Trung Quốc đổi giọng về NFT?
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Cộng hòa Trung Quốc (SPP) là cơ quan quốc gia cao nhất chịu trách nhiệm điều tra và truy tố tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo CoinDesk, SPP thừa nhận các bộ sưu tập NFT đã trở thành loại tài sản phổ biến ở Trung Quốc từ khi quốc gia này cấm giao dịch tiền mã hóa.
Tuy nhiên, cơ quan cho rằng NFT có các thuộc tính rủi ro của tài sản mã hóa, vốn bị cấm ở Trung Quốc. Các công tố viên Trung Quốc không phủ nhận thị trường NFT “có tiềm năng nhất định” song nói thêm loại tài sản này đi kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.
"Dù có mức độ phổ biến cao, NFT rất có khả năng gây rủi ro tài chính, quản lý, an ninh mạng và pháp lý. Các công tố viên đang hết sức chú ý", cơ quan tuyên bố.
Những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong việc phát hành và chuyển nhượng đã thu hút sự chú ý của Viện Kiểm sát. Cơ quan nhận định tất cả hoạt động tài chính phải được giám sát theo quy định của pháp luật, đồng thời kêu gọi tích cực trấn áp và ngăn chặn các tội phạm có liên quan.
Ngoài ra, SPP đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng hiểu rõ những nguy cơ tồn tại trong các bộ sưu tập kỹ thuật số và xác định các hoạt động tài chính bất hợp pháp “dưới chiêu bài NFT và metaverse”.
NFT gắn một mã định danh kỹ thuật số duy nhất vào các tài sản, cho phép người mua ghi lại bằng chứng sở hữu trên blockchain. Cơ quan công tố Trung Quốc lập luận rằng chủ sở hữu không thể thực sự hưởng quyền sở hữu đó, đặc biệt là khi tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số vẫn có thể được sao chép và phân phối lại.
SPP lưu ý đến xu hướng “chứng khoán hóa” NFT, tức là nhiều người dùng cùng sở hữu một bản sao. Cơ quan nhận định xu hướng này không phù hợp với tiêu chí không thể tái tạo, không thể phân chia và duy nhất của NFT.
“Những gì người tiêu dùng có thể làm chỉ là cấm người khác giả mạo quyền sở hữu NFT được ghi trên blockchain", SPP tuyên bố.
Cuối năm 2021, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đàn áp tiền mã hóa trên toàn quốc, buộc các ngân hàng ngừng cung cấp dịch vụ liên quan đến crypto. Đồng thời, hàng loạt sàn giao dịch như Binance, Coinbase và OKX đã phải rút khỏi thị trường Trung Quốc để tuân thủ quy định.
Sau lệnh cấm crypto, Trung Quốc vẫn có thái độ thân thiện với NFT. Cuối năm 2022, Tòa án Hàng Châu (Trung Quốc) cho rằng NFT là tài sản kỹ thuật số duy nhất thuộc danh mục tài sản ảo - virtual asset và cần được bảo vệ theo luật tài sản. Theo tòa, NFT có các đặc điểm của quyền sở hữu như tính khan hiếm, giá trị, khả năng kiểm soát và khả năng giao dịch.
Cho đến nay, khái niệm NFT vẫn nằm trong vùng xám pháp lý của chính phủ Trung Quốc. Đầu năm 2022, chính phủ nước này đã đẩy mạnh xây dựng mạng lưới Blockchain Services Network (BSN) dành riêng cho phát hành các bộ sưu tập NFT.
Tháng 7, chính quyền Thượng Hải cam kết hỗ trợ “các công ty hàng đầu xây dựng nền tảng giao dịch NFT”. 5 tháng sau, marketplace NFT đầu tiên của nhà nước Trung Quốc được ra mắt với tên gọi China Digital Assets Exchange.
Đọc thêm: Thị trường Trung Quốc lớn đến đâu?