Top 5 chủ đề nổi bật nhất tại GM Vietnam
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia phân tích hàng loạt vấn đề được cộng đồng quan tâm như khung pháp lý blockchain, tầm nhìn của DeFi, tính ứng dụng của NFT, tiềm năng của thị trường châu Á… Trong đó, các từ khóa như Việt Nam, mở rộng thị trường và xu hướng tương lai luôn là chủ đề được cộng đồng bàn luận.
Việt Nam là thị trường trọng điểm của Binance
Trong phiên thảo luận ngày 7/7, Richard Teng, Quản lý Khu vực ngoài nước Mỹ của Binance, cho hay sàn đánh giá khá cao về thị trường Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là thị trường sôi động, có nhiều nhân tài trong lĩnh vực GameFi và DeFi.
Nhận thấy cộng đồng lớn mạnh và mức độ chấp nhận crypto rộng rãi của Việt Nam, Binance đã đầu tư vào nhiều dự án lớn tại đây. Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện ở nước ta. Chẳng hạn, năm 2021, Binance Charity đã trao tặng 10,000 khẩu trang cho Việt Nam. Đồng thời, công ty cũng trao tặng hệ thống xét nghiệm realtime PCR cho Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam.
Về mặt pháp lý Binance luôn sẵn sàng hợp tác với giới quản lý để tuân thủ quy định ở Việt Nam. Để mang sản phẩm đa dạng cho người dùng Việt Nam, sàn giao dịch cũng tập trung phát triển sản phẩm phù hợp trong mảng NFT và P2P. Cuối cùng, Binance chú trọng tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Ngoài tầm nhìn về Việt Nam, ông đã chia sẻ kinh nghiệm của sàn trong việc tuân thủ các quy định pháp lý. Ông cho hay Binance luôn đặt mục tiêu nâng cao các tiêu chuẩn của công ty để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý toàn cầu, đặc biệt là ở các bước phòng chống rửa tiền (AML) và xác minh danh tính (KYC).
Binance nhận thấy mỗi nước đều có quy định và định nghĩa riêng dành cho crypto. Vì vậy, với mỗi khu vực khác nhau, sàn sẽ áp dụng những phương pháp tương ứng để tôn trọng sự đa dạng và hòa hợp văn hóa cũng như quan điểm của các quốc gia.
VC chắp cánh cho dự án ra quốc tế
Buổi thảo luận có sự góp mặt của đại diện nhiều quỹ đầu tư crypto, bao gồm C Squared Ventures, GSR, Whampoa Digital, Kyber Ventures, Arche Fund (tiền thân là Coin98 Ventures). Nói về câu chuyện ươm mầm dự án, Chuan Jin Fong (CJ), Trưởng khu vực APAC của GSR, nhấn mạnh không có VC nào thực sự nắm rõ mọi ngách của ngành crypto. Vì vậy, điều quan trọng là quỹ đầu tư tìm được dự án thực sự phù hợp với mình để ươm mầm và phát triển.
Peter Huo, CIO của Whampoa Digital khẳng định các mô hình ươm mầm là mối liên kết giữa VC và dự án. Vì VC hiểu rõ xu hướng thị trường, họ có thể đóng góp ý kiến cho các nhà sáng lập dự án hoặc kết nối họ với các nhà tạo lập thị trường để cải thiện dịch vụ của mình.
Tiếp lời Huo, Ciara Sun, nhà sáng lập C Squared Ventures cho hay quỹ có thể tận dụng kinh nghiệm 6 năm trong ngành để hỗ trợ các dự án phát triển kinh doanh và tìm các đối tác chất lượng. Ngoài ra, quỹ cũng có thể tham gia xây dựng tokenomics và cộng đồng cùng dự án cũng như giúp họ kết nối với nhà tạo lập thị trường.
Đồng tình với Sun, Jade Võ, người đứng đầu Arche Fund chia sẻ quỹ không muốn chỉ giới hạn trong việc cung cấp nguồn vốn. Khi hoạt động dưới tên Coin98 Ventures, quỹ đã giúp các dự án hoàn thiện ý tưởng và kết nối dự án với những VC và sàn giao dịch hàng đầu thế giới. Ngoài Arche Fund, Coin98 cũng vừa ra mắt quỹ Vietnam Future Fund nhằm hỗ trợ các dự án trong nước vươn tầm quốc tế. Tương tự, không chỉ cấp vốn, Vietnam Future Fund còn tham vấn chiến lược phát triển cho dự án.
Tiềm lực của thị trường Việt Nam
Phát biểu ngày 8/7, Zane Nguyễn, đồng sáng lập Kyros Ventures chỉ ra Việt Nam có nền kinh tế mạnh mẽ dù trải qua nhiều biến cố. Kể từ năm 1990, GDP của nước ta đã tăng gấp 64 lần lên 400 tỷ USD. Bên cạnh đó, năm 2022, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 27.72 tỷ USD, lọt top 20 trên toàn thế giới.
