Singapore đang ở đâu trên con đường chinh phục blockchain?
9h sáng ngày 13/9, TOKEN2049, sự kiện blockchain hàng đầu thế giới chính thức khai mạc tại trung tâm thương mại Marina Bay Sands (Singapore). Trước giờ G, từng dòng người đông đúc đã lần lượt xếp hàng check-in ở tầng 4 tòa nhà. Sau gần 10 phút xếp hàng, tôi đã vào được sự kiện.
Phía trên sảnh check-in là không gian trưng bày của hàng trăm dự án blockchain trên khắp thế giới. Hình ảnh người tham gia liên tục di chuyển, tiếng trò chuyện và giới thiệu về một dự án nào đó, những khán đài chật kín người… đã làm nên bầu không khí tấp nập của TOKEN2049. Dù từng tham dự nhiều sự kiện blockchain tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi đến với một sự kiện có quy mô lớn như vậy.
Theo ban tổ chức TOKEN2049, hơn 10,000 người từ 3,500 công ty khác nhau đã mua vé tham dự với giá từ 500-4,000 USD. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2022, khi số người tham gia dừng lại ở mốc 7,000 người. Điều này cho thấy cộng đồng vẫn quan tâm và dành niềm tin cho công nghệ blockchain ngay cả khi thị trường ảm đạm kéo dài gần 2 năm qua.
Đáng chú ý, 80% số người tham dự này đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Token2049 và các side event, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với đội ngũ nhiều dự án quốc tế như OKX, Chainlink, Worldcoin… Dù là đến từ Hong Kong, Mỹ, Thụy Điển hay bất kỳ quốc gia nào, tất cả đều hội tụ tại Singapore, khẳng định vị thế trung tâm sự kiện blockchain của châu Á.
So sánh với Singapore, Thái Lan cũng sắp tổ chức sự kiện “Blockchain Genesis: Thailand Blockchain Week” vào tháng 11. Tuy nhiên, quy mô của tuần lễ blockchain ở Thái Lan lại nhỏ hơn nhiều với hơn 60 diễn đàn và 150 diễn giả. Nếu Việt Nam có thế mạnh về đội ngũ phát triển, Philippines có lực lượng người dùng hùng hậu thì Singapore lại nổi tiếng tạo điều kiện pháp lý cho các công nghệ mới.
Cách sự kiện Token2049 chỉ vài chục mét là nơi tọa lạc cửa hàng Apple Marina Bay Sands. Đây là nơi không tín đồ công nghệ nào có thể bỏ qua khi đến “Đảo quốc sư tử”. Apple Marina Bay Sands là cửa hàng đầu tiên của Apple được xây dựng trên mặt nước với kiến trúc mái vòm giống như một quả cầu khổng lồ. Apple đã thiết kế tòa nhà này dựa trên chiếc đèn lồng Tết Trung Thu truyền thống tại Singapore, phối hợp văn hóa Á Đông vào công trình của một dự án phương Tây.
Bên cạnh Apple, hàng chục công ty công nghệ hàng đầu thế giới, từ Google, IBM cho đến Microsoft, đã chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở. Vài năm qua, hàng loạt ông lớn từ Mỹ và Trung Quốc như Zoom, Twitter, PayPal, Tencent, Alibaba và ByteDance cũng đã mở rộng đầu tư tại hòn đảo có diện tích chỉ hơn 728 km vuông này.
Khi được hỏi tại sao lại quyết định chuyển đến Singapore, ByteDance, công ty mẹ TikTok cho biết Singapore mang đến môi trường thân thiện với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự đổi mới. Tại Singapore, quy trình thành lập công ty khá đơn giản.
Thông qua nền tảng trực tuyến BizFile, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ trong 5 phút. Singapore cũng không đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện quá khó khăn. Công ty cần có tối thiểu một cổ đông, một giám đốc, một thư ký, văn phòng tại địa phương và vốn cổ phần 1 SGD.
Quy trình thành lập doanh nghiệp mới ở Singapore có thể tóm gọn trong 3 bước: chọn thực thể kinh doanh, thành lập công ty và mở tài khoản ngân hàng cho văn phòng đại diện. Đơn đăng ký này thường được xử lý sau khoảng 2-3 ngày, nhanh hơn gấp hàng chục lần khoảng thời gian chờ đợi nhiều tháng ở những nước khác.
