Twitter thế nào trước khi thành X?
Sau khi lên nắm quyền điều hành, Elon Musk đã thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt của công ty và thiết lập hướng đi mới cho Twitter. Ngày 23/7, tỷ phú Elon Musk bất ngờ thông báo đổi thương hiệu Twitter thành X, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của mạng xã hội hơn 300 triệu người dùng.
Khởi đầu từ nền tảng Podcast
Theo Business Insider, Twitter ban đầu do nhà phát triển phần mềm Noah Glass tạo nên. Năm 2005, Glass phát triển nền tảng cho phép người dùng gọi điện thoại và lưu trữ cuộc hội thoại thoại dưới dạng MP3 trên Internet. Nhân viên tên Ray McClure tiết lộ Glass đã ứng dụng công nghệ này vào Odeo, tiền thân của Twitter.
Một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Odeo là cựu nhân viên Google tên là Evan Williams. Sau đó, Odeo thuê Jack Dorsey làm nhà thiết kế website và chỉ định Evan Williams làm CEO của Odeo. Đến tháng 7/2005, Odeo vẫn tập trung phát triển nền tảng podcast. Song vào mùa thu, Apple lần đầu giới thiệu iTunes kèm theo nền tảng podcast tích hợp sẵn trong 200 triệu iPod.
Đồng thời, các nhân viên Odeo nhận ra họ không nghe podcast nhiều như họ nghĩ.
Williams quyết định từ bỏ ý tưởng về podcast và tìm kiếm hướng đi mới cho Odeo. Lúc bấy giờ, Jack Dorsey được coi "ngôi sao của công ty". Ông đưa ra loại sản phẩm hoàn toàn mới xoay quanh status - cập nhật trạng thái. Tháng 2/2006, Glass, Dorsey và nhà phát triển người Đức Florian Weber đã trình bày ý tưởng của Dorsey với toàn công ty.
Thông qua nền tảng Twttr, người dùng có thể gửi tin nhắn đến một số điện thoại và tin nhắn sẽ được phát cho tất cả bạn bè của họ. Trả lời Business Insider, Glass cho hay ông chính là người nghĩ ra cái tên "Twttr". Cuối cùng, cái tên này trở thành Twitter. Nhiều nhân viên đều đồng ý rằng Glass, Dorsey và Florian Webb là 3 nhà sáng lập thực sự của Twitter.
Tuy nhiên, tháng 9/2006, Williams ngỏ ý mua cổ phần của các nhà đầu tư với lý do “Twitter sẽ không đi đến đâu” và ông muốn tránh cho họ bị lỗ. Điều đầu tiên Williams làm khi mua lại Odeo là đổi tên thành Obvious Corp và sa thải Glass. Kể từ đó, cái tên nhà sáng lập Noah Glass dần vắng bóng trong lịch sử Twitter.
Dòng tweet đầu tiên
Ngày 21/3/2006, Jack Dorsey gửi dòng tweet đầu tiên với nội dung "Vừa thiết lập tài khoản Twttr của tôi". 4 tháng sau, phiên bản hoàn chỉnh của Twitter chính thức ra đời. Đến 2007, mạng xã hội được quỹ Union Square Ventures đầu tư 100,000 USD trong vòng gọi vốn Series A.
Bài đăng của Dorsey đã mở ra trang sử mới của Twitter. Từ tính năng tweet, Twitter bắt đầu tạo ra nhiều tính năng liên quan khác như retweet, hashtag, đăng video, livestream…
#barcamp - hashtag đầu tiên trên Twitter đã xuất hiện từ năm 2007. Song mãi đến tháng 7/2009, người dùng Twitter mới có thể xem các bài đăng được gắn cùng hashtag bằng cách click vào hashtag đó. 4 tháng sau, Twitter giới thiệu nút retweet sau khi nhận thấy nhiều người dùng đăng lại bài viết của người khác kèm theo cụm từ “RT” trên đầu.