Đặc biệt, Zane đặt tình huống một công ty khởi nghiệp Web3 sẽ sống sót được bao lâu nếu gọi vốn được 5 triệu USD. Ông giả sử các dự án đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ đều cùng có đội ngũ gồm 1 CEO, 5 kỹ sư phần mềm, 2 điều phối viên marketing, 1 quản lý phát triển kinh doanh (BD) và 1 nhà thiết kế đồ họa.
Theo phân tích của Zane, dự án Việt Nam có thể tồn tại trong 19 năm. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ lần lượt “sống sót” trong 8.5 năm, 7 năm, 3.4 năm và 2.9 năm. Nguyên nhân là Việt Nam có chỉ số vốn nhân lực (HCI) cao thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Ngoài ra, ông cho hay Việt Nam có cộng đồng cởi mở với blockchain và chính sách thân thiện với startup. Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam được miễn thuế 4 năm đầu hoạt động và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều nhà phát triển blockchain ở Việt Nam bước vào thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điều gì chờ đợi thị trường ở chu kỳ tiếp theo?
Sáng ngày 8/7, các chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Animoca Brands, CMT Digital, Newman Capital và DeFiance Capital đã cùng thảo luận các xu hướng thị trường trong tương lai gần và 5 năm tới. Theo Arthur Cheong, nhà sáng lập DeFiance Capital, các nền tảng xã hội phi tập trung sẽ thu hút hàng triệu người dùng. Ông cũng tin rằng các dự án gaming sẽ mở rộng nhiều tiện ích hơn cho cộng đồng.
Đồng tình với Cheong, Augie Ilag, Trưởng khu vực Châu Á của CMT, cho rằng SocialFi sẽ có tiềm năng nhất khi nhiều mạng xã hội Web2 cũng đang tìm hiểu mô hình phi tập trung. Bên cạnh SocialFi, Ilag tin rằng cross-chain phi tập trung cũng là một trong những trọng tâm tiếp theo của blockchain.
Josh Du, Trưởng bộ phận Tài sản kỹ thuật số Animoca, nhận định thị trường 5 năm tới không chỉ xoay quanh trader mà còn hướng đến phân khúc người dùng rộng lớn hơn. Vì vậy, ông đang chú ý đến các dự án hỗ trợ người dùng mã hóa (tokenize) những nội dung như âm nhạc hoặc khóa học.
Với Adrian Lai, nhà sáng lập Newman Capital, ông chia sẻ công ty của ông đã đầu tư vào mảng Reddit từ 5 năm trước. Tuy nhiên, ông không lạc quan rằng thị trường sẽ xuất hiện các phiên bản Instagram hay Twitter phi tập trung trong 5 năm tới do mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện vẫn chưa phù hợp. Thay vào đó, Newman đang để mắt đến các loại hình giải trí Web3 khác như phim hoạt hình.
Nhìn vào tương lai gần, các chuyên gia đồng ý năm 2024 sẽ là khoảng thời gian “nhộn nhịp” của crypto. Theo lãnh đạo Animoca, thị trường crypto phải tiếp xúc với các cơ quan quản lý và công ty tập trung.
Làm sao để nhà đầu tư cá nhân nắm bắt thị trường?
Phiên trò chuyện của Tuna Nguyen, COO Nami Foundation; Le Duy, đại diện Glassnode và Joshua Foo, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Chainalysis xoay quanh chủ đề về nhà đầu tư cá nhân. Foo khuyên các nhà đầu tư nhỏ nên tìm hiểu kiến thức về tài chính truyền thống vì crypto và TradFi hiện tại có mối tương quan cao.
Trong khi đó, Tuna Nguyen cho rằng nhà đầu tư cá nhân thường quá để ý đến động thái của cá voi và không có chính kiến. Họ thường đầu tư vào một loại tài sản nhất định khi nghe nhiều người bàn luận nhưng không tìm hiểu về tài sản đó. Vì vậy, ông tuyên bố nhà đầu tư nên tự mình nghiên cứu để có quyết định đầu tư dựa trên kiến thức bản thân.
Foo đồng ý với Tuna Nguyen rằng nhà đầu tư không nên “bắt chước” hành vi của cá voi hay những nhà đầu tư lớn vì giá trị tài sản của nhà đầu tư cá nhân nhỏ hơn nhiều. Ngoài ra, ông cho hay Chainalysis luôn hướng đến phương pháp đầu tư bền vững thay vì chạy theo xu hướng.
Mặt khác, Le Duy cho rằng hành vi của cá voi cũng là yếu tố quan trọng nhà đầu tư cần cân nhắc vì các ví cá voi có thể có tác động lớn khi mua hoặc bán tháo token. Đồng thời, ông nhấn mạnh nhà đầu tư cần học hỏi thêm kiến thức phân tích kỹ thuật và chú ý đến các điều kiện vĩ mô như lạm phát và khủng hoảng ngân hàng để có quyết định đầu tư chính xác.
Thông tin chi tiết các phiên thảo luận sẽ được Interlock cập nhật trong thời gian tới.
Đọc thêm: Founder Coin98: “Việt Nam là thị trường hoàn hảo cho crypto”