Friend.tech có thể gặp rắc rối với SEC
Friend.tech là nền tảng truyền thông xã hội Web3 cho phép người dùng mã hóa tài khoản Twitter và mua bán “cổ phần” (share) của các tài khoản này. Cổ phần này cho phép người sở hữu truy cập các phòng chat riêng tư với chủ tài khoản.
Với mỗi giao dịch cổ phần, friend.tech thu phí 10% và chia 5% cho chủ tài khoản Twitter. Như vậy, người dùng cũng có thể kiếm lợi nhuận bằng cách đầu tư vào các tài khoản có giá trị "cổ phiếu" tăng.
Luật sư Mark Hiraide, thuộc công ty luật Mitchell Silberberg & Knupp, cho rằng mô hình này tương đồng với thị trường chứng khoán. Giống như việc các cổ đông của công ty đại chúng có thể nhận cổ tức, chủ tài khoản có thể chọn chia sẻ phí với người mua, từ đó tăng khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu.
Hiraide nhận định yếu tố lợi nhuận này sẽ khiến friend.tech bị coi là dịch vụ chứng khoán. Càng nhiều người tham gia nền tảng, càng nhiều người mua cổ phiếu để có cơ hội nhắn tin riêng với những nhân vật nổi tiếng. Lúc này, nhà giao dịch sẽ xem cổ phiếu như cơ hội thu lời thay vì tập trung vào quyền lợi tương tác với chủ tài khoản.
Ông cho hay, việc những cổ phiếu này có được giao dịch trên nền tảng ngoài friend.tech hay không cũng là điều cần theo dõi. Nếu các cổ phiếu được giao dịch trên nền tảng thứ cấp, chúng sẽ càng có nguy cơ bị phân loại là chứng khoán.
Bên cạnh đó, Hiraide lo ngại sự phổ biến của friend.tech sẽ buộc SEC phải vào cuộc. Trong vòng 24h qua, friend.tech tiếp tục duy trì phí giao dịch ở mức 1 tỷ USD, vượt qua sàn DEX hàng đầu Uniswap.
“Tôi nghĩ điều tương tự đã xảy ra với Ripple. SEC biết Ripple có rất nhiều nguồn lực và sẽ tập hợp các luật sư. Nhưng đã có quá nhiều dư luận xung quanh Ripple đến mức SEC không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục theo đuổi vụ kiện”, Hiraide chia sẻ.
Về phía friend.tech, để giảm rủi ro, sáng ngày 22/8, dự án thông báo đổi tên "share" thành "key". Trên bài đăng Twitter, key - chìa khóa sẽ thể hiện rõ hơn mục đích của các vật phẩm được sử dụng để mở khóa phòng chat.
Theo luật sư Jesse Hynes, không chỉ friend.tech, người dùng cũng có thể bị liên đới khi cổ phiếu biến động. Dù chủ tài khoản Twitter không phải là nhà phát hành cổ phiếu, họ vẫn có thể bị quy trách nhiệm khi cho phép friend.tech mã hóa và phân phối tài khoản của mình.
Ứng dụng hiện không có chính sách bảo mật. Người dùng được hướng dẫn kiểm tra chính sách trên website của nền tảng, nhưng sau đó được thông báo rằng chính sách này sẽ “sắp ra mắt”. Khi đăng ký, người dùng cho phép friend.tech xem tất cả bài đăng và tài khoản liên quan đến người dùng.
Ngoài ra, người dùng cấp quyền cho friend.tech đăng bài và retweet từ tài khoản của mình. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Trên Twitter, nhiều nhà phân tích đã kêu gọi người dùng friend.tech vô hiệu hóa các quyền này sau khi đăng ký.