Luke Lim, Trưởng Bộ phận Kinh doanh CCIP của Chainlink, cũng có nhận xét tương tự về Singapore trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Ông ví Singapore với sandbox, mô hình quen thuộc của các startup công nghệ. Sandbox là khung thí điểm cho phép một nhóm doanh nghiệp nhất định thử nghiệm công nghệ và mô hình kinh doanh mới dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Singapore còn có vị trí địa lý tốt, thuận tiện cho việc tiếp cận các thị trường lân cận. Singapore nằm ở nơi giao nhau giữa Đông Á và Tây Á, dọc theo Eo biển Malacca. Song không phải từ xưa Singapore đã là cảng biển trung tâm của châu Á. Những năm 1800, thương mại Singapore từng đình trệ trước sức cạnh tranh từ các cảng ở Hong Kong và Hà Lan.
Tuy nhiên, năm 1869, kênh đào Suez bắt đầu thông thương. Tận dụng điều này, chính quyền Anh xây dựng 5 km cầu cảng tại Tanjong Pagar để thúc đẩy hoạt động vận chuyển. Từ thế kỷ 19, quốc gia này đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm thương mại xuất nhập khẩu, thu hút dân di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Quần đảo Malay và nhiều nơi khác.
Lúc bấy giờ, nhu cầu của công nghiệp phương Tây với thiếc và cao su đã đưa Singapore lên thành một trong những cảng lớn nhất trên thế giới. Ngày nay, cảng Singapore kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Môi trường an toàn và ổn định, tập trung tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, cùng với khung pháp lý thuận lợi cho các công ty công nghệ. Tương tự với blockchain, nhiều dự án nước ngoài cũng chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở để tránh rủi ro pháp lý.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở thể chế, liệu điều này có đủ để đưa Singapore làm trung tâm blockchain?
Những tháng qua, Singapore đã liên tục có nhiều chính sách mở cửa với blockchain. Cuối tháng 7, Tòa án Cấp cao Singapore tuyên bố tiền mã hoá là loại tài sản được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, thẩm phán Philip Jeyaretnam cho rằng không có sự khác biệt nào giữa tiền mã hoá và tiền pháp định miễn là chúng đều có giá trị.
Trước đó, Circle và Ripple lần lượt nhận giấy phép Tổ chức Thanh toán (MPI) từ Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Với giấy phép MPI, 2 dự án này đã có thể cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và chuyển tiền xuyên biên giới ở quốc gia Đông Nam Á.
Rõ ràng chính phủ Singapore đã và đang tạo điều kiện pháp lý cho các dự án blockchain quốc tế đến đây. Với sự hỗ trợ như vậy, tôi mong đợi nhìn thấy sự hiện diện của crypto ở nhiều nơi trên Singapore. Bên trong trung tâm thương mại Marina Bay Sands, chúng ta dễ dàng thấy được bảng quảng cáo của các dự án crypto được đặt ở những vị trí “đắc địa”, thu hút sự chú ý của khách tham quan.
Giữa 2 thang cuốn dẫn lên tầng 3 tòa nhà là một chiếc cầu thang bộ bao phủ bằng logo OKX. Mọi du khách đều có thể nhìn thấy chiếc cầu thang đặc biệt này khi đi qua tầng 2, gần nơi đặt nhiều cửa hàng xa xỉ như Hublot, Gucci, Hermès… Ngoài ra, một số dự án blockchain như TRON và BingX cũng đặt bảng quảng cáo điện tử lớn gần khu vực tổ chức Token2049.
Ngoài ra, tôi cảm thấy tác phẩm nghệ thuật NFT là một trong những ứng dụng quen thuộc của công nghệ blockchain ở Singapore. Tuần lễ Token2049 diễn ra, bảo tàng ArtScience cũng mở khu triển lãm NFT với giá vé khá phải chăng so với các khu triển lãm bên cạnh: 6 SGD. Với tiêu đề “Note from the Ether: From NFTs to AI”, triển lãm giới thiệu tác phẩm từ 20 nghệ sĩ kỹ thuật số.
Chẳng hạn, tác phẩm Series 0 của DEAFBEEF gồm có các đoạn âm thanh dài khoản 1 phút kết hợp với hình ảnh minh họa sóng âm thanh. Đúng như chủ đề triển lãm, âm thanh và video trong tác phẩm được lưu trữ trên blockchain Ethereum.
Sau khi ghé triển lãm NFT, tôi lại tiếp tục đến National Gallery Singapore. Bên cạnh khu vực cuộc thi Ethereum Singapore 2023 Hackathon, nơi đây cũng trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Với tôi, blockchain, đặc biệt là NFT, đã len lỏi vào đời sống của người dân Singapore nhưng không quá ấn tượng so với mục tiêu “trung tâm blockchain châu Á”.
