiên cho đồng e-CNY. Có vị trí gần Hong Kong, Thâm Quyến được chọn là cửa ngõ đưa ví cứng e-CNY vào thị trường Hong Kong.
Ví cứng e-CNY là sản phẩm của Bank of China và nhà cung cấp thẻ thông minh Octopus Card. Người dùng có thể thanh toán tại các cửa hàng bằng cách chạm vào thẻ e-CNY và được giảm giá 20% khi mua sắm tại hơn 1,400 cửa hàng thuộc danh sách ưu đãi. Trước ngày 31/3, 2 bên dự kiến phát hành khoảng 50,000 ví cứng song chỉ có 625 ví được người dân Hong Kong đặt hàng.
Ngoài bán ví cứng, Trung Quốc còn dự định ra mắt ví tích hợp thẻ SIM nhằm kết hợp các chức năng tài chính và liên lạc. Từ đó, Trung Quốc hy vọng người dân sẽ cảm thấy hứng thú với các sản phẩm dịch vụ e-CNY hơn.
Theo South China Morning Post, nguyên nhân Trung Quốc muốn thúc đẩy đồng e-CNY ở thị trường Hong Kong là tham vọng phát triển Vùng Vịnh Lớn, khu vực kết nối Hong Kong, Macau và 9 thành phố ở phía Nam. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc đang nhắm tới phát triển Vùng Vịnh Lớn để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ.
Trong khi người dân không mấy hào hứng với nhân dân tệ kỹ thuật số, chính quyền Hong Kong đã tích cực tham gia vào các giao dịch xuyên biên giới e-CNY. Năm ngoái, đặc khu đã hoàn thành thử nghiệm kéo dài 40 ngày liên quan đến Trung Quốc đại lục, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các quốc gia đã xử lý hơn 160 khoản thanh toán xuyên biên giới và giao dịch ngoại hối, tổng giá trị hơn 150 triệu nhân dân tệ (21 triệu USD).
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) cũng đang xem xét thỏa thuận song phương với Bank of Thailand để hỗ trợ người dùng thanh toán tại các cửa hàng và nhà hàng ở Thái Lan. Howard Lee, Phó Giám đốc Điều hành HKMA tiết lộ 4 ngân hàng lớn ở Hong Kong là HSBC, Hang Seng Bank, Standard Chartered và Bank of China Hong Kong sẽ tham gia giai đoạn thử nghiệm e-CNY thứ 2.
Có thể thấy các cơ quan quản lý đều đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của e-CNY trong Vùng Vịnh Lớn. Tuy nhiên, bởi những đặc thù riêng về chính trị và văn hóa của Hong Kong, như Lai nhận xét, e-CNY khó có thể được áp dụng rộng rãi ở nơi đây trong tương lai gần. Dù không phải quốc gia độc lập, Hong Kong có hộ chiếu, hệ thống pháp luật và hệ thống tiền tệ riêng.
Với đồng tiền riêng, HKMA đã bắt đầu thí điểm một số ứng dụng của e-HKD song song với hỗ trợ e-CNY. Từ tháng 5, 16 ngân hàng đã chọn các nhóm khách hàng nhỏ để thử nghiệm dùng e-HKD trong thanh toán trực tuyến và thanh toán tại các cửa hàng.
Đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Hong Kong. Chia sẻ với Interlock, Adrian Lai tiết lộ bên cạnh CBDC, metaverse và AI cũng là những ứng dụng Web3 đang lên tại Hong Kong.
“AI gần với Web2 hơn metaverse”
Quỹ Newman định nghĩa Web3 là phương tiện giúp cộng đồng cải thiện tài sản và vượt qua các rào cản để gia nhập thị trường crypto. Trong đó, metaverse và AI là 2 thành phần quan trọng đưa người dùng đến với Web3. AI có thể được sử dụng trong metaverse và người dùng cũng có thể tạo metaverse bằng AI.
Lai nhận định metaverse sẽ không biến mất và sẽ được ứng dụng vào thị trường. Theo ông, metaverse chỉ mới xuất hiện khoảng 5-7 năm và không được cộng đồng chú ý mấy trong thời kỳ uptrend. So với AI, metaverse vẫn còn non trẻ hơn nhiều và cần thêm thời gian để phát triển.
Vì vậy, nhà sáng lập Newman cho rằng vị thế của metaverse và AI chưa thể đặt lên bàn cân so sánh "như Apple với Android". Theo Lai, AI sẽ được Web2 áp dụng nhanh hơn metaverse. Tuy nhiên, cộng đồng có thể phải chờ vài năm trước khi đạt được mục tiêu đó.
Hiện tại, cả AI và metaverse đều là những công nghệ được Hong Kong đón nhận. Năm 2022, gã khổng lồ mạng xã hội Meta đã chọn Hong Kong làm nơi thử nghiệm hàng loạt sáng kiến metaverse của công ty. Lúc bấy giờ, Meta đã hợp tác với các chuỗi quán cà phê, trường học và tổ chức nghệ thuật địa phương để mang trải nghiệm metaverse đến với người dân.
“Hong Kong đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Meta cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghệ ở thị trường này”, theo George Chen, Giám đốc mảng chính sách công của Meta tại Trung Quốc đại lục, Mông Cổ và Trung Á.
Tháng 5, Lực lượng Cảnh sát Hong Kong (HKPF) đã ra mắt nền tảng metaverse mang tên CyberDefender. Như Interlock đưa tin, cảnh sát đã tận dụng metaverse nhằm trang bị cho người dùng kiến thức cần thiết để đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, điển hình là tội phạm công nghệ trong không gian blockchain.
Tháng 9 tới, trường đại học Hong Kong Polytechnic University sẽ chính thức bắt đầu giảng dạy chương trình thạc sĩ Khoa học Công nghệ Metaverse. Trước đó, Hong Kong University of Science and Technology (HKUST) cũng từng công bố kế hoạch xây dựng trường đại học metaverse đầu tiên trên thế giới nhằm kết nối sinh viên tại 2 cơ sở Quảng Châu và Hong Kong.
Song song đó, Hong Kong được xem là một trong những khu vực có công cụ AI tân tiến nhất, bên cạnh Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh. Sự nở rộ của AI tại đặc khu phần lớn đến từ nền tảng AI vững chắc ở Trung Quốc đại lục. Năm 2021, báo cáo của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cho thấy Liên minh Châu Âu (EU) chỉ chiếm 7% giá trị đầu tư AI và blockchain, trong khi Mỹ và Trung Quốc chiếm 80%.
Theo công ty phân tích dữ liệu CB Insights, 2022 là năm kỷ lục về giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI, với số vốn huy động vượt 2.6 tỷ USD cho tổng cộng 110 giao dịch. Với sự bùng nổ của AI, công ty tuyển dụng Venturenix tiết lộ nhiều doanh nghiệp Hong Kong đang yêu cầu nhân viên phải học dùng ChatGPT.
Đọc thêm: Giám đốc phát triển Polygon: "Cần biết nói không với công ty lớn"