SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Interlock
Save
Copy link

Số phận crypto giữa 2 đầu chính trị Mỹ

Tháng 11/2024, Mỹ sẽ mở cuộc bầu cử chọn ra tổng thống tiếp theo. Trong số 9 chính trị gia nộp đơn ứng cử tổng thống lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, 6 người đã có phát ngôn về tiền mã hóa.
Avatar
uyntran.web3
Published Jun 02 2023
Updated Aug 12 2023
11 min read
thumbnail

Dù muốn hay không, tài sản mã hóa là một trong những chủ đề được thảo luận sớm nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Nhìn chung, đảng Dân chủ của chính quyền Biden duy trì quan điểm chống tiền mã hóa. Trong khi đó, các ứng viên từ đảng Cộng hòa đang thu hút những người bỏ phiếu thuộc cộng đồng ủng hộ crypto. 

Theo Forbes, không có gì ngạc nhiên khi tiền điện tử trở thành vấn đề đảng phái: Tiền mã hóa là tiền. Tiền là sức mạnh. Và quyền lực là chính trị.

Ai đang lên tiếng bảo vệ Bitcoin?

Trên thông báo tranh cử ngày 24/5, Ron DeSantis tuyên bố sẽ bảo vệ Bitcoin và chỉ trích cơ quan quản lý cản trở người dùng trong không gian tiền mã hóa. Theo kết quả các cuộc thăm dò, ông là ứng viên Cộng hòa được yêu thích thứ 2 sau Trump.

Trong đề xuất ngân sách 2022–2023 cho bang Florida, ông mong muốn chính phủ cho phép các doanh nghiệp thanh toán hóa đơn bằng tiền mã hóa. Ngoài ra, DeSantis phản đối tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vì cho rằng chính phủ sẽ kiểm soát hoạt động thanh toán của người dân qua CBDC, thay vì riêng tư như crypto.

coin98
Ron DeSantis cho rằng chính quyền Biden không thích tiền mã hóa vì không kiểm soát được chúng. Nguồn: The New York Times. 

Đáp lại, Vivek Ramaswamy, một đối thủ khác đến từ đảng Cộng hòa khẳng định ông hiểu rõ về tiền mã hóa hơn DeSantis. Ramaswamy tiết lộ với CoinDesk ông ủng hộ Bitcoin vì đây là đồng tiền có thể thay thế đồng USD theo hướng phi tập trung. Ông tin rằng Bitcoin sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia bằng cách tạo ra động lực cạnh tranh với hệ thống hiện có.

Riêng Thượng Nghị sĩ Tim Scott lại đưa ra lập trường tương đối trung lập. Theo ông, các nhà lập pháp nên thực hiện “cách tiếp cận cân bằng, lưỡng đảng” để giám sát ngành tiền mã hóa ở Mỹ. Ông nhận định crypto cần có khung quy định rõ ràng để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa thúc đẩy đổi mới công nghệ. Scott cũng là thành viên của Financial Innovation Caucus, dự án tập trung vào các vấn đề về blockchain, tài sản mã hóa, trí tuệ nhân tạo và bảo vệ người tiêu dùng.

Cuối cùng, luật sư Robert F. Kennedy Jr. có thể được coi là ứng cử viên ủng hộ crypto mạnh mẽ nhất. Trái ngược với các quan chức khác cùng đảng Dân chủ, Kennedy khẳng định tiền mã hóa là động cơ đổi mới lớn và cảnh báo chính phủ Mỹ đang đánh mất vị thế thị trường trung tâm với những hành động pháp lý nghiêm ngặt.

coin98
Robert F. Kennedy Jr. thông báo chấp nhận quyên góp bằng crypto. Nguồn: NBC News.

Tại hội nghị Bitcoin 2023, hậu duệ gia tộc Kennedy thông báo chấp nhận các khoản quyên góp bằng tiền mã hóa trong chiến dịch tranh cử, trở thành ứng cử tổng thống Mỹ đầu tiên có động thái như vậy trong lịch sử. Trong cuộc phỏng vấn với TheStreet, ông chỉ trích SEC sau một loạt hành động chống lại tiền mã hóa. “Họ nên ở vị trí trung lập”, ông nói.  