Nếu ở Hàn Quốc, các bảng quảng cáo game blockchain và NFT phủ khắp nhiều con đường lớn thì những hình ảnh đó trở nên rất hiếm hoi ở Singapore. Khi tôi và đồng nghiệp hỏi một số quán ăn về thanh toán crypto, hầu hết đều lắc đầu, thậm chí không rõ có hàng quán nào đã áp dụng hình thức thanh toán này.
Có dịp gặp gỡ ông CJ Fong, Trưởng Bộ phận Kinh doanh Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của quỹ GSR, tôi đã kể với ông câu chuyện trên. Do GSR vốn là quỹ đầu tư xuất thân từ Singapore, ông Fong đã có nhiều năm quan sát nhịp chảy của crypto tại đây.
Theo ông, làn sóng mass adoption - áp dụng hàng loạt crypto vẫn chưa diễn ra ở Singapore bởi các nhà chức trách vẫn đang từng bước xây dựng khung quy định để bảo vệ người dùng. Một khi crypto ở Singapore có khung pháp lý hoàn thiện, ông tin rằng công chúng sẽ tự tin đón nhận công nghệ mới này hơn và tạo cú hích cho thị trường. Đến nay, một số công ty ở Singapore đã được cấp phép và phát triển hệ thống thanh toán trong thời gian tới.
Thị trường đang bước vào giai đoạn sideways kéo dài, cộng hưởng với những cú sập của nhiều dự án lớn như FTX, Celsius, LUNA hay Three Arrows Capital. Nhưng đây không phải là bước lùi mà là khoảng thời gian để các nhà quản lý chậm lại và có những bước đi chắc chắn hơn. Ngay cả ở Mỹ, ông Fong tin rằng chính quyền không “đàn áp” crypto như nhiều người lo ngại mà chỉ đang cố tìm ra khung quy định phù hợp nhất cho thị trường.
Sau bài toán pháp lý, thị trường tiêu thụ nhỏ cũng là hạn chế của Singapore. Các công ty có thể tự tin đặt trụ sở ở Singapore, nhưng họ sẽ bán sản phẩm cho ai? Đây không chỉ là câu chuyện của riêng blockchain mà còn của nền kinh tế đảo quốc này nói chung. Với chiều dài 42 km, chúng ta chỉ cần mất khoảng 1.5h đồng hồ để đi hết Singapore bằng hệ thống tàu điện ngầm.
Và tính đến 2023, chỉ hơn 6 triệu người đang sinh sống trên mảnh đất nhỏ bé đó, ít hơn 3 triệu người so với dân số Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, Singapore là nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài. Theo báo cáo của MTI, từ năm 2015 đến 2019, nhu cầu từ nước ngoài chiếm khoảng 67% đến 72% GDP của Singapore.
Khi đặt cửa hàng ở Singapore, Apple không nhắm đến nhu cầu nội địa mà đang tìm kiếm khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, từ sau dịch COVID-29, nhu cầu bên ngoài và khách du lịch đến Singapore đều trì trệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống.
Để đi đến mục tiêu mass adoption, Singapore mới chỉ đáp ứng được nguồn cung, tức thu hút nhiều dự án và dòng tiền đầu tư đến đây. Với tôi, một trung tâm blockchain lý tưởng nhất là khi vừa có khung quy định rõ ràng, thân thiện như Singapore, lại vừa có nguồn người dùng lớn như Philippines.
Tất nhiên, viễn cảnh đó ở hiện tại rất khó xảy ra. Chúng ta không quên làn sóng GameFi từng bùng nổ ở Philippines năm 2021. Hàng trăm nghìn người Philippines là game thủ Axie Infinity, thậm chí nhiều người coi đây là phương tiện kiếm sống. Song nguyên nhân trào lưu GameFi phát triển như vậy là nhiều người dân Philippines chưa có tài khoản ngân hàng và mức sống còn thấp. Đây lại là điều không diễn ra ở Singapore.
Dù còn nhiều khó khăn, niềm tin của những người góp gạch xây hệ sinh thái như ông Fong vẫn còn đó. Ở Token2049, hàng nghìn nhà phát triển cùng người dùng vẫn từ khắp thế giới đổ về Singapore, hăng say chia sẻ các sáng kiến mới và dự định cho 2024. Sau những cú sập hay vụ hack nghiêm trọng, bảo mật và cơ sở hạ tầng lại trở thành chủ đề mới của những cuộc bàn luận.
Đọc thêm: thorswap bị hacker FTX chiếm dụng