OpenSea cắt giảm một nửa nhân sự
Chia sẻ với Decrypt, đại diện OpenSea cho hay dự án đã thay đổi đáng kể về tổ chức và hoạt động trong quá trình xây dựng phiên bản OpenSea mới. “Với những đổi mới này, chúng tôi sẽ có vị thế phục vụ cộng đồng tốt hơn, truyền tải những dịch vụ hiệu quả và phù hợp với tốc độ phát triển của không gian blockchain”, theo đại diện OpenSea.
Devin Finzer, CEO OpenSea cũng chia sẻ thông tin này trên trang Twitter cá nhân. Ông nhấn mạnh công ty đã quyết định tái cấu trúc lại đội ngũ dự án nhằm tập trung phát triển phiên bản OpenSea 2.0. Nền tảng này được công ty mô tả là “bản nâng cấp lớn” của OpenSea hiện tại, cải thiện từ công nghệ, độ tin cậy, tốc độ, chất lượng cho đến trải nghiệm.
"Chúng tôi đã nghe rõ phản hồi của bạn: đôi khi, OpenSea giống như chỉ đang đi theo những người khác, không phải là một nhà lãnh đạo. Và đó không phải là hình ảnh mà chúng tôi muốn trở thành", Finzer viết.
Đại diện OpenSea nói thêm dự án sẽ áp dụng cách tiếp cận cấu trúc tổ chức “2D” hơn trong tương lai. Các nhân viên bị sa thải sẽ được cung cấp khoản trợ cấp thôi việc trị giá 4 tháng, 6 tháng chăm sóc sức khỏe và dịch vụ sức khỏe tâm thần.
OpenSea là marketplace lớn nhất trong thời kỳ bùng nổ NFT năm 2021-2022. Nền tảng thường xuyên ghi nhận khối lượng giao dịch hàng tháng trị giá hàng tỷ USD cho tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, ảnh hồ sơ và các bộ sưu tập được mã hóa khác.
Lần gần nhất OpenSea huy động vốn là vào tháng 1/2022 cho vòng Series C. Lúc bấy giờ, công ty đã nhận được khoản đầu tư trị giá 300 triệu USD với mức định giá 13.3 tỷ USD. Nhiều quỹ lớn đã tham gia rót vốn cho OpenSea, trong đó có Paradigm và Coatue.
Tuy nhiên, thị trường NFT bắt đầu suy yếu vào giữa năm 2022 cùng với mùa đông tiền mã hóa kéo dài. Tháng 7/2022, OpenSea đã cắt giảm khoảng 20% nhân viên, viện dẫn mùa đông tiền mã hóa và sự bất ổn kinh tế vĩ mô rộng lớn.
Đồng thời, OpenSea còn bị chỉ trích vì có ý định cắt bỏ phí bản quyền của người sáng tạo để thu hút người dùng. OpenSea đã chọn không thay đổi chính sách tiền bản quyền của mình sau sự phản đối từ cộng đồng người sáng tạo.
Nhưng đến tháng 8 năm nay, OpenSea bắt đầu vô hiệu hóa Operator Filter, công cụ cho phép nhà sáng tạo tự quyết định phí bản quyền thay vì phụ thuộc vào marketplace hay người dùng. OpenSea lúc này đã tụt lại phía sau marketplace Blur về khối lượng giao dịch NFT. Dù vậy, OpenSea vẫn tự hào có nhiều nhà giao dịch nhất so với các nền tảng giao dịch NFT khác.
Theo dữ liệu Dune Analytics, OpenSea đã có hơn 32,000 ví được tạo trên nền tảng tiêu chuẩn và Pro trong tuần qua, gấp đôi số lượng ví của Blur. Mặt khác, Blur lại chiếm đến 70% tổng doanh số NFT trong tuần qua với doanh số NFT trị giá hơn 51 triệu USD.
Đọc thêm: CafeinWeekly: Buy Bitcoin lọt top từ khoá tìm kiếm ở Anh; dYdX triển khai dYdX Chain