Trung Quốc phát hành chứng khoán mã hóa đầu tiên
Sản phẩm ra đời thông qua quan hệ hợp tác giữa BOCI và UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ. UBS tiết lộ sẽ trở thành đối tác dài hạn của BOCI trong lĩnh vực mã hóa tài sản và duy trì cung cấp sản phẩm đa dạng cho khách hàng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 12/2022, UBS phát hành số trái phiếu mã hóa có lãi suất cố định trị giá 50 triệu USD. Các trái phiếu này được lưu hành hợp pháp tại Anh và Thụy Sĩ, nơi UBS đặt trụ sở chính. Với loạt chứng khoán kỹ thuật số mới, BOCI và UBS đã giới thiệu đến công chúng chứng khoán đầu tiên trên blockchain Ethereum và tuân thủ hoàn toàn quy định của Thụy Sĩ cũng như Hong Kong.
BOCI là chi nhánh quốc tế của Bank of China, ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. BOCI có 25 năm kinh nghiệm với phương châm luôn liên tục đổi mới dịch vụ để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng. Hiện BOCI đang cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước các dịch vụ đầu tư như quản lý tài sản, phái sinh vốn chủ sở hữu, sáp nhập và mua lại, tư vấn tài chính, bán chứng khoán…
Ngân hàng đã duy trì vị trí hàng đầu trong mảng IPO, giao dịch chứng khoán, phát hành trái phiếu, và thị trường vốn Trung Quốc đại lục ở Hong Kong suốt thời gian dài. Ngoài ra, BOCI cũng là tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc phát hành trái phiếu ở nước ngoài.
Ying Wang, Phó Giám đốc Điều hành BOCI cho biết ngân hàng cảm thấy hân hạnh khi tiên phong trong đổi mới tài chính công nghệ và tài chính kỹ thuật số. Qua thỏa thuận hợp tác với UBS, ngân hàng mong muốn đơn giản hóa thị trường và sản phẩm tài chính kỹ thuật số cho khách hàng ở châu Á-Thái Bình Dương.
"Chúng tôi được thúc đẩy bởi sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của Hong Kong và thái độ quyết tâm trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển đổi mới của ngành tài chính Hong Kong”, bà nói.
Trong bối cảnh pháp lý phức tạp ở Mỹ, Hong Kong đang ngày càng được nhiều công ty tiền mã hóa để mắt đến. Từ ngày 1/6, Ủy ban Chứng khoán và Tương lai (SFC) Hong Kong đã bắt đầu cho phép nhà đầu tư cá nhân giao dịch một số loại tiền mã hóa trên nền tảng được cấp phép.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, nhà lập pháp Wu Jiezhuang tiết lộ đặc khu đã có đủ điều kiện sẵn sàng chào đón các dự án crypto. Bên cạnh khung quy định rõ ràng, chính quyền Hong Kong yêu cầu các ngân hàng tăng cường hợp tác với các công ty crypto. Như Interlock đưa tin, ông cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện tại là Hong Kong đang cần thêm khoảng 100,000 nhân tài Web3.
Ngày 10/6, trên trang Twitter cá nhân, ông thậm chí tuyên bố thành phố sẵn sàng chào đón tất cả sàn giao dịch toàn cầu. Wu cũng nêu tên cụ thể Coinbase trong bài viết của mình dù sàn đang vướng phải rắc rối pháp lý với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Đáng chú ý, một trong những tiêu chí để các công ty nhận được giấy phép từ chính quyền Hong Kong là không có liên quan đến vụ kiện nào trong vòng 12 tháng gần nhất.