Phe “Bitcoin không có giá trị”

Ngày 25/4, Joe Biden, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ tuyên bố sẽ tái gia nhập đường đua vào Nhà Trắng. Hiện tại, ông được đánh giá là người duy nhất đủ sức đánh bại Donald Trump trong số các ứng viên thuộc đảng Dân chủ. 

Thái độ của Biden đối với crypto thể hiện rõ nhất trong Báo cáo Kinh tế Tổng thống 2023. Trong báo cáo, ông dành ra một mục tóm tắt về tiền mã hóa từ năm 1950. Theo báo cáo, tài sản mã hóa có sức hấp dẫn lớn nhưng không hề mang lại những lợi ích như hứa hẹn. “Nhiều đồng tiền mã hóa không có giá trị gì”, ông nhận xét. 

Bên cạnh đó, tổng thống cho rằng “những người giàu có trong thị trường crypto” đang gây ra lỗ hổng lớn trong doanh thu thuế của Mỹ. Ngày 21/5, ông thậm chí tuyên bố sẽ phản đối thỏa thuận nợ trần với đảng Cộng hòa vì đề xuất này “bảo vệ những người giàu có gian lận thuế và nhà giao dịch tiền mã hóa”.

Đồng thời, Biden đề nghị các công ty sử dụng điện cho hoạt động đào tiền mã hóa, dù mua hay tự sản xuất, sẽ bị đánh thuế tối đa 30% chi phí điện tiêu thụ. Mức thuế này sẽ được áp dụng vào ngày 31/12 và tăng 10% mỗi năm. Đến năm thứ 3, thợ đào sẽ phải đóng thuế tối đa 30%.

Ngày 28/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mới đạt được thỏa thuận nâng trần nợ 31,400 tỷ USD của chính phủ liên bang. Theo Fortune, thỏa thuận này không có sự hiện diện của crypto. Điều này đồng nghĩa dự luật không bao gồm các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư lẫn chính sách thuế 30% đối với thợ đào coin.

Tinh thần “chống crypto” của đảng Dân chủ càng rõ nét hơn khi Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đều là những “người phản diện” nổi tiếng trong cộng đồng. Dù không tham gia tranh cử, họ là 2 nhân vật cộm cán trực tiếp đưa ra những đề xuất và phát ngôn kiềm hãm thị trường. Chẳng hạn, mới đây, Warren tuyên bố tình trạng thuốc cấm fentanyl tràn lan ở Mỹ là do tiền mã hóa tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm.

Cựu Tổng thống Donald Trump là chính trị gia hiếm hoi thuộc đảng Cộng hòa có chung quan điểm về crypto với chính quyền Biden. Tuy đang đối mặt 4 cuộc điều tra, ông vẫn nhận sự ủng hộ áp đảo so với các ứng viên khác của đảng Cộng hòa. Trong vài năm qua, ông đã nhiều lần công khai nhắc đến tiền mã hóa với thái độ không mấy thiện cảm.

Tháng 7/2019, Trump, lúc bấy giờ là tổng thống, cho hay ông không phải người hâm mộ Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Giá Bitcoin đã sụt giảm khoảng 10,000 USD sau phát ngôn của ông. Năm 2021, Trump gọi Bitcoin là "trò lừa đảo chống lại USD" và là "một thảm họa đang chực chờ bùng nổ".

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông nhắm mục tiêu vào các tội phạm tài chính sử dụng crypto. Khi đề cập đến biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, Trump nói với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin “hãy theo sát Bitcoin”. Tiền mã hóa cũng được nhắc đến trong đề xuất ngân sách năm 2021 của ông, chủ yếu ám chỉ việc tội phạm sử dụng chúng.

Mặt khác, ông từng cân nhắc cắt giảm thuế thặng dư vốn cho nhà đầu tư tiền mã hóa. Các quan chức dưới thời Trump cũng quảng cáo tiềm năng của công nghệ blockchain trong hoạt động của chính phủ và củng cố hệ thống phòng thủ an ninh mạng của đất nước. Cuối năm 2022 và tháng 4 năm nay, cựu tổng thống lần lượt ra mắt 2 bộ sưu tập NFT Donald Trump Trading Card. Điều này cho thấy Trump vẫn đánh giá cao blockchain dù có tư tưởng bài Bitcoin.

Crypto - công cụ tranh giành quyền lực

Các ứng viên tổng thống đang sử dụng từ khóa tiền mã hóa với động cơ chính trị rất rõ ràng. Những người hứa hẹn bảo vệ Bitcoin như Kennedy đang lôi kéo phiếu bầu từ nhà đầu tư crypto. Trong khi đó, các ứng viên khác, điển hình là Tổng thống Biden, đặt ra những đề xuất kìm hãm hoạt động của thị trường để chiếm sự ủng hộ của những nhóm bài xích tiền mã hóa.

Bất kể họ có thực sự quan tâm đến tiền mã hóa hay không, bức tranh tương lai của thị trường sẽ bị nhào nặn dưới bàn tay của những người có quyền lực cao nhất. Trước hết, số phận của đồng e-USD hay CBDC có thể sẽ thay đổi tùy theo kết quả bầu cử, nhất là khi CBDC còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới chức Mỹ. DeSantis cáo buộc CBDC không chỉ là công cụ giám sát của chính phủ mà còn là vũ khí tài chính trực tiếp chống lại kẻ thù chính trị. 

Đảng Cộng hòa cảnh báo tình trạng hỗn loạn ở Canada có thể tái diễn ở Mỹ nếu áp dụng chính sách đàn áp mạnh tay. DeSantis và các chính trị gia Mỹ khác viện dẫn cuộc biểu tình của hàng loạt tài xế xe tải ở Canada tháng 2/2022. 

coin98
Phong trào “Đoàn xe Tự do” ở Canada năm 2022. Nguồn: TIME.

Nhằm phản đối các hạn chế liên quan đến COVID-19, "Đoàn xe Tự do" đã kéo đến thủ đô Ottawa, gây tắc nghẽn biên giới thương mại. Các nhà chức trách đã khóa ví crypto của những người dẫn đầu cuộc biểu tình. Dù vậy, đoàn xe vẫn không thoái lui, các nhóm vận động cũng tìm những cách thức mới để tiếp tục gây quỹ Bitcoin. 

Mauricio Di Bartolomeo, nhà sáng lập nền tảng cho vay Ledn, nhận định hầu hết sáng kiến liên quan đến tài sản mã hóa gần đây đều mang tính lưỡng đảng và sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nếu đảng Dân chủ chiến thắng, quá trình phê duyệt các quy định sẽ bị chậm lại và tình trạng pháp lý mơ hồ như hiện tại sẽ tiếp diễn. 

Một trong những dự luật có nhiều khả năng được Quốc hội thông qua nhất do Debbie Stabenow từ đảng Dân chủ và John Boozman từ đảng Cộng hòa đề xuất. Theo luật sư Jeremy Liabo, dự luật này sẽ mở rộng đáng kể quyền lực của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) trong kiểm soát crypto.

Không rõ liệu điều này sẽ có lợi cho thị trường tiền mã hóa hay không. Những năm qua, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã hứng chịu sự chỉ trích từ cả nhà đầu tư, doanh nghiệp crypto, công ty tài chính truyền thống cho đến giới lập pháp. Nếu quyền lực được chuyển tiếp cho CFTC, nhà đầu tư có cơ hội mong đợi bối cảnh pháp lý minh bạch, rõ ràng nhưng cũng có thể là nghiêm ngặt hơn.

Đọc thêm: Ứng viên Tổng thống Mỹ chỉ trích SEC, bảo vệ Bitcoin.

RELEVANT SERIES