Itmeans: Vụ kiện SEC-Binance là lời tuyên chiến với toàn ngành crypto
Tối 5/6, tờ Bloomberg bất ngờ đưa tin Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện Binance vi phạm luật chứng khoán liên bang. Thoạt đầu, CZ, nhà sáng lập Binance lên tiếng trấn an cộng đồng và khẳng định chưa nhận được đơn kiện. Vài phút sau, sàn giao dịch đăng tải phản hồi chính thức trên trang web, đồng thời khẳng định sẽ “chiến đấu đến cùng” với SEC.
Như Interlock đưa tin, Binance và CZ nhận tổng cộng 13 cáo buộc. Nếu thua kiện, sàn giao dịch có khả năng sẽ bị phạt một khoản tiền khổng lồ và ngừng một số dịch vụ. Bên cạnh đó, SEC đề nghị cấm Binance và CEO CZ vĩnh viễn không được tiếp tục hoạt động liên quan đến tiền mã hóa ở Mỹ, dù dưới vai trò là nhà môi giới hay hệ thống thanh toán trung gian. Nói ngắn gọn, Binance sẽ phải rời Mỹ.
Sáng ngày 6/6, một số lãnh đạo trong ngành crypto đã lên tiếng ủng hộ sàn giao dịch. Charles Hoskinson, nhà sáng lập blockchain Cardano nhận định đây là cơ hội tốt để toàn bộ ngành crypto cùng chung sức “chống lại chủ nghĩa độc tài” và bảo vệ quyền tự do công nghệ. Với ông, đây không chỉ là cuộc chiến của riêng Binance mà của toàn bộ crypto.
Bắt nhầm hơn bỏ sót
Không ngoài mong đợi, trong đơn kiện Binance, SEC tiếp tục liệt kê một loạt danh sách tiền mã hóa được coi là chứng khoán. 10 token mới nhất được nhắc tên gồm có BNB, BUSD, SOL, ADA, MATIC, FIL, ATOM, SAND, MANA, ALGO, AXS và COTI. Theo Cointelegraph, tính đến nay, SEC đã xếp loại tổng cộng 61 đồng tiền mã hóa là chứng khoán thông qua các vụ kiện tụng.
Trước đó, khi kiện Justin Sun tội thao túng thị trường, SEC cáo buộc TRX và BTT là chứng khoán chưa đăng ký. Trong đơn kiện Terraform Labs, SEC liệt tên 16 token là chứng khoán, trong đó có USTC, LUNC và MIR. Sau mỗi lần như vậy, cơ quan đã bao trọn số token trị giá 100 tỷ USD trên thị trường, tương đương 10% tổng vốn hóa thị trường 1.09 nghìn tỷ USD.
Tất nhiên, đây không phải là kết thúc. Tháng 2, Chủ tịch SEC Gary Gensler tuyên bố tất cả tiền mã hóa, ngoại trừ Bitcoin, đều là chứng khoán và nằm dưới quyền kiểm soát của cơ quan. Trả lời New York Magazine, ông giải thích các đồng tiền mã hóa này có liên quan đến bên thứ 3 và mang lại lợi nhuận lớn. Trên trang web dữ liệu crypto CoinMarketCap, khoảng 25,500 đồng coin và token đang tồn tại.
Phát ngôn của Gensler đã vấp phải sự chỉ trích từ nhà đầu tư tiền mã hóa lẫn giới chuyên gia trong ngành. Không ai cảm thấy bị thuyết phục với lý do Bitcoin trở thành đồng coin duy nhất được SEC loại trừ khỏi diện giám sát. Ngay cả Ủy ban Giao dịch và Hàng hóa Tương lai (CFTC) cũng không đồng tình với quan điểm này. Tại phiên điều trần ngày 8/3, Rostin Behnam, Chủ tịch CFTC nhận định Ethereum và stablecoin là hàng hóa và cần được CFTC quản lý.
Cũng chính từ Ethereum, sự kỳ lạ trong tiêu chuẩn phân biệt chứng khoán của SEC càng bộc lộ rõ ràng. Cơ quan vẫn luôn mơ hồ trước câu hỏi liệu Ethereum có được coi là chứng khoán hay không. Tháng 3, Gensler tuyên bố Ethereum đáp ứng các tiêu chuẩn chứng khoán do hoạt động theo cơ chế Proof-of-Stake. Đến phiên điều trần tháng 4, ông lại từ chối trả lời liệu đồng coin lớn thứ 2 thị trường có phải là chứng khoán.
