‘Thợ săn’ airdrop Việt Nam có mất việc?
Retroactive hay airdrop là các từ khóa hot trong thị trường tiền mã hóa. Bỏ ra thời gian và số vốn nhỏ, người dùng có thể dễ dàng kiếm được hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn USD từ những đợt airdrop của các dự án như Uniswap, Aptos, Arbitrum, Optimism…
Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên khó khăn hơn. Đỉnh điểm, hai đợt airdrop “kém chất lượng” của hai dự án CyberConnect và Sei khiến cộng đồng Việt Nam và quốc tế trở nên thất vọng về thị trường này.
Để có thể sống sót, những người có kinh nghiệm tại Việt Nam phải luôn thay đổi để thích ứng với thị trường ngày càng khắc nghiệt. Một số “thợ săn airdrop” xem đây là kế sinh nhai, trong khi số khác chỉ xem đây là công việc thời vụ, phụ thuộc vào may mắn và không ổn định.
Phạm Ninh, người săn airdrop tại Việt Nam với hơn 100,000 lượt theo dõi trên Twitter, chia sẻ với Interlock rằng từ khóa “airdrop” ngày càng trở nên phổ biến dẫn đến “miếng bánh” ngày càng bị chia nhỏ. Cùng với tình trạng downtrend của thị trường, lượng airdrop mỗi người nhận được không còn nhiều như những năm về trước.
Anh Ninh cho biết đa phần dự án trong giai đoạn 3 năm trước đều airdrop khủng cho người dùng. Đơn cử, Ethereum Name Service đã airdrop số token tương đương 200 triệu USD cho những người sở hữu tên miền của dự án vào tháng 9/2021. Đa phần người dùng đều nhận được từ 100 ENS (tương đương 8,000 USD). Khi ấy, chỉ hơn 138 nghìn địa chỉ ví đủ điều kiện hợp lệ, nhưng vẫn là sự kiện airdrop có quy mô lớn nhất lúc ấy.
Chỉ 2 năm sau đó, dự án airdrop lớn nhất trong năm là Arbitrum chỉ “tặng” tối đa 2,000 USD cho hơn 80% người tham gia nhiệm vụ, dù chi phí tham gia cao gấp 10 đến 20 lần ENS. Mặc dù Arbitrum là dự án không hề kém cạnh so với Ethereum Name Service, layer 2 top 1 trên Ethereum từng huy động được gần 150 triệu USD với định giá lên đến 1.2 tỷ USD.
Quay lại trường hợp của Arbitrum, theo số liệu từ Dune Analytics, vào tháng 4, tổng lượng token Arbitrum phân bổ cho cộng đồng lên đến 1.275 tỷ ARB (tương đương 1.5 tỷ USD tại thời điểm niêm yết), lớn hơn rất nhiều so với dự án tên miền trên Ethereum.
Tuy nhiên, số lượng người nhận được airdrop còn nhiều hơn gấp 6 lần với hơn 620 nghìn địa chỉ ví hợp lệ. Điều này dẫn đến số lượng token mà mỗi người nhận được sẽ ít đi.
Hơn nữa, số lượng địa chỉ ví tham gia hoạt động săn airdrop không chỉ của người mà còn có cả máy. Với mức lợi nhuận khủng, các tay săn đã nâng cấp công cụ của mình lên thành các dàn máy với hàng trăm thậm chí hàng nghìn tài khoản cho các hoạt động airdrop.
Để giảm bớt số lượng “người” tham gia săn airdrop, không ít dự án đã nâng độ khó của các nhiệm vụ lên để lọc “bot”. Theo ông Quang Trưởng, nhà sáng lập cộng đồng Hak Research, dự đoán thị trường airdrop sẽ ngày một phức tạp hơn. Với số lượng người dùng ngày một nhiều, dự án sẽ đưa ra các điều kiện khác nhau để lọc ra “người dùng thật” trên nền tảng.
Người sáng lập cộng đồng Hak cho biết ngoài lượng người dùng ngày một nhiều, hoạt động cheat airdrop là yếu tố khiến các dự án phải cẩn trọng hơn với kế hoạch phân bổ token. Bắt đầu từ Uniswap hay Perpetual, điều kiện để nhận hàng chục nghìn USD rất đơn giản như thực hiện giao dịch trên nền tảng với mức phí vài chục USD hay thậm chí chỉ cần tham gia cuộc thi giao dịch trên testnet.
Qua thời gian, để có thể phân loại “người dùng thật” và “cheat thủ”, dự án bắt đầu bổ sung thêm các điều kiện về số lượng lẫn chất lượng tương tác với nền tảng, ông Trưởng chia sẻ. Đỉnh điểm, Arbitrum, trước thời điểm airdrop, có hơn 3 triệu địa chỉ ví hoạt động trên mạng lưới. Đội ngũ layer 2 đã đưa ra hơn 18 điều kiện để có thể lọc và phân loại người dùng theo mức độ hoạt động của họ.