Tháng 1/2013, Twitter ra mắt Vine, ứng dụng cho phép người dùng quay và chia sẻ các video lặp lại dài 6 giây. Song chỉ 4 năm sau, Twitter khai tử Vine và cho ra tính năng video mới. Năm 2015, người dùng Twitter lần đầu trải nghiệm tính năng livestream thông qua ứng dụng Periscope. Twitter sau đó mới bắt đầu cho phép các doanh nghiệp và công ty quảng cáo livestream trên nền tảng.
Giai đoạn đầu hoạt động, Twitter không hề có doanh thu. Năm 2010 đánh dấu bước chuyển mình của Twitter từ mạng xã hội SMS miễn phí sang mô hình có thể kiếm lợi nhuận. Với số lượng khách truy cập năm 2009 tăng khoảng 1,300%, Twitter đã quyết định ra mắt Promoted Tweet, tức các tweet được trả phí bởi nhà quảng cáo. Kể từ đó, quảng cáo trở thành nguồn doanh thu chính của Twitter.
Cuối năm đó, Twitter cũng công bố Promoted Trend. Twitter trending topic là cánh tay đắc lực tạo doanh thu cho Twitter, bao gồm các topic và hashtag phổ biến nhất đang được sử dụng. Sau này, Twitter triển khai thêm một loạt mô hình tương tự như Promoted Moment, Promoted Account…
Năm 2012, lượng người dùng Twitter cán mốc 200 triệu người. Tháng 11/2013, Twitter chào sân thị trường chứng khoán Mỹ và huy động thành công 1.8 tỷ USD trong đợt IPO.
Kỷ nguyên của mạng xã hội tin tức
Theo thời gian, Twitter không còn giới hạn là không gian để người thân và bạn bè trao đổi tin nhắn với nhau. Giới phóng viên và cả người dùng thông thường bắt đầu tận dụng nền tảng làm nơi chia sẻ và cập nhật tin tức nhanh chóng.
Ngày 15/1/2009, một hành khách đi phà tên Janis Krums đã đăng dòng tweet kể lại câu chuyện chuyến bay US Airways hạ cánh thành công trên sông Hudson ở thành phố New York.
Hình ảnh chụp vội những hành khách leo xuống chiếc máy bay đang dần chìm xuống dòng Hudson đã được tải lên Twitpic.com, dịch vụ lưu trữ ảnh dành cho người dùng Twitter. Thời điểm đó, website đã bị sập trong tích tắc khi hàng nghìn người dùng Twitter cố gắng xem bức ảnh cùng một lúc.
Tháng 6/2009, Twitter trở thành phương tiện phổ biến thông tin xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Iran. Sau khi truyền thông nhà nước đưa tin Mahmoud Ahmadinejad giành chiến thắng, những người ủng hộ ứng cử viên đối lập Mir Hossein Mousavi đã xuống đường phản đối. Lúc bấy giờ, #IranElection đã trở thành một trong những chủ đề được theo dõi nhiều nhất trên Twitter, khi phe ủng hộ Mousavi liên tục đăng cập nhật trực tiếp các sự kiện trên khắp thủ đô Iran.
3 ngày sau cuộc bầu cử, Twitter đã trì hoãn thời gian bảo trì 90 phút theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ để không cản trở luồng thông tin trong và ngoài Iran. Khi các phương tiện truyền thông truyền thống bị cấm đưa tin về cuộc biểu tình của phe đối lập, Twitter cùng với các trang mạng xã hội khác đã lấp đầy khoảng trống đó.
Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 bùng phát và trận bạo động ở Quốc hội Mỹ đã khiến cơn bão tin giả càn quét mạng Internet. Trước tình trạng đó, Twitter đã mạnh tay hạn chế quyền truy cập và xóa tài khoản của những người đăng tải thông tin sai sự thật.
Những tài khoản bị đình chỉ trải dài từ người bình thường cho đến người nổi tiếng và chính trị gia như diễn viên Rangoli Chandel, Sidney Powell - cựu luật sư của Donald Trump và dân biểu Mỹ Marjorie Taylor Greene. Đặc biệt, vụ việc gây ồn ào nhất của Twitter là khi nền tảng khóa tài khoản với 88 triệu người theo dõi của cựu Tổng thống Donald Trump để ngăn tầm ảnh hưởng của ông.