Quay về năm 2018, William Hinman, cựu Giám đốc Tài chính Doanh nghiệp của SEC, khẳng định Bitcoin và Ethereum không nên được xem là chứng khoán vì chúng đã đủ phi tập trung. Sau này, Ripple đã dùng chính bài phát biểu của Hinman làm luận điểm bảo vệ XRP trước SEC.
Theo Ryan Selkis, nhà sáng lập công ty nghiên cứu blockchain Messari, khái niệm phi tập trung của Hinman có khả năng được đưa vào dự thảo luật về tiền mã hóa của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, đảng đối lập với Gary Gensler. Nếu đúng như vậy, đây có khả năng là dự luật có lợi cho crypto.
Khuya 5/6, giữa lúc đơn kiện của Binance gây xôn xao khắp cộng đồng, nhiều người phát hiện SEC đã xóa hầu hết tiểu sử của Hinman trên trang web. Sự trùng hợp của hành động này, đơn kiện nhắm vào Binance cùng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến không ít người đặt nghi vấn về động cơ chính trị phía sau.
Liệu đây có phải là một phần trong kế hoạch tấn công lớn đã được SEC từng bước chuẩn bị?
Chiến dịch Choke Point 2.0
Trong bài đăng ủng hộ Binance, Hoskinson nhận định đơn kiện sàn giao dịch là bước tiếp theo nhằm triển khai Choke Point 2.0 tại Mỹ. Theo ông, mục tiêu cuối cùng của chính quyền Mỹ là sử dụng CBDC để phối hợp với các ngân hàng lớn kiểm soát mọi hoạt động tài chính của người dân.
Chiến dịch Choke Point đầu tiên là cuộc đàn áp nhằm vào các công ty bị cơ quan quản lý Mỹ coi là có rủi ro cao. Chiến thuật chính của chính quyền Mỹ là gây áp lực buộc ngành ngân hàng ngừng kinh doanh với các công ty thuộc một số lĩnh vực nhất định dù họ vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Hoạt động này bắt đầu vào năm 2013, tạo sức ép khiến nhiều công ty liên quan đến vũ khí, ma túy, cho vay và các ngành rủi ro khác mất quyền tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở Mỹ. Choke Point đến nay vẫn gây tranh cãi vì chưa bao giờ được các chính trị gia bỏ phiếu chính thức.
Ngày nay, chiến dịch Choke Point 2.0 được cho là kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn cản các ngân hàng hợp tác với các công ty tiền mã hóa, vốn gây xôn xao trong cộng đồng từ đầu năm 2023. Phát biểu tại hội nghị NFT.NYC 2023, Nghị sĩ Byron Donalds chỉ trích SEC, CFTC và các cơ quan khác đang kích hoạt Choke Point 2.0 bằng cách cô lập doanh nghiệp crypto khỏi hệ thống tài chính truyền thống, từ đó đặt nền móng cho đồng USD kỹ thuật số.
Theo Donalds, kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội của ông cho thấy không có gì là trùng hợp xảy ra với cơ quan chính phủ. "Họ đang có những phát ngôn vượt giới hạn hơn bao giờ hết. Họ đang tìm nhiều cách để đạt được mục tiêu họ muốn", ông chỉ ra.
Thời điểm đó, Signature Bank, một trong những ngân hàng thân thiện với crypto đã bị chính quyền New York đóng cửa. Barney Frank, CEO ngân hàng cho rằng nguyên nhân đằng sau là các nhà chức trách muốn gửi thông điệp anti-crypto. “Chúng tôi là ví dụ hoàn hảo bởi vì ngân hàng hoàn toàn không có dấu hiệu phá sản", CNBC trích lời ông.
Nhiều công ty, trong đó có Binance US, đã phải gấp rút tìm đối tác ngân hàng mới để cung cấp dịch vụ nạp rút tiền cho người dùng. Ngoài Signature, sự phá sản của Silvergate Bank và Silicon Valley Bank đã thu hẹp cơ hội cho nhiều công ty crypto ở Mỹ, buộc họ phải mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Điều này khiến nhiều người trong ngành đặt câu hỏi liệu họ có thể kinh doanh trong nước hay không. Và thế là các công ty tiền mã hóa, điển hình là Coinbase, gần đây đã bắt đầu để mắt đến khu vực Bermuda do nơi này có môi trường pháp lý thân thiện hơn.
Binance cũng có xu hướng đánh mạnh vào thị trường toàn cầu sau khi chịu sức ép từ CFTC. Ngày 29/5, Binance bổ nhiệm Richard Teng làm người đứng đầu tất cả thị trường bên ngoài nước Mỹ. Trong thời gian tới, sàn có kế hoạch mở chi nhánh ở Thái Lan và Nhật Bản sau khi giành được giấy phép từ cơ quan địa phương.
Ai sẽ là mục tiêu tiếp sau Binance?
Ngay sau khi tin về vụ kiện SEC-Binance nổ ra, cổ phiếu Coinbase đã nhanh chóng lao dốc do nhà đầu tư lo ngại sàn sẽ bị cơ quan nhắm đến. Tháng 3, SEC đã gửi Wells Notice cho sàn Coinbase nhằm đưa ra cảnh báo trước khi có hành động pháp lý. Theo đó, 4 dịch vụ của Coinbase, bao gồm nền tảng giao dịch giao ngay, Coinbase Earn, Coinbase Prime và Coinbase Wallet, đã vi phạm quy định chứng khoán liên bang.
Tranh cãi giữa Coinbase và SEC đã nóng lên kể từ đó. Ngày 25/4, Coinbase đã nộp đơn kiện SEC yêu cầu cơ quan đặt ra khung quy định minh bạch cho tiền mã hóa và trả lời những câu hỏi sàn đặt ra từ tháng 7/2022. Đáp lại, SEC lập luận họ không có nghĩa vụ phải đáp ứng các yêu cầu của Coinbase và đề nghị tòa bác bỏ đơn kiện của sàn.
Đúng như dự đoán của cộng đồng, tối 6/6, SEC chính thức khởi kiện Coinbase. Như Interlock đưa tin, các token được nêu tên trong đơn kiện lần này bao gồm SOL, ADA, MATIC, FIL, SAND, AXS, CHZ, FLOW, ICP, NEAR, VGX, DASH, NEXO.
Ngày mai (7/6), Giám đốc Pháp lý Paul Grewal sẽ làm chứng trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Nông nghiệp để thảo luận về cấu trúc thị trường tài sản mã hóa. Trong phiên điều trần, ông hy vọng sẽ thuyết phục được nhà chức trách thiết lập quy định phù hợp cho tiền mã hóa.
Ngoài Coinbase, Huobi cũng là nền tảng có nguy cơ bị SEC gọi tên. Tháng 3, SEC cáo buộc TRX và BTT là chứng khoán chưa đăng ký. Ngoài ra, Justin Sun bị tố thao túng giá và tăng khối lượng giao dịch cho hai đồng tiền mã hóa này thông qua hơn 600,000 “giao dịch ma”. SEC cho hay các nhân viên tại TRON Foundation phụ trách thực hiện giao dịch, 2 nền tảng BitTorrent và TRON kiểm soát các tài khoản trong khi Rainberry cung cấp nguồn tiền.
Mối quan hệ với Justin Sun có thể khiến Huobi bị ảnh hưởng. Tháng 10/2022, Sun giữ chức cố vấn toàn cầu cho Huobi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nhà sáng lập TRON đã âm thầm mua lại Huobi dưới danh nghĩa của quỹ About Capital Management. Một tháng sau, qua một chuỗi tweet dài, Sun lần đầu thừa nhận là ông chủ thực sự của sàn giao dịch, tiết lộ đã chi hơn 1 tỷ USD mua lại công ty và cam kết sẽ “yêu thương Huobi như đứa con của mình”.
Tuy nhiên, không chỉ Coinbase hay Huobi, bất kỳ ai đều là mục tiêu tiềm năng của SEC. Trong các đơn kiện của cơ quan nhắm đến crypto, tất cả đều có điểm chung là “cung cấp dịch vụ chứng khoán chưa đăng ký” kèm theo danh sách dài những loại tiền mã hóa được xem là chứng khoán. Và theo định nghĩa của SEC, trừ khi chỉ giao dịch duy nhất Bitcoin, nền tảng nào cũng sẽ vi phạm quy định.