Tuy vậy, công nghệ cheater sẽ luôn nâng cấp, song hành với độ khó của dự án. Các biện pháp của dự án nhằm giảm số người dùng ảo để bảo vệ người dùng thật vẫn không thực sự hiệu quả. Từ đó, người dùng sẽ phải cạnh tranh với máy thay vì những người dùng khác đồng thời số tiền nhận được sẽ ít hơn.
Người dùng cần phải dành thời gian duy trì tương tác thường xuyên cũng như sở hữu một số vốn nhất định mới có cơ hội nhận được lượng airdrop khủng. Ông Trưởng đùa rằng airdrop “dần dành cho người giàu” khi yêu cầu của dự án không dừng ở tần suất sử dụng mà còn ở số vốn cần chuẩn bị.
Dự án vẫn không thể tối ưu được hiệu ứng mong muốn thông qua việc airdrop. Nếu không có giải pháp cho việc này, dự án sẽ tìm ra cách khác hiệu quả hơn cho hoạt động marketing thay vì airdrop.
Mặc cho ngày một khó ăn, airdrop được nhiều người tin rằng sẽ tiếp tục tồn tại với thị trường crypto trong thời gian sắp tới.
Thiên Thiên, thợ săn airdrop full-time, vẫn vững tin vào tương lai của mảng airdrop trong thị trường crypto. Nữ thợ săn chia sẻ rằng lợi nhuận của mình vẫn không thay đổi dù dự án có thắt chặt yêu cầu. Mặc cho các dự án áp đặt ngày càng nhiều điều kiện, chị vẫn đảm bảo lợi nhuận ở mức tối đa bằng cách đầu tư thời gian và nguồn lực cho từng kèo.
Với 3 năm kinh nghiệm, chị cho rằng airdrop là hình thức marketing hiệu quả và ngày càng nhiều dự án áp dụng. Trong năm 2021, chỉ vài dự án DeFi như Uniswap, 1inch, Ref Finance airdrop cho người dùng. Nhưng giờ đây, đa phần dự án từ layer 1, layer 2 đến SocialFi, Gaming đều sử dụng phương thức này để thu hút thêm nhiều người dùng đến với nền tảng.
Bên cạnh giá trị vật chất, cộng đồng còn xem airdrop như một hoạt động mang tính đại diện cho khả năng hấp thụ blockchain của cộng đồng. “Trước khi biết đến airdrop, mục đích chính của tôi là trải nghiệm blockchain. Tuyệt hơn khi trải nghiệm và được dự án ghi nhận. Vì vậy, làm airdrop là một phần của hành trình trải nghiệm blockchain của tôi”, Ninh chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Trưởng cho rằng airdrop đã trở thành một nét văn hóa của thị trường crypto. Đó là cách mà dự án marketing, giúp nhiều người biết đến hơn. Khi thị trường tiền mã hóa chìm trong downtrend 2 năm qua, lượng người mới đến với crypto mới ngày càng ít đi. Để có thể thu hút người mới, airdrop là một phương thức hiệu quả.
Ở tương lai, ông Trưởng cho rằng các dự án hội tụ hai yếu tố là có nguồn lực và sản phẩm tốt sẽ có khả năng airdrop cao hơn trong chu kỳ này. Cụ thể, những dự án từng huy động được số tiền hàng chục đến trăm triệu USD từ quỹ lớn được xem là có nguồn lực tài chính mạnh.
Trong khi đó, sản phẩm tốt theo ông Trưởng phải có được doanh thu tương đối ổn định. Từ hai nguồn lực trên, ông Trưởng nhận định tương lai dành cho airdrop trong chu kỳ tới khá sáng cửa.
Không chỉ dự án “khủng”, các dự án nhỏ cũng sẽ lợi dụng từ khóa “airdrop” để thu hút thêm nhiều người dùng cho nền tảng. Thế nhưng, phương pháp này dễ mang lại hiệu ứng ngược nếu airdrop không đúng với kỳ vọng của cộng đồng. Do đó, dự án càng nhỏ càng phải minh bạch hơn với người dùng về các chương trình airdrop.
Để hoàn thiện hơn kế hoạch marketing, một số dự án lựa chọn cách tiếp cận phù hợp hơn để có thể tránh các hậu quả tiêu cực từ cộng đồng. Một hình thức mới gần đây được nhiều dự án áp dụng là tính điểm.
Cụ thể, dự án sẽ tính điểm dựa trên các hoạt động của người dùng trên nền tảng. Sau đó, dựa vào số điểm mà họ phân bổ token retroactive tương ứng. Gần đây, Linea, layer 2 do ConsenSys, cũng áp dụng phương thức tính điểm cho giai đoạn testnet của dự án. Mạng lưới đã kết hợp với Galxe để đưa ra danh sách nhiệm vụ trong hệ sinh thái. Thông qua đó, dự án thuyết phục người săn airdrop về sự công bằng. Người dùng nắm được lộ trình từ đó có động lực hơn. Đây có thể hiểu là chiến lược gaming hóa hoạt động airdrop.
