Ai sẽ là “kẻ mạnh” cuối cùng sau Binance?
Năm 2018, chỉ sau 6 tháng chào sân, Binance đã thành công trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. Suốt 6 năm qua, chưa từng có dự án nào thành công vượt mặt Binance cả về khối lượng giao dịch lẫn số lượng người dùng. Sản phẩm đa dạng, danh mục token phong phú và thương hiệu quen thuộc đã khiến vị trí của Binance trở nên khó xoay chuyển.
Tuy nhiên, với sự rời đi của người đầu tàu CZ, câu chuyện có thể sẽ khác. Dù CZ đã từng có ý định tìm người kế nhiệm, không mấy ai tưởng tượng được CZ sẽ thực sự từ bỏ vị trí CEO một cách đột ngột như vậy.
Giữa lúc đó, OKX và Coinbase là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Sau khi FTX sụp đổ, OKX đã ghi danh vào top 2 bảng xếp hạng sàn crypto thế giới. Riêng Coinbase lại được đánh giá là có tiềm năng khá ổn định về đường dài dù không có mức tăng trưởng quá vượt bậc.
OKX: Tăng trưởng với tốc độ chóng mặt
Trong vòng một ngày, nhà đầu tư đã rút gần 1.23 tỷ USD tiền mã hóa từ sàn Binance. Mặt khác, OKX, sàn giao dịch tập trung lớn thứ 2 hiện tại, ghi nhận dòng tiền vào gần 100 triệu USD. OKX hiện đang nắm giữ số tài sản trị giá 12 tỷ USD.
Sau khi FTX sụp đổ, OKX giành cơ hội mở rộng miếng bánh thị phần và trở thành đối trọng với Binance. Token OKB của sàn cũng là một trong những tài sản tăng vượt trội bất chấp mùa đông tiền mã hóa.
Ngày 14/11, token OKB của OKX chạm mốc 64.92 USD, tiếp tục lập mức cao kỷ lục (ATH) mới trong năm nay. Nhìn lại 2022, OKB cũng là một trong những đồng tiền mã hoá tăng trưởng tốt nhất trong khi hàng loạt đồng tiền khác lao dốc nghiêm trọng. Sang 2023, OKB bắt đầu tăng mạnh mẽ, thậm chí phá mốc ATH giữa lúc các token khác vẫn còn thấp hơn 3-4 lần so với ATH.
Khi ông chủ Binance thừa nhận vi phạm quy định chống rửa tiền, giá token BNB đã sụt giảm gần 11%. Trái lại, OKB tăng hơn 10% lên 60 USD và hiện vẫn duy trì ở mức cao.
OKX luôn nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng và tung ra chiến dịch phát triển kịp lúc. Tháng 11, khi làn sóng fan token trỗi dậy, Binance đã khởi chạy chương trình Binance Football Fever 2022 để khuyến khích giao dịch 4 fan token do sàn hậu thuẫn.
Theo xếp hạng của CoinMarketCap, trong top 5 sàn spot có điểm uy tín cao nhất, OKX chỉ đứng sau Binance về khối lượng giao dịch và cũng chỉ đứng sau Binance về lượt truy cập trong tuần.
Tuy nhiên, báo cáo gần đây từ 0xScope cho thấy lượng người dùng OKX đang tiến lên gần bằng Binance. Kể từ tháng 3 đến tháng 11, tính riêng những địa chỉ mới, thị phần của OKX (màu cam) đã có xu hướng vượt trội hơn Binance (màu đỏ).
OKX luôn nhanh nhạy nắm bắt xu hướng và thúc đẩy chiến dịch phát triển kịp lúc. Tháng 11/2022, hưởng ứng làn sóng fan token, sàn đã ra mắt OKX Football Festival để hưởng ứng World Cup. Người hâm mộ bóng đá có thể mint miễn phí tối đa 3 NFT đại diện cho đội bóng họ yêu thích.
Tháng 5 vừa qua, từ khóa Bitcoin Ordinals bùng nổ. OKX cũng nhanh chóng phát hành bộ sưu tập Bitcoin Punks trên nền tảng giao dịch NFT của mình. Mới đây, OKX tiết lộ kế hoạch phát triển mạng lưới layer 2 mang tên X1. Ngay sau thông báo, giá OKB đã tăng không ngừng và lập ATH.
Coinbase: Chậm rãi mà chắc chắn
Không phải đến rắc rối của Binance, tiềm năng vươn lên ngôi vua của Coinbase mới được bàn luận. Sau sự cố sụp đổ của đế chế FTX, Coinbase đã được nhận định có vị thế tốt để trở thành sàn giao dịch hàng đầu thị trường tiền mã hóa.
Trái ngược với phong cách phát triển “thần tốc” của Binance hay OKX, Coinbase lại có tác phong thận trọng hơn. Dù vậy, nhiều tổ chức tài chính vẫn tin tưởng hơn vào vận may dài hạn của Coinbase bởi Coinbase đã là công ty niêm yết công khai ở Mỹ. Ngân hàng đầu tư Oppenheimer đã nhấn mạnh rằng Coinbase có khả năng trở thành "một trong số ít người sống sót lâu dài" trong không gian tài sản tiền mã hóa, xét trên cơ sở dòng tiền và ban điều hành.
Năm 2012, Coinbase được thành lập bởi Brian Armstrong và Fred Ehrsam, cựu giao dịch viên của Goldman Sachs. Khi thị trường crypto còn mang nhiều định kiến, Coinbase đã thành công tạo dựng danh tiếng là nền tảng uy tín, tuân thủ quy định, dễ sử dụng và nguồn lực tài chính ổn định.
Coinbase không chỉ là công ty quản lý tiền mã hóa lâu đời nhất ở Mỹ mà còn là công ty tiền mã hóa đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Tháng 4/2021, Coinbase đã được định giá gần 86 tỷ USD vào cuối phiên chào bán IPO trên Nasdaq.
Các chuyên gia nhận định việc Coinbase IPO đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của tài sản mã hóa. Sau sự kiện trên, Coinbase đã lọt top 150 công ty đại chúng có giá trị nhất ở Mỹ, trước Discover Financial Services, First Republic Bank và Nasdaq.
Theo báo cáo của Coinbase, sàn giao dịch này hiện có 108 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia. Tổng số tài sản trị giá 100 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng quý đạt khoảng 160 tỷ USD.
Tháng 1, Coinbase cũng từng vướng phải cáo buộc tương tự Binance - vi phạm quy định chống rửa tiền - nhưng gần như không bị ảnh hưởng. Công ty đã đồng ý nộp khoản tiền phạt 50 triệu USD cho Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) để dàn xếp các cáo buộc. Ngoài ra, thỏa thuận trên cũng yêu cầu Coinbase đầu tư thêm 50 triệu USD để cải tiến bộ phận tuân thủ nhằm ngăn chặn các vi phạm tài chính trong tương lai và đảm bảo an toàn cho người dùng.
“Coinbase tiếp tục cam kết dẫn dắt và trở thành hình mẫu cho thị trường tiền mã hóa, từ việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý về quy định cho đến hợp tác với những lĩnh vực khác”, Coinbase tuyên bố vào lúc đó.
Tháng 6, Coinbase cùng với Binance bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện tội vận hành sàn giao dịch chứng khoán chưa đăng ký. Như các nền tảng khác, Binance và Coinbase bác bỏ cáo buộc của SEC do cơ quan không có tiêu chuẩn phân biệt chứng khoán rõ ràng.
Với Coinbase, công ty còn có cơ sở khác để phản đối cơ quan quản lý Mỹ. Coinbase lập luận SEC đã chấp thuận mô hình kinh doanh của họ khi cơ quan này đồng ý để công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2021.
Từ năm 2022, Coinbase đã gửi cho SEC đơn yêu cầu xây dựng quy định dành cho tài sản mã hóa. Sàn cũng đặt 50 câu hỏi cụ thể, trong đó chất vấn phương pháp của SEC để phân loại một số token nhất định là chứng khoán. Tháng 5 năm nay, tòa án Mỹ đã yêu cầu SEC trả lời khiếu nại của Coinbase về cách áp dụng luật chứng khoán đối với tài sản kỹ thuật số. Bản thân Coinbase cũng rất tự tin về khả năng chiến thắng SEC.
Bên cạnh đó, Coinbase đang định hướng cho nền tảng mở rộng ra quốc tế, thay vì chỉ tập trung ở Mỹ như trước. Theo New York Times, năm 2019 và 2020, các giám đốc Coinbase đã thảo luận về việc mở một trung tâm quốc tế tại Singapore. Không chỉ mở rộng danh mục token, Coinbase còn muốn cung cấp các sản phẩm giao dịch phái sinh bị cấm ở Mỹ.
Tuy nhiên, dự án không bao giờ thành hiện thực mãi cho đến năm 2023. Ngày 2/5, công ty công bố nền tảng mới mang tên Coinbase International Exchange ở Bermuda. Nền tảng không mở đại trà toàn cầu, chỉ cho phép một nhóm khách hàng tổ chức bên ngoài nước Mỹ đăng ký mở tài khoản.
Cùng lúc đó, Coinbase thu thập giấy phép hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 10, sàn nhận giấy phép Tổ chức Thanh toán từ Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) sau nhiều tháng chờ phê duyệt. Trước đó, Coinbase cũng đăng ký làm nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hoá và ví custodial với ngân hàng trung ương Tây Ban Nha.
Thời gian tới, danh sách điểm đến của Coinbase chắc chắn sẽ còn nối dài thêm. Trong bài blog cách đây 2 tháng, Coinbase tiết lộ Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada, Brazil, Singapore và Australia là 5 khu vực ưu tiên trong ngắn hạn. Trước mắt, Coinbase đã chọn Ireland làm trụ sở chính ở EU.
“Quốc gia này có môi trường chính trị hỗ trợ cho các công ty fintech và quản lý tốt. Đồng thời, Ireland có cơ quan tài phán hàng đầu trong lĩnh vực”, Coinbase chia sẻ.
Người dùng vẫn còn niềm tin vào Binance
Trái với dự đoán, nhiều người dùng phản ứng tích cực với thỏa thuận giữa sàn giao dịch Binance, CZ và Bộ Tư pháp Mỹ. Nhà đầu tư hy vọng vụ việc sẽ giải quyết triệt để những trở ngại pháp lý của ngành, dọn đường cho các quỹ spot Bitcoin ETF bước vào thị trường.
Matt Walsh, đối tác tại công ty liên doanh crypto Castle Island Ventures, cũng cho rằng tình thế không hẳn là bất lợi với Binance. Ông nhận định thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ có thể bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và giúp Binance đảm bảo tuân thủ quy định trong tương lai.
Trong bài blog ngày 22/11, Binance tiết lộ đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài và Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính. Các vấn đề được đề cập bao gồm đăng ký hoạt động, tuân thủ và lệnh trừng phạt. Đặc biệt, sàn nhấn mạnh Bộ Tư pháp không hề đề cập đến các cáo buộc như chiếm dụng tiền của người dùng hay thao túng thị trường trong suốt quá trình điều tra.
Quay lại cuối năm 2022, đây chính là yếu tố then chốt đẩy FTX đến bờ vực sụp đổ. Vì vậy, tính chất của rắc rối pháp lý ở Binance và FTX không hề giống nhau. Trước khi FTX phá sản, sàn giao dịch đã khóa hàng tỷ USD của người dùng trên nền tảng. Trong khi đó, Binance vẫn để mở cổng rút tiền cho người dùng sau khi ông chủ CZ rời ghế CEO.
Khi gần 1 tỷ USD bị rời khỏi sàn, Binance tự tin rằng tài chính công ty vẫn sẽ ổn định dù người dùng có rút toàn bộ tiền khỏi nền tảng. Điều này đã đặt Binance vào vị thế bền vững hơn FTX lúc trước. Bằng chứng là diễn biến thị trường dường như khá êm ả và người dùng cũng bình thản hơn.
24h sau khi CZ hầu tòa, vốn hóa thị trường giữ vững mức 1.39 nghìn tỷ USD trong giá Bitcoin duy trì ở mức 36,500 USD. Token BNB của Binance chỉ giảm hơn 10%, không đáng kể so với cú trượt hơn 90% của token FTT một năm trước. Lúc bấy giờ, toàn thị trường chao đảo, cuốn sạch 300 tỷ USD vốn hóa thị trường và kéo Bitcoin chạm đáy 15,500 USD chỉ trong một tuần.
Đọc thêm: Điểm qua ngày tồi tệ nhất của Binance