Khi Twitter vắng bóng “chú chim xanh”
Kể từ năm 2006, Twitter đã nhiều lần thay đổi thiết kế trang chủ, song điểm chung luôn là hình ảnh chú chim xanh quen thuộc. Logo chim xanh đời đầu được nhân viên Twitter mua trên iStock với giá 15 USD. Tuy nhiên, theo quy định, các công ty không được phép sử dụng hình ảnh iStock làm logo nên hình ảnh chú chim đậu trên cành cây này đã bị loại bỏ.
Năm 2009, nhà thiết kế Philip Pascuzzo đã chỉnh sửa logo ban đầu thành phiên bản chú chim với các chi tiết tròn trịa hơn. Một năm sau, logo được lược bỏ mắt, miệng thành bóng chú chim màu xanh đơn giản. Đến năm 2012, phiên bản logo Twitter lại được Doug Bowman, cựu Giám đốc Sáng tạo Twitter sửa lại và trở thành logo chính thức được sử dụng cho tới nay.
Logo chính thức có mỏ và toàn thân hướng lên trời. Theo Bowman, đây được cho là “biểu tượng tối cao của tự do, hy vọng và khả năng vô tận”. Ngoài ra, cái tên “Twitter” còn tượng trưng cho tiếng chim líu lo và màu xanh dương gợi nên sự ổn định, tin cậy và bình yên.
“Twitter là chú chim xanh, chú chim xanh là Twitter”, Doug Bowman, cựu Giám đốc Sáng tạo Twitter bày tỏ.
Vì vậy, việc Twitter sắp vắng bóng biểu tượng chú chim huyền thoại đã khiến công chúng xôn xao trên khắp các mạng xã hội, không riêng gì Twitter. Trong chuỗi tweet ngày 23/7, Musk đã gây sốc khi khẳng định sẽ thay logo mới của Twitter bằng biểu tượng X trên nền đen.
Đến 30/7, mạng xã hội X đã chính thức gỡ bỏ logo chim xanh khỏi biểu tượng ứng dụng di động. Đồng thời, Linda Yaccarino, CEO mới của X cũng chia sẻ video về logo X lớn phát sáng trên đỉnh trụ sở chính của công ty.
Cho đến nay, ngoài logo mới, cái tên Twitter vẫn hiện diện trên tên miền và các bài đăng vẫn được gọi là tweet. Vậy Elon Musk sẽ thực sự biến Twitter thành X như thế nào?
Những tháng tới, Musk khẳng định sẽ thêm các tính năng liên lạc và tài chính toàn diện khác, biến X thành siêu ứng dụng giống như WeChat ở Trung Quốc. Theo Giám đốc Chiến lược Nii Ahene, người dùng dùng ứng dụng có thể hưởng nhiều trải nghiệm khác nhau, từ nghe podcast, mua sắm cho đến xem video.
Ngày 3/8, trang Semafor đưa tin tỷ phú Elon Musk đang tìm kiếm đối tác dữ liệu tài chính để xây dựng trung tâm giao dịch chứng khoán bên trong X. Tháng 4, Twitter từng dự định cho phép người dùng giao dịch crypto và chứng khoán thông qua nền tảng eToro, song đến nay vẫn chưa triển khai.
Nếu sàn giao dịch được xây dựng trong ứng dụng, Musk có khả năng sẽ cho phép giao dịch crypto trên nền tảng. Năm 2022, hãng xe Tesla của Musk từng mở bán còi Cyberwhistle lấy cảm hứng từ dòng xe Cybertruck của công ty và chỉ cho phép thanh toán bằng Dogecoin. Bitcoin cũng đã suýt trở thành phương tiện thanh toán cho Tesla nhưng không thành.
Ngoài ra, trong bài đăng ngày 5/8, Musk nhấn mạnh nền tảng X sẽ không bao giờ phát hành token. Điều này cho thấy ông chủ của X có khả năng sẽ cân nhắc những lựa chọn quen thuộc trước đó, đặc biệt là "con cưng" Dogecoin của ông. Kể từ khi tiếp quản Twitter, tỷ phú Tesla đã không ít lần úp mở về việc tích hợp tiền mã hoá làm tùy chọn thanh toán trên ứng dụng.