Sau khi chương trình kết thúc, dựa theo mức điểm mà người dùng đạt được, Linea airdrop loại NFT tương ứng cho người dùng. Đó cũng là một cách mà dự án giữ nhiệt cho cộng đồng khi họ chưa muốn phát hành token. Dự án sẽ airdrop NFT trước và “để ngỏ” khả năng nhận airdrop của NFT đó. .
Một số dự án khác như Sui, Cyber lựa chọn phân bổ token thông qua các đợt mở bán token. Thay vì việc airdrop thẳng token về ví của người dùng, các dự này cho phép người dùng có thể mua một lượng token thông qua sự kiện Public Sale trên các sàn giao dịch tập trung như OKX, KuCoin, Coinlist… Một phần để huy động thêm vốn, một phần nhằm lọc ra người dùng thật nhờ vào hệ thống xác minh (KYC) của các nền tảng này. Qua đó, dự án đã loại được một lượng lớn tài khoản ảo, người dùng cũng nhận phần thưởng với giá trị tương đương như hình thức airdrop.
Mục đích của những phương pháp mới nhằm kéo người dùng trở lại và hứng thú hơn với các hoạt động airdrop. Khi lợi nhuận không còn hấp dẫn, dự án mong muốn rõ ràng, minh bạch với người dùng hơn từ đó khiến chương trình airdrop có hiệu quả marketing hơn.
Với lợi nhuận cao và rủi ro thấp, airdrop vẫn là từ khóa hot trong thị trường tiền mã hóa với ngày càng nhiều người tham gia. Tuy nhiên, airdrop cũng khiến nhiều người lãng phí thời gian và tiền bạc mà không thu được kết quả tương xứng. Cả 3 chuyên gia trong lĩnh vực này đều chia sẻ với Interlock rằng họ có kế hoạch riêng để không bị cuốn vào làn sóng fomo của airdrop.
Đối với Phạm Ninh, anh xem việc săn airdrop là một nghề và có thể kiếm tiền từ nó. Công việc này đòi hỏi mọi người phải kiên trì, học hỏi và nghiên cứu để tìm ra hướng đi của riêng mình. Tuy nhiên, để có đổi vị thế của mình, Ninh cho rằng cần phải tập trung vào các dự án có tiềm năng airdrop cao, đầu tư thời gian, nguồn vốn với nhiều tài khoản.
Theo Ninh, bên cạnh việc trải nghiệm dịch vụ, anh còn chọn cách hỗ trợ truyền thông cho dự án qua chương trình đại sứ thương hiệu. Thông thường, ở giai đoạn sớm thiếu hụt nhân lực, dự án cần sự giúp đỡ của nhiều người để phát triển cộng đồng.
“Bất kỳ ai có năng lực đều có thể xung phong tham gia. Sau khi huy động được vốn hoặc bắt đầu có doanh thu, dự án sẽ trả lương đều đặn hoặc phân bổ token cho những người từng đóng góp cho họ. So với airdrop, việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng và công sức nhưng đổi lại chúng ta sẽ chủ động hơn và phần thưởng cũng cao hơn”, Ninh nói thêm.
Trong khi đó, chị Thiên Thiên quyết định sử dụng một phần airdrop của mình nhận được để tái đầu tư vào các lĩnh vực crypto, bất động sản cũng như chi tiêu hằng ngày. Cụ thể, chị phân bổ lượng airdrop mà mình nhận được như sau: 30% cho chi tiêu hằng ngày, 30% tích lũy ETH và 40% ở USDT. Trong 2 năm tới, chị cho rằng airdrop vẫn còn phát triển nhưng vẫn khó dự đoán trong dài hạn.
Về phía đại diện Hak Research, anh Trưởng không xem việc cày airdrop là công việc lâu dài và không để “cuộc đời mình bị phụ thuộc vào may mắn, vào retroactive”.
Theo anh, retroactive không giúp mình phát triển được kỹ năng trong công việc cũng như kiến thức trong thị trường. Airdrop hay retroactive nên là hoạt động đi kèm trong quá trình nghiên cứu dự án. Còn nếu xem retroactive là công việc, người đó cần phải “công nghiệp hóa” nó với số lượng hàng trăm máy tính. Tuy nhiên, anh Trưởng vẫn quan niệm ngoài việc làm retroactive, mọi người cần phải “build cái gì đó” để có thể phát triển bản thân và đồng hành lâu dài cùng với thị trường.
Đọc thêm: Coin98 Wallet: Hành trình từ super app đến super wallet