Chất cấm tràn lan, nghị sĩ Mỹ đổ lỗi cho crypto
Warren trích dẫn nghiên cứu của Elliptic cho thấy tiền mã hóa đang được sử dụng phổ biến trong giao dịch fentanyl của Trung Quốc. Bà kêu gọi các nhà lập pháp đề ra phương án dập tắt đường dây buôn thuốc cấm này.
Như Interlock đưa tin, công ty nghiên cứu Elliptic tiết lộ hơn 90 doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng 3 sàn giao dịch nước ngoài để nhận tiền và vận chuyển tiền chất fentanyl đến Mexico. Sau đó, các băng đảng ma túy Mexico sẽ điều chế fentanyl cho thị trường Mỹ.
Vốn là thuốc giảm đau được sử dụng sau phẫu thuật, fentanyl bị cấm ở Mỹ do có độ gây nghiện không kém ma túy. Cục Quản lý Thực thi Ma túy (DEA) cho hay fentanyl mạnh hơn gấp 100 lần so với morphine và mạnh hơn 50-100 lần heroin. Ngoài ra, loại thuốc này gây ra hàng nghìn ca sốc thuốc ở Mỹ mỗi năm, trở thành nguyên nhân gây tử vong do dùng thuốc quá liều hàng đầu của người Mỹ 18-45 tuổi.
Năm 2019, Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu fentanyl sang Mỹ. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn tìm cách vận chuyển thuốc trái phép qua biên giới nhiều nước trước khi đến tay người Mỹ.
Elizabeth Rosenberg, phó thư ký Bộ Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và khủng bố đồng tình với Warren rằng thanh toán Bitcoin là phương thức chính được các nhà sản xuất tiền chất và tổ chức buôn ma túy bất hợp pháp sử dụng.
“Lý do những tên tội phạm tài chính thấy hình thức thanh toán này hấp dẫn là khả năng ẩn danh của chúng", Rosenberg nói.
Warren tuyên bố đạo luật chống rửa tiền mã hóa của bà có thể ngăn chặn tình trạng fentanyl tràn lan trong thị trường Mỹ. Dự luật sẽ được giới thiệu lại trước Quốc hội. “Crypto đang tiếp thêm tiền cho giao dịch fentanyl và chúng tôi có quyền đóng cửa hoạt động đó. Đến lúc rồi", Warren phát biểu.
Elizabeth Warren là một trong những quan chức có quan điểm chống tiền mã hóa mạnh mẽ nhất trên chính trường Mỹ. Tháng 3, bà công bố kế hoạch bài trừ crypto trong chiến dịch tái tranh cử vào Thượng viện. Trước đây, bà từng thúc đẩy Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chống tiền mã hóa, yêu cầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) gia tăng sức ép lên thợ đào Bitcoin và gọi crypto là “ngân hàng trong bóng tối”.
Tháng 7/2021, nữ nghị sĩ khuyến khích Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mạnh tay hơn với các giao dịch tiền mã hóa, đặc biệt là mảng DeFi. Tháng 12/2022, Warren công bố dự thảo “Đạo luật Chống rửa tiền đối với Tài sản mã hóa”, cũng chính là dự luật bà chuẩn bị trình bày lại trước Quốc hội. Thời điểm đó, dự luật bị cả đảng Dân chủ của bà lẫn đảng Cộng hòa phản đối.
Đọc thêm: Tương quan giữa Bitcoin và Trung Quốc tăng